Thứ năm, 26/12/2024 20:32 (GMT+7)
Thứ năm, 26/12/2024 08:04 (GMT+7)

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024)

Theo dõi KTMT trên

Dù ở bối cảnh nào, cùng với sự phát triển của ngành TN&MT, Tạp chí Môi trường luôn bám sát tôn chỉ, mục đích theo Giấy phép xuất bản; có vị trí, tiếng nói nhất định trong hệ thống các cơ quan báo chí nước nhà nước...

Ngày 25/12/2024, tại Trụ sở Bộ TN&MT, Tạp chí Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) đã tổ chức Gặp mặt 25 năm thành lập. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy tham dự và phát biểu tại buổi Lễ.

Cùng tham dự có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng các đơn vị thuộc Viện; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí qua các thời kỳ cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Môi trường.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi Lễ

Hành trình 25 năm một chặng đường

Tạp chí Môi trường (tiền thân là Tạp chí Bảo vệ môi trường, trực thuộc Cục Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường), xuất bản số đầu tiên vào năm 1999 theo Giấy phép xuất bản số 58/1999-GPXB-BC ngày 25/2/1999 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông); hoạt động theo Quyết định thành lập số 1569/QĐ-BKHCNMT ngày 6/9/1999 của Bộ trưởng Bộ KHCN&MT. Là đơn vị báo chí chuyên ngành đầu tiên về môi trường của cơ quan quản lý môi trường quốc gia qua các thời kỳ (Cục Môi trường 1999 - 2002; Cục Bảo vệ môi trường 2002 - 2008; Tổng cục Môi trường 2008 - 2022).

Từ cuối năm 2022, theo Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT; Quyết định số 2888/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2022 của Bộ TN&MT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Tạp chí Môi trường được chuyển từ Tổng cục Môi trường thành đơn vị trực thuộc Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT.

Đây là bước chuyển biến có tính bước ngoặt về chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí, từ một cơ quan ngôn luận của cơ quan quản lý về môi trường sang một tạp chí khoa học của viện nghiên cứu trực thuộc Bộ; từ phạm vi chủ yếu trong lĩnh vực môi trường mở rộng sang các nội dung liên quan đến mọi lĩnh vực của ngành TN&MT.

Sự chuyển đổi này là phù hợp với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đáp ứng yêu cầu tinh giản tổ chức bộ máy. Đồng thời, thúc đẩy giới thiệu, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, diễn đàn chính sách, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); phục vụ công tác xây dựng chiến lược, chính sách đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Trong suốt 25 năm không ngừng nỗ lực, phấn đấu, Tạp chí Môi trường đã từng bước trưởng thành về cơ cấu và tổ chức. Từ một đơn vị báo chí chỉ có 2 cán bộ với 1 Tổng Biên tập là Lãnh đạo kiêm nhiệm, đến nay, Tạp chí đã phát triển thành một đơn vị báo chí hoạt động theo cơ chế tự chủ, với 1 Tổng Biên tập là Phó Viện trưởng, 2 Phó Tổng Biên tập và 8 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, 1 hợp đồng; số lượng đảng viên gồm 8/12 đồng chí (trong đó có 3 đảng viên nữ).

Dù ở bối cảnh nào, cùng với sự phát triển của ngành TN&MT, Tạp chí Môi trường luôn bám sát tôn chỉ, mục đích theo Giấy phép xuất bản; có vị trí, tiếng nói nhất định trong hệ thống các cơ quan báo chí nước nhà; xây dựng nguồn tư liệu quan trọng, phục vụ cho hoạt động của cán bộ quản lý và nhà khoa học ngành TN&MT, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả. Công tác xuất bản luôn được đẩy mạnh, năm sau cao hơn năm trước, từ 6 số/năm tăng lên 18 số/năm, đến nay, Tạp chí Môi trường đã xuất bản ổn định 20 số/năm, với 12 số định kỳ hàng tháng; 4 số chuyên đề khoa học - công nghệ tiếng Việt và 4 số chuyên đề tiếng Anh.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 2
TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường báo cáo tóm tắt quá trình 25 xây dựng và phát triển của đơn vị

Trong 25 năm qua, số lượng Tạp chí Môi trường đã được phát hành hàng vạn cuốn trong phạm vi cả nước; hàng chục nghìn bài, tin, ảnh được đăng tải, truyền tải đầy đủ định hướng chỉ đạo, chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó là những sự kiện, hoạt động quan trọng về môi trường; giới thiệu thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học; giải pháp, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; mô hình, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực quản lý nhà nước về BVMT; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng; bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý TN&MT trên thế giới...

Đặc biệt, thông qua các số chuyên đề tiếng Việt, Tạp chí đã công bố, giới thiệu hàng trăm công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao đến với độc giả trong nước. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, các số Tạp chí chuyên đề tiếng Anh cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích về chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT; đồng thời giới thiệu những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm thế giới tới độc giả. Đây là nguồn tài liệu đối ngoại quan trọng, phát hành đến nhóm đối tượng là các Đoàn ngoai giao, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, chương trình, dự án quốc tế, doanh nghiệp liên doanh… đang hoạt động tại Việt Nam.

Cùng với Tạp chí bản in, Tạp chí Môi trường điện tử (Website: tapchimoitruong.vn) được xây dựng và thành lập theo Giấy phép số 64/GP-TTĐT ngày 14/5/2013; gia hạn Giấy phép theo Công văn số 606/PTTH&TTĐT) ngày 3/5/2018 của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tạp chí điện tử tạo thêm kênh thông tin mới, một đầu ra của Tạp chí Môi trường bản in, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin nhanh, chính thống, qua đó mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng lượng cộng tác viên tuyên truyền về công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 3

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng hoa cho nguyên Tổng biên tập Tạp chí Môi trường qua các thời kỳ

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính về xuất bản, Tạp chí Môi trường đã tổ chức thành công hàng chục cuộc Tọa đàm - Khảo sát - Tập huấn, với hàng trăm lượt phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự trên mọi miền đất nước. Qua đó, tạo ra mối liên kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan báo chí với cơ quan quản lý môi trường ở địa phương.

Những thông tin ghi nhận từ cơ quan quản lý môi trường và doanh nghiệp địa phương đã được các cơ quan báo chí chọn lọc, phản ánh khách quan, chân thực; đồng thời là cầu nối chia sẻ thông điệp, ý kiến đề xuất của Lãnh đạo Sở TN&MT, doanh nghiệp địa phương về khó khăn, bấp cập khi triển khai thực tiễn đến các cơ quan quản lý ở Trung ương.

Về công tác truyền thông, Tạp chí đã phối hợp tuyên truyền với các cơ quan, đơn vị trong cả nước, điển hình như Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh nước sạch, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh, Sở NN&PT Nông thôn Hà Nội... Ngoài ra, Tạp chí Môi trường đã phối hợp với tổ chức C asean, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thành công nhiều cuộc thi ảnh về kinh tế tuần hoàn... góp phần khẳng định vị thế và nâng cao vai trò của Tạp chí Môi trường với cộng đồng xã hội.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 4

TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam,Nguyên Tổng Biên tập Bản tin BVMT, tiền thân của Tạp chí BVMT (1994 - 1998)

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 5

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, -Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí BVMT (từ năm 1999 - 2023) phát biểu tại buổi lễ.

Đặc biệt, là Tạp chí khoa học chuyên ngành nên ngay từ khi mới thành lập, Tạp chí Môi trường đã mời các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đầu ngành, có uy tín, đã và đang công tác tại các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học thành lập Hội đồng biên tập. Hiện nay Hội đồng gồm 22 thành viên, hoạt động tích cực, tư vấn ý kiến định hướng cho sự phát triển Tạp chí Môi trường, đồng thời trực tiếp tham gia viết bài, thẩm định nội dung bài đăng trên Tạp chí. Hiện Tạp chí Môi trường được 5 Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành công nhận, tính điểm quy đổi từ 0,25 - 0,5 điểm. Song hành với hoạt động chuyên môn, Chi hội Nhà báo Tạp chí Môi trường cũng đã được thành lập theo Quyết định số 66/QĐ-HNBVN ngày 21/6/2011 của Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Các hội viên Chi hội Nhà báo Tạp chí Môi trường là những cán bộ, phóng viên có năng lực, tâm huyết với nghề, hoạt động theo hướng đa dạng hóa, tập hợp, đoàn kết, hướng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác thông tin, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí.

Tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trở thành tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín

Kế thừa các kết quả đạt được, phát huy thế mạnh của 25 năm xây dựng và phát triển, bước sang tuổi 26, Tạp chí Môi trường tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phát huy vai trò, trách nhiệm, tiếp tục đổi mới sáng tạo, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Định hướng đề ra của Tạp chí bao gồm: (i) Nâng cao chất lượng, nội dung để trở thành một tạp chí khoa học chuyên ngành, công bố, đăng tải các kết quả nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng chiến lược, chính sách vì sự nghiệp phát triển chung của ngành. Từng bước nâng cao điểm số của hội đồng giáo sư chuyên ngành; xây dựng và áp dụng mã định danh điện tử quốc tế DOI; (ii) Xây dựng và thực hiện Đề án xuất bản Tạp chí Môi trường (bản in, điện tử) trong giai đoạn mới khi có cơ quan chủ quản mới.

Cùng với bản in, đẩy mạnh phát triển Tạp chí Môi trường điện tử nhằm mở rộng không gian hoạt động; cung cấp thông tin; tạo diễn đàn chính sách; công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời có thể khai thác thế mạnh của mạng internet và công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại; (iii) Hoàn thiện tổ chức, cơ cấu hoạt động của Tạp chí; từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, biên tập viên; xây dựng cơ cấu tổ chức và nhân lực phù hợp trong bối cảnh mới. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ được giao; mở rộng, phát triển đội ngũ cộng tác viên; tăng cường sự phối hợp giữa Tạp chí với các tổ chức, đơn vị.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 6

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy trao Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho tập thể Tạp chí Môi trường

Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà Tạp chí Môi trường đã đạt được, cũng như cống hiến, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Môi trường trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển.

Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào thành tựu chung của ngành TN&MT nói riêng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Theo Bộ trưởng, hiện nay Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT đang tích cực chỉ đạo, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo đúng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, trong đó có các cơ quan báo chí sẽ được rà soát, có phương án sắp xếp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 7

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TN&MT cho 4 cá nhân của Tạp chí

Trước chủ trương hợp nhất các đơn vị báo chí, đặc biệt, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, năm với rất nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

Riêng với những người làm báo, năm 2025 còn là một năm đặc biệt ý nghĩa, một dấu mốc vô cùng quan trọng: Kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của những người làm báo, đồng thời đề nghị Ban Lãnh đạo Tạp chí Môi trường phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm và cùng phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang xây dựng Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, trong đó Dự thảo Văn kiện xác định quan điểm phát triển kinh tế - xã hội và BVMT là trung tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hoá, con người là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên…

Như vậy, vấn đề BVMT đã được xác định là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, hướng đến kỷ nguyên mới, đặc biệt là thực hiện thành công cam kết đưa mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26). Bộ trưởng chỉ đạo, để thực hiện tốt sứ mệnh và mọi nhiệm vụ được giao, Tạp chí Môi trường cần tập trung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành về tổng kết các Nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH; các kết quả nghiên cứu, đề xuất việc tham gia ý kiến với văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; việc xây dựng, bổ sung hoàn thiện các Chiến lược, Quy hoạch, cơ chế, chính sách của ngành TN&MT trong giai đoạn mới.

Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, nỗ lực đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt vai trò là cầu nối hiệu quả giữa khoa học và thực tiễn; là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, phản biện, chia sẻ thành tựu, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn và thông tin chuyên đề về lĩnh vực TN&MT, góp phần xây dựng, thực thi hiệu quả các chiến lược, chính sách phát triển bền vững của quốc gia nói chung, của ngành TN&MT nói riêng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 8Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng hoa chúc mừng tập thể Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Môi trường

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, hành trình 25 năm hình thành và phát triển, Tạp chí Môi trường đã khẳng định vị thế là một trong những cơ quan báo chí chuyên ngành uy tín, góp phần lan tỏa những giá trị bền vững trong công tác BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH. Để có được thành tựu đáng tự hào đó, Tạp chí Môi trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ TN&MT.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ bày tỏ, những lời phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng không chỉ là việc ghi nhận những thành tựu mà Tạp chí Môi trường đã đạt được trong 25 năm qua mà còn truyền cảm hứng, là nguồn động viên để tập thể Lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hướng đến những mục tiêu cao hơn, khẳng định vai trò và sứ mệnh của Tạp chí trong giai đoạn phát triển mới.

Tại Lễ gặp mặt, các đại biểu đã cùng ôn lại những kỷ niệm hoạt động của Tạp chí trong 25 năm qua. Nguyên Tổng Biên tập Bản tin BVMT, tiền thân của Tạp chí BVMT (1994 - 1998) TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Hành trình 25 năm là một chặng đường ý nghĩa đối với Tạp chí Môi trường.

Tạp chí xuất bản số đầu tiên vào năm 1999, sau khi ra đời Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với đó, các thành viên Hội đồng Biên tập đều là giáo sư hoạt động trong ngành BVMT nên chất lượng các bài báo đăng trên Tạp chí luôn phản ánh kịp thời hiện trạng môi trường.

Đồng thời, là biện pháp hữu ích trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng chung tay BVMT, đáp ứng nhu cầu của Đảng, Nhà nước đề ra. Với những kết quả đã đạt được, Tạp chí đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp BVMT, là thành viên tích cực của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh các Bộ, ban, ngành đang thực hiện tinh gọn bộ máy theo hướng hợp nhất, các đơn vị báo chí nói chung, Tạp chí Môi trường nói riêng cần sẵn sàng cho việc rà soát, thay đổi, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhân dịp này, TS. Nguyễn Ngọc Sinh mong muốn, sau khi bộ máy mới được hình thành, Tạp chí Môi trường vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển vững mạnh, để có thêm thật nhiều thành tựu, cống hiến hơn nữa cho sự phát triển bền vững của ngành TN&MT nói riêng, đất nước nói chung.

Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024) - Ảnh 9

Toàn cảnh buổi Lễ

Với vai trò nguyên Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Bảo vệ môi trường (giai đoạn từ năm 1999 - 2003), PGS.TS. Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ: Từ một cơ quan ngôn luận của cơ quan quản lý về môi trường sang một tạp chí khoa học của viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, mặc dù có nhiều tên gọi, cơ quan chủ quản khác nhau, Tạp chí luôn phát huy tinh thần chủ động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Hội đồng Biên tập của Tạp chí có sự tham gia của đội ngũ nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành uy tín, do vậy, theo đề án sáp nhập giữa hai Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT, rất cần có một tạp chí chuyên ngành về môi trường, về nông thôn để từ đó có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng chiến lược, chính sách vì sự nghiệp phát triển chung của ngành, của đất nước. PGS.TS. Trương Mạnh Tiến cũng hy vọng, trong thời gian tới, tập thể Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Môi trường sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong ngành cũng như các địa phương và đội ngũ cộng tác viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đã tặng Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho tập thể Tạp chí Môi trường; tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TN&MT cho 4 cá nhân của Tạp chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành TN&MT.

Bạn đang đọc bài viết Tạp chí Môi trường: Dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển (1999 - 2024). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.