Thứ bảy, 20/04/2024 12:20 (GMT+7)
Thứ hai, 21/03/2022 16:00 (GMT+7)

TP.HCM: Kinh tế phục hồi thần tốc, trở thành nơi đáng sống

Theo dõi KTMT trên

Dù trải qua dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021 TP.HCM tổng thu ngân sách đạt trên 381.000 tỉ đồng; Thu hút FDI đạt 7,23 tỉ đô la (bằng 138,6% so cùng kỳ năm 2020), kiều hối tăng, xuất khẩu tăng.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng TP.HCM thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước”.

Theo ông Vương Đình Huệ, năm 2021, TP.HCM đã chịu tác động rất nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Tuy vậy, thành phố  đã khắc phục mọi khó khăn, thách thức, thể hiện sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính tri, có nhiều mô hình hay, từng bước kiểm soát được dịch bệnh để trở lại điều kiện bình thường mới, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiêu biểu như, tổng thu ngân sách nhà nước vượt 4,5% dự toán, đạt trên 381.000 tỉ đồng; Thu hút FDI đạt 7,23 tỉ đô la (bằng 138,6 % so cùng kỳ năm 2020), kiều hối tăng, xuất khẩu tăng; có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ.

TP.HCM: Kinh tế phục hồi thần tốc, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại TP.HCM ngày 20/3.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 3/2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 2 tháng đầu năm nay đạt 177.803 tỉ  đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố đạt được nhiều khởi sắc.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 2 tháng đầu năm 2022 đạt 7,38 tỉ  USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021; Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 9,95 tỉ  USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.169.000 tỉ đồng, tăng 0,5 % so với tháng trước đó và tăng 0,81 % so với cuối năm ngoái. Trong lĩnh vực công nghiệp, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 2,1 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhấn mạnh vai trò TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước với khoảng 13 % dân số, thường xuyên đóng góp khoảng 22 – 25 % GDP, chiếm khoảng 25 – 27 % tổng thu ngân sách nhà nước, có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường phát triển năng động, quy mô thị trường rộng lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong năm 2021 của TP.HCM; đồng thời, lưu ý những thách thức đối với TP.HCM trong thời gian tới.

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, duy trì động lực hiện có và tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng của thành phố là cần thiết. Điều này không chỉ cần thiết cho TP.HCM mà còn cho cả nước.

Một trong những nội dung quan trọng là tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các chính sách phục hồi kinh tế, nhất là các chính sách về tài khóa, tiền tệ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, TP.HCM cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, hoàn thành các dự án đã kéo dài nhiều năm, các công trình, dự án trọng điểm của thành phố như: Tuyến metro số 1 và số 2; Đường vành đai 3, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…

TP.HCM: Kinh tế phục hồi thần tốc, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 2
Doanh nghiệp đang mong muốn TP.HCM sớm mở cửa lại nền kinh tế. (Ảnh minh họa).

Phát biểu tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các đại biểu đóng góp ý kiến cho thành phố; đồng thời cho biết, TP.HCM nghiêm túc tiếp thu ý kiến cụ thể, sâu sắc, chân thành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự buổi làm việc để chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Chia sẻ những khó khăn thách thức to lớn của TP.HCM trong năm 2021 do đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Nên cảm ơn Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Trung ương suốt thời gian qua đã hỗ trợ bằng tình cảm, trách nhiệm, giúp đỡ, chia sẻ với TP.HCM để vượt qua những khó khăn nhất.

Từ những khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay, TP.HCM sẽ phải tiếp tục các giải pháp thực hiện trong năm nay cũng như những năm còn lại. Đề cập một số khó khăn hiện nay cần tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Đảng bộ, nhân dân TP.HCM gửi gắm niềm tin, trách nhiệm và kỳ vọng của lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các quan trung ương giúp hỗ trợ TP.HCM với tinh thần “cả nước vì TP.HCM”.

TP.HCM sẽ bứt phá từ quý 3/2022

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: “Trong quý 1 và 2 này, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM chắc chắn chưa thể bứt phá được vì cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng cao. Tôi tin rằng từ quý 3 năm nay trở đi tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sẽ thể hiện sự bứt phá. Sáu tháng đầu năm nay là giai đoạn TP.HCM phục hồi, giai đoạn mà chúng ta lấy lại sức khỏe, lấy lại đà sau những cái mất đi của dịch bệnh. Sáu tháng cuối năm chúng ta mới có thể tăng tốc được.

Tuy nhiên, để tăng trưởng một cách bền vững thì TP.HCM phải giải quyết được một số vấn đề. Thứ nhất, phải tiếp cận được gói tài khóa, tiền tệ vừa ban hành, trong đó phải đảm bảo được đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động, chính sách xã hội cho các gia đình khó khăn, giúp các doanh nghiệp giảm thuế phí, tiếp cận vốn vay với lãi suất được hỗ trợ thêm 2%...

Thứ hai, phải đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công. Năm ngoái, vốn này chưa đến 30.000 tỉ đồng, năm nay là 43.000 tỉ, do đó phải tập trung tháo gỡ những ách tắc để giải ngân nhanh được nguồn vốn này, bởi số liệu thống kê cho thấy cứ tăng thêm 10% đầu tư công thì GDP của TP.HCM sẽ tăng thêm khoảng 0,8 %. Vì vậy, cần tốc lực tháo gỡ những tắc nghẽn để triển khai nhanh các dự án và đồng thời rà soát những dự án đang đắp chiếu để mình khôi phục, đẩy nhanh tiến độ hoặc thu hồi những dự án mà chủ đầu tư không triển khai.

Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính minh bạch, xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với DN. Với những điều đó tôi tự tin rằng TP.HCM sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, thậm chí vượt qua được con số 6,5 %”.

Ngọc Khánh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Kinh tế phục hồi thần tốc, trở thành nơi đáng sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới