Thứ sáu, 27/12/2024 22:40 (GMT+7)
Thứ hai, 17/05/2021 18:30 (GMT+7)

TP.HCM phát hiện gần 150 tấn đường nghi nhập lậu

Theo dõi KTMT trên

Cơ quan chức năng kiểm tra 3 chiếc xe chở hàng ở huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, phát hiện gần 150 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi là nhập lậu.

Cục Quản lý thi trường TP.HCM phối hợp cùng với lực lượng công an phát hiện 1 xe tải đang đỗ trong bãi trên đường Nguyễn Thị Sóc, huyện Hóc Môn chở hơn 40 tấn đường nghi nhập lậu.
Cùng thời điểm trên, đoàn liên ngành kiểm tra xe container ở đường số 48 và một xe tải khác tại bãi xe 39, Quốc lộ 1, quận Bình Tân, phát hiện thêm 100 tấn đường cùng loại.
Khi làm việc với cơ quan chức năng những người có lên quan không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Toàn bộ số hàng trên đã bị cơ quan chứng năng lập biên bản tạm thu giữ để làm việc với các đơn vị có liên quan. 
TP.HCM phát hiện gần 150 tấn đường nghi nhập lậu - Ảnh 1
Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ đường nhập lậu mới bị phát hiện hôm 15/5.
Thời gian qua lực lương chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ đường nhập lậu trên địa bàn TP.HCM và các tính lân cận. Đơn cử như tháng 10/2020, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Kiểm tra ghe, lực lượng chức năng phát hiện 2.000 bao đường cát trắng nhãn hiệu nước ngoài, tương đương 100 tấn. Số đường này được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá đường dây tội phạm buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam, thu giữ gần 1.000 tấn đường...
Nói về tình trạng buôn lậu đường trên địa bàn, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang từng chia sẻ: “Các đối tượng buôn lậu cử người theo dõi sát sao hoạt động của các lực lượng chức năng để thông báo cho nhau, lợi dụng thời gian giao ca sẽ đưa hàng qua biên giới. Cá biệt, một số đối tượng buôn lậu ở khu vực biên giới thuộc TP.Châu Đốc thuê đất ruộng của người dân để mở đường vận chuyển hàng qua biên giới".
Trong khi đó, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Lào, Campuchia vào nước ta qua biên giới các tỉnh Tây Nam.
Ông  Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, các đối tượng buôn lậu mặt hàng đường cát thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và liên tục biến hóa không ngừng… gây nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý. Thông thường, đường cát lậu được tập kết dọc biên giới Lào, Campuchia, sau đó dùng các phương tiện vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy vào thị trường nội địa tiêu thụ. Thậm chí, các đối tượng còn thường xuyên sử dụng thủ đoạn “hô biến” đường lậu thành đường xuất xứ Việt Nam bằng cách bỏ bao bì của nước sản xuất, đóng nhãn mác Việt Nam.
Tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam. Thậm chí tình trạng buôn lậu đường với quy mô lớn đã khiến cho không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ.
Ước tính hằng năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ 500.000 tấn lên đến gần 1 triệu tấn. Với giá rẻ hơn giá đường trong nước 1.000-2.000 đồng/kg, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng tuồn đường lậu vào nước ta kiếm lời.
Nguyên nhân đường nhập lậu tràn lan vào Việt Nam được phía Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính chỉ ra là do có phần buông lỏng quản lý ở địa phương. Đặc biệt trên tuyến nổi cộm An Giang, Long An, Tây Ninh. Sự phối hợp chống buôn lậu từ biên giới vào sâu trong nội địa chưa đồng bộ, còn có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, một số nhà máy hệ thống phân phối đường vì lợi nhuận cục bộ chưa thống nhất và đồng tâm chống buôn lậu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thậm chí còn tiếp tay cho buôn lậu.
Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều đơn vị quản lý chuyên môn đề nghị cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc. Bởi thực tế cho thấy, mỗi khi bắt được đường nhập lậu, các lực lượng chức năng phải lấy mẫu đem đi phân tích rất mất thời gian và cũng rất khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.
Đồng thời, yêu cầu tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm; ngăn chặn lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý đường nhập lậu bị tịch thu, hóa đơn mua bán đường trong nước, nhằm mục đích xoay vòng hóa đơn, hợp thức hóa cho các lô hàng đường nhập lậu khác.

Nguyễn Thật

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM phát hiện gần 150 tấn đường nghi nhập lậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới