TP.HCM sẽ triển khai 20 dự án chống ngập trong năm 2021
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Dự thảo kế hoạch 2021 đề ra chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc xem xét, thông qua kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM năm 2021.
Theo đó, dự thảo kế hoạch 2021 đề ra chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, có những phần kế hoạch TP có thể làm ngay trong năm nay nhưng cũng có những dự án triển khai thời gian lâu hơn. Ông Điệp cũng cho rằng giai đoạn hiện nay cần phải cố gắng giữ được kết quả chống ngập đã đạt được thời gian qua. Cụ thể điểm nào đã giảm, xóa ngập thì không để tái ngập lại, đồng thời giảm dần từng điểm ngập như trong danh mục kế hoạch đề ra.
Các dự án giảm điểm ngập do mưa bao gồm hoàn thành 2 dự án giải quyết dứt điểm 3 điểm ngập trên đường Tân Quý (quận Tân Phú); Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình); Hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công gói thầu xây lắp 6 thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2; Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 7 công trình giải quyết chín điểm ngập ở các đường như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Tân Bình), quốc lộ 1A (đoạn qua TP.HCM).
Về giảm điểm ngập do triều, trong năm 2021, cơ quan quản lý sẽ theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án 10.000 tỉ đồng). Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giải quyết tình trạng ngập của bốn tuyến đường gồm Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, quốc lộ 50. Đồng thời, trong năm nay TP cũng hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn để ngăn triều cường và xây dựng hàng loạt nhà máy xử lý nước thải (nằm trong kế hoạch giảm ngập do triều) như khởi công xây dựng các hạng mục công trình chính của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè giai đoạn 2, triển khai thủ tục mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải…
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã rà soát danh mục 178 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021 + 2025 và đề xuất 88/178 dự án cần thực hiện các công việc chuẩn bị để đề xuất chủ trương đầu tư công trong năm 2021.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) dự kiến hơn 38.100 tỉ đồng.
Các dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) hơn 20.600 tỉ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỉ đồng và các công trình khác hơn 1.700 tỉ đồng. Như vậy, TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (tương đương 4,3 tỉ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước.
Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cố gắng giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm TP rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP. Thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Nhâm – Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị tại TP.HCM không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp các giải pháp mang tính liên vùng theo lưu vực sông, theo toàn đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị, từng khu vực đô thị, thậm chí từng công trình cụ thể, từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình. Các giải pháp như: bơm, đề, cốt nền, hồ điều tiết đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân…
Cũng theo bà Nhâm, muốn giải quyết tốt tình trạng ngập úng cần tầm nhìn của nhà quản lý, cần nguồn vốn lớn và các giải pháp xây dựng quy hoạch đồng bộ, tổng thể hệ thống thoát nước liên vùng kết hợp với xây dựng quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM mới giải quyết triệt để vấn đề ngập úng và thoát nước tại các đô thị nói chung và TP.HCM nói riêng.
Lan Anh