Thứ bảy, 23/11/2024 12:36 (GMT+7)
Thứ ba, 11/05/2021 06:05 (GMT+7)

TP.HCM: Nỗ lực 'hồi sinh' những dòng kênh chết

Theo dõi KTMT trên

Nỗi khát khao được đi bộ thể dục hằng ngày ở hai bên bờ các con kênh của người dân đang dần thành hiện thực khi TP.HCM lên kế hoạch cải tạo, nạo vét hàng loạt kênh, rạch.

Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho người dân, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM sẽ khơi thông, nạo vét kết hợp chỉnh trang đô thị cho hàng loạt tuyến kênh, rạch lớn và nhỏ trên địa bàn. Trong đó, những dự án được hàng triệu người dân mong chờ phải kể đến là dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (đi qua 7 quận, huyện), cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), hồi sinh kênh Hàng Bàng (quận 5, 6)... là những dự án sắp tới được TP.HCM triển khai thực hiện.

TP.HCM: Nỗ lực 'hồi sinh' những dòng kênh chết - Ảnh 1
Tình trạng rác thải, ô nhiễm bao trùm nhiều dòng kênh ở TP.HCM.

Theo đó, vừa qua HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư khoảng 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách TP đối ứng là 4.200 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với tuyến rạch Xuyên Tâm xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cũng đã có báo cáo tổng quan về dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.352 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 4.859 tỉ đồng, chi phí xây dựng khoảng 3.866 tỉ đồng.

Trao đổi với PLO, GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện MT&TN (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm là những tuyến kênh, rạch rất quan trọng của TP.HCM và việc cải tạo các tuyến kênh này là rất cấp thiết.

“Tốc độ đô thị hóa, dân số ngày càng cao, lượng nước thải xả ra hằng ngày gia tăng đáng kể. Do vậy, việc cải tạo kênh, rạch chúng ta cần phải khẩn trương và nhanh chóng thực hiện. Sau khi cải tạo, chúng ta nên có kế hoạch giữ gìn chúng sao cho không tái ô nhiễm” - GS.TS Lê Thanh Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cũng cho rằng: Việc thực hiện cải tạo các tuyến kênh, rạch ở TP.HCM là một vấn đề rất cần thiết. Bởi hiện nay tình trạng ô nhiễm của các kênh, rạch, đặc biệt là kênh, rạch xuyên khu dân cư đã rất trầm trọng. Vì vậy, việc TP tập trung thực hiện các dự án cải tạo kênh, rạch này sẽ làm cho môi trường TP tốt hơn, đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều.

Ông Sơn cho rằng sau khi cải tạo kênh, rạch, ngành chức năng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể để làm sao các tuyến kênh không tái ô nhiễm. Điều này ngoài cơ quan chức năng vào cuộc thì ý thức người dân cũng cần được nâng cao, phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Các kênh, rạch ở TP.HCM có sự thông thương từ phía sông Sài Gòn vào nên việc vớt rác trên các dòng kênh đã được cải tạo là một vấn đề cần phải làm.

“Đơn cử như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ước tính mỗi ngày Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt khoảng 10 tấn/ngày, trong đó có cả lục bình và rác thải sinh hoạt. Nếu chúng ta không duy trì vớt rác thì chất lượng con kênh này sẽ không được như sự mong muốn của TP cũng như kỳ vọng của người dân. TP duy trì việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã cho thấy môi trường ở khu vực này được cải thiện rất tốt” - ông Sơn nhận định.

Cần chương trình hành động cụ thể

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho biết việc xanh hóa đô thị kênh rạch là ước mơ thật sự của nhiều thành phố trên thế giới chứ không riêng gì TP HCM. Kênh rạch ô nhiễm không chỉ gây mất văn minh đô thị mà còn làm giảm chất lượng môi trường sống - nước và khí trời của người dân đô thị.

Do nguồn vốn hạn hẹp của thành phố, nhiều năm nay, việc xanh hóa các tuyến kênh thực hiện khá chậm, chưa kể cách nhìn nhận của các lãnh đạo qua các thời kỳ khác nhau, chưa có chương trình hành động cụ thể để đánh giá hiệu quả trong quá trình thực hiện. Để nâng cao chất lượng sống, mỹ quan đô thị, TP cần có chương trình hành động cụ thể để xanh hóa các tuyến kênh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, không xả rác ra kênh rạch.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nỗ lực 'hồi sinh' những dòng kênh chết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới