Thứ sáu, 26/04/2024 12:00 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/12/2022 16:02 (GMT+7)

TP.HCM: Nhiều cơ sở ở huyện Bình Chánh bị xử lý vẫn hoạt động

Theo dõi KTMT trên

Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A, ngành chức năng đã liên tục kiểm tra và xử lý việc hoạt động của các cơ sở tái chế phế liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn cố tình hoạt động và xả thải.

Nhiều cơ sở vi phạm môi trường

Liên quan đến phản ánh của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng nhiều cơ sở tái chế phế liệu “nhiều không” đang có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy, ngày 14/12, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thông tin, sau khi tiếp nhận phản ánh của báo chí, UBND xã đã cử cán bộ chuyên môn xuống khu vực bị phản ánh để kiểm tra.

Kết quả cho thấy, tại cuối đường Liên ấp 2 – 6 nối dài hiện còn tồn tại 3 cơ sở sản xuất tái chế phế liệu bao gồm: Cơ sở hoạt động ngành nghề tái chế nhôm tại tổ 13, ấp 2 do ông Nguyễn Văn Thành làm chủ; Cơ sở hoạt động ngành nghề tái chế nhựa phế liệu tại địa chỉ B3/42F ấp 2 của bà Huỳnh Thị Thủy;  Công ty TNHH Phú Phong tại tổ 14, ấp 2.

TP.HCM: Nhiều cơ sở ở huyện Bình Chánh bị xử lý vẫn hoạt động - Ảnh 1
Một số cơ sở tái chế trên địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM hoạt động không phép.

Cả 3 cơ sở sản xuất này đều đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt về linh vực đất đai, môi trường. Cụ thể, cơ sở hoạt động ngành nghề tái chế nhôm do ông Nguyễn Văn Thành làm chủ đã bị UBND xã Vĩnh Lộc A lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai số 2776/BB-VPHC ngày 2/7/2020 nhưng đến nay đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Ngày 10/7/2020, UBND huyện Bình Chánh tiếp tục ban hành Quyết định số 422/QĐ-XPVPHC với hành vi chiếm đất (diện tích 3.978m2) đối với ông Thành, số tiền phạt 10 triệu đồng và ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Riêng phần công trình được xây dựng năm 2010 với kết cấu mái tole, cột cây, vách tole diện tích công trình 120m2 cũng đã bị UBND xã Vĩnh Lộc A thực hiện cưỡng chế tháo dỡ. Đến tháng 9/2022, ông Nguyễn Văn Thành dựng lại công trình với kết cấu cột cây, mái bạt với diện tích 100m2 để che chắn hàng hóa. Hiện UBND xã đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế trước ngày 31/12/2022.

Tiếp đó, đối với cơ sở hoạt động ngành nghề tái chế nhựa phế liệu của bà Huỳnh Thị Thủy, tháng 3/2022 UBND xã Vĩnh Lộc A đã phối hợp Tổ kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra, xử lý hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép với số tiền phạt 4,2 triệu đồng và áp biện pháp khắc phục hậu quả là khắc phục tình trạng ô nhiêm môi trường gây ra, thu gom và xử lý toàn bộ chất thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

TP.HCM: Nhiều cơ sở ở huyện Bình Chánh bị xử lý vẫn hoạt động - Ảnh 2
Ngoài việc tồn tại những cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A còn tồn tại nhiều bãi rác thải tự phát gây mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường sống người dân.

Ngoài ra, bà Thủy còn bị xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không thông báo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (hoạt động kinh doanh sai ngành nghề đăng ký).

Đặc biệt, đối với Công ty TNHH Phú Phong, vào tháng 09/2020 ngành chức năng huyện Bình Chánh cũng đã tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt đơn vị này với số tiền 375 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 9 tháng vi những hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra.

Quản lý gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của ngành chức năng xã Vĩnh Lộc A, năm 2022 xã đã cho ngừng hoạt động trên 10 cơ sở, xử phạt 28 cơ sở sản xuất có những hành vi vi phạm về xây đựng và bảo vệ môi trường. Hiện nay, xã vẫn đang trong quá trình thống kê rà soát những cơ sở gây ô nhiễm khác.

Nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, trong công tác quản lý nhà nước về các vấn đề môi trường còn tồn tại một số vướng mắc. Địa bàn xã có nhiều dân nhập cư nên tình trạng lén đổ bỏ rác thải vẫn còn diễn ra. Giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức rất khó thực hiện vì tuyên truyền xong họ lại chuyển đi, người khác về lại nên đây là yếu tố không bền vững trong công tác tuyên truyền giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, vấn đề xử phạt môi trường đối với những cơ sở kinh doanh, sản xuất thì cũng tồn tại những bất cập. Điển hình, trong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngoài việc bị phạt tiền thì còn biện pháp bắt buộc khắc phục hậu quả là đình chỉ hoạt động.

TP.HCM: Nhiều cơ sở ở huyện Bình Chánh bị xử lý vẫn hoạt động - Ảnh 3
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết: Sẽ cưỡng chế các cơ sở sai phép để nâng cao công tác quản lý môi trường, xây dựng trên địa bàn. 

Khi đình chỉ hoạt động rồi, cơ sở đó chỉ lên Sở KH&ĐT đăng ký kinh doanh mới, với một pháp nhân mới rất đơn giản đổi tên, tiếp tục làm, chính quyền kiểm tra, xử lý xong họ lại tiếp tục đăng ký kinh doanh mới rồi hoạt động và cứ lặp đi lặp lại như vậy thì đây cũng là một khó khăn.

Ngoài ra, thẩm quyền của xã trong việc xử phạt về vấn đề môi trường còn hạn chế, vi muốn xử phạt thì cần phải mời đơn vị có chức năng chuyên môn có chức năng độc lập thứ ba đến tiến hành đo đạc, quá trình này mất rất nhiều thời gian.

Lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A cho biết, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, UBND xã cũng chủ động đề xuất gắn kết với tổ liên ngành, định kỳ kiểm tra và lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm.

“Trường hợp không có giấy phép xây dựng thì lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế, những trường hợp báo chí phản ánh mà chính quyền đã xử lý rồi, nhưng vẫn cố tình hoạt động thì cũng đã chỉ đạo nên kế hoạch cưỡng chế, từ giờ đến cuối năm sẽ xong.

Để hạn chế những cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường, thời gian tới chính quyền sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dưng, PCCC, đồng thời làm việc với chủ cho thuê nhà xưởng chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp vi phạm”, ông Phùng Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A nhấn mạnh.

Riêng đối với những bãi rác hoang, UBND xã đã phát hiện, kiểm tra, xử lý rồi nhưng đây là khu vực xa khu dân cư, vắng người nên một số người dân thiếu ý thức lén bỏ rác, lâu dần trở thành các điểm rác hoang. UBND xã chỉ đạo các đội dân phòng thường xuyên tuần tra, xử lý cùng với đó là nâng cao tinh thần giám sát của người dân bằng cách khen thưởng đột xuất đối với người phát hiện và thông báo tới chính quyền về trường hợp vi phạm, tăng cường công tác tuyên truyền, cắm bảng cấm để cảnh báo tránh những điểm rác hoang phát sinh.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nhiều cơ sở ở huyện Bình Chánh bị xử lý vẫn hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới