Thứ hai, 14/10/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/10/2021 14:00 (GMT+7)

TP.HCM lên phương án ứng phó triều cường, thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Các đơn vị trên địa bàn TP.HCM chủ động triển khai ứng phó với triều cường, thiên tai khi mùa mưa đang tới.

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai công tác chủ động ứng phó thiên tai, bão lớn, mưa, dông, lũ, triều cường ngập úng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai. Đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch.

TP.HCM lên phương án ứng phó triều cường, thiên tai - Ảnh 1
Triều cường ở TP.HCM trong những năm gần đây đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình. 

Cùng với đó, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương, đơn vị. 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang trú đóng trên địa bàn để triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, phù hợp với diễn biến của mưa lũ.

UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị chủ đầu tư, quản lý đê điều chủ động thường xuyên kiểm tra, rà soát công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai để kịp thời phát hiện và xử lý, khắc phục sự cố tại các vị trí xung yếu. 

Tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng vật tư và nguồn nhân lực tại chỗ để kịp thời xử lý các sự cố bể bờ, tràn bờ gây ngập úng trong mùa mưa bão năm 2021. 

Bố trí kinh phí, huy động nguồn lực của địa phương, đơn vị để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời sự cố đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều. Kiên quyết xử lý các bến bãi tập kết vật liệu, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép ảnh hưởng đến an toàn đê điều, nhất là các tuyến đê bao thuộc dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn khu vực huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12.

Sở Y tế xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai...

Theo Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, trong ngày 9/10, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên. Đỉnh triều có thể xuất hiện tại các trạm Phú An, Nhà Bè ở mức 1,57 - 1,62 m.

Khoảng 18h tối 8/10, nhiều khu vực trũng trên địa bàn TP.HCM như đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Trần Xuân Soạn (quận 7), Trương Đình Hợi (quận 4)… xảy ra tình trạng ngập.

Đường ngập vào giờ tan tầm gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Một số xe bị chết máy phải dẫn bộ qua điểm ngập. Nguyên nhân là do triều cường dâng cao, xấp xỉ mức báo động 3.

Nguyễn Thu

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM lên phương án ứng phó triều cường, thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản
Bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong đó tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ hệ sinh thái biển, tạo thêm sinh kế nâng cao mức sống của ngư dân, hỗ trợ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Hà Nội lại vào mùa ô nhiễm không khí
Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số địa phương những ngày qua ở mức xấu, có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Tin mới