Thứ sáu, 22/11/2024 11:50 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/03/2022 18:00 (GMT+7)

TP.HCM: 100% mẫu nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn

Theo dõi KTMT trên

Tất cả 160 mẫu nước giếng khoan mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM lấy để kiểm nghiệm trong năm 2021 đều không đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế đưa ra.

Lo ngại ô nhiễm nước ngầm ảnh hưởng sức khoẻ người dân

Trong buổi toạ đàm với chủ đề “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn” vừa diễn ra tại TP.HCM, BS. Cao Ngô Lẫm - Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, năm 2015, HCDC đã lấy mẫu 1.400 mẫu giếng khoan, khi xét nghiệm và nhận thấy, tỉ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%, chỉ tiêu vi sinh không đạt từ 2 - 5%.

Năm 2021, HCDC đã lấy 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%. Quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn có tỉ lệ mẫu nước không đạt cao. Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới, với 99 chỉ tiêu.

“Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này thì 100% mẫu sẽ không đạt” - BS. Cao Ngô Lẫm cho hay.

TP.HCM: 100% mẫu nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn - Ảnh 1
Người  dân  sống  trên  địa  bàn  TP.HCM  sử  dụng  nước  ngầm  sinh  hoạt .

Trong khi đó, ở TP.HCM hiện nay, ngay cả những nơi đã có đường ống cấp nước, người dân vẫn dùng nước ngầm để sinh hoạt, thậm chí để ăn, uống. Nhiều gia đình không lấy mẫu xét nghiệm nên không biết chất lượng nước giếng khoan ra sao. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. 

Thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAWACO) cho biết , từ năm 2017, 100% người dân ở TP. HCM đã được tiếp cận nguồn nước sạch. SAWACO đảm nhận cung cấp nước hầu hết địa bàn thành phố (trừ địa bàn huyện Củ Chi). Tuy nhiên, khó khăn trong việc cấp nước hiện nay là đơn vị ưu tiên gắn đồng hồ nước cho người dân, nhưng nhiều hộ gắn đồng hồ nước mà không sử dụng.

Hiện toàn thành phố có hơn 1,5 triệu đồng hồ nước nhưng có hơn 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12. Ngoài ra, cả thành phố có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 – 4m3 nước. Điều này có một phần liên quan đến việc khai thác nước ngầm còn diễn ra.

Ông Lẫm cho biết, hiện chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá nước giếng khoan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng dựa vào các chỉ tiêu về độ pH, sắt, amoni, vi sinh, kim loại nặng… có thể xác định được rằng, việc sử dụng nước giếng khoan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, người dân ở các khu vực đã được cung cấp nước máy thì nên ưu tiên sử dụng nước máy.

BS Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM nhận định, nước ngầm ở độ sâu dưới 30m thường an toàn về mặt vi sinh vật nhưng cũng có rủi ro là vi sinh vật có hại được chuyển từ mặt đất xuống nước ngầm trong quá trình khoan. Thêm nữa, trong mạch nước ngầm ở những vùng địa chất khác nhau, độ hòa tan muối khoáng, kim loại và các chất độc hại cũng khác nhau.

Do đó, nếu người dân khoan giếng ở những nơi có nhiều chất độc hại hòa tan trong nước thì việc sử dụng lâu ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất thường thấy nhất là phèn sắt, phèn nhôm.

Lắp đồng hồ nước sạch đối phó

TS Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết: Theo ghi nhận, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt các quận ngoại thành như Gò Vấp, Tân Bình, mực nước ngầm đã xuống thấp nhất là 40 m so với mặt đất.

Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong khối đất vốn có tác dụng giúp giữ ổn định.

TP.HCM: 100% mẫu nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn - Ảnh 2
Nước  ngầm  tại  TP.HCM  đang  bị  khai  thác  quá  mức  dẫn  tới  sụt  lún - một  trong  những  nguyên  nhân  khiến  nhiều  tuyến  đường  bị  ngập.

Hiện nay, có hai nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm. Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp sử dụng nước ngầm phải xin phép, có cam kết kế hoạch giảm khai thác rõ ràng, phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Nhóm đối tượng thứ 2 là người dân sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu.

Theo ông Trần Công Lễ - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân, trên địa bàn do Phú Hòa Tân phụ trách việc cấp nước, có tình trạng người dân lắp đồng hồ nước chỉ để đối phó còn thực tế, họ chỉ dùng nước giếng khoan. Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng đang dùng song song hai nguồn nước, gồm nước sạch của công ty cấp nước và nước từ giếng khoan.

Đơn cử, Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen lắp đồng hồ nước cỡ lớn nhưng trong năm 2021, tháng cao nhất cũng chỉ dùng 218 m3 nước, tháng thấp nhất là 102 m3 nước. Năm 2020, tháng cao nhất, công ty này dùng 447 m3 nước, tháng thấp nhất chỉ 60 m3 nước. Năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19, tháng cao nhất, công ty này cũng chỉ dùng đến 1.51 9 m3 nước. 

Trong năm 2021, tháng cao nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ (nhà hàng Thủy Tạ) chỉ dùng 385 m3 nước, tháng thấp nhất chỉ dùng 96 m3 nước. Năm 2019, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, công ty này cũng chỉ dùng cao nhất là 1.302 m2 nước (tháng Chín), còn lại chỉ dùng từ 300 – 400 m3, có tháng chỉ dùng 230 m3. Mức tiêu thụ nước như trên còn thấp hơn so với một hộ có kinh doanh dịch vụ thông thường.

Tại toạ đàm, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã Hội, HĐND TP.HCM, thông tin, theo số liệu Sở TN&MT  cung cấp, hiện đã giảm được 81% giếng khai thác nước ngầm không biết đã chính xác chưa, nếu đúng là điều đáng mừng cho TP.HCM, như vậy tỉ lệ cần trám giếng không còn bao nhiêu cả. Nhưng nếu kinh phí trám tính lên cả trăm tỉ chứng tỏ số giếng trong hộ dân còn lớn.

Theo Nghị quyết của HĐND, phấn đấu 100% người dân tiếp cận nước sạch và từng bước nâng cao chất lượng nước sạch, làm sao để 1 số khu vực nước yếu, nước tổng cố gắng đưa nước sạch đến người dân tốt nhất. Thực tế hiện nay cho thấy nghị quyết đã đi vào cuộc sống.

Ông Bình cho rằng, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, vì nhiều người dân còn suy nghĩ tiết kiệm phần nào hay phần đó, nếu chúng ta tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, chất lượng nước ngầm, tôi tin người dân sẽ chọn phương án sử dụng nước sạch. Nhiều trường hợp dân sử dụng nước ngầm để chăn nuôi, tưới tiêu, nếu chúng ta tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp tận dụng nước mưa, vừa giảm ngập nước, vừa sử dụng nước mưa hiệu quả, đồng bộ các giải pháp sẽ giải quyết được vấn đề này.

"Hôm nay chúng ta bàn vấn đề bảo vệ nước ngầm cũng đã muộn nhưng đừng để quá muộn. Cần đưa ra lộ trình giảm số lượng giếng khai thác cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng ngành. Giải pháp phải có lộ trình, trước mắt, trung hạn, dài hạn. Rất mong muốn các ngành cơ quan chức năng thành phố vào cuộc một cách quyết liệt, người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm của chúng ta, vì tương lai con cháu chúng ta. Ngành y tế đã đưa ra những khu vực ô nhiễm nước giếng, chúng ta có thể cấm khai thác nước ngầm tại các khu vực này, vì nếu xảy ra dịch bệnh ai chịu trách nhiệm. Chúng ta đặt mình vào trong cuộc, vào thế hệ con cháu mai sau để đồng lòng chia sẻ, quyết tâm vào cuộc"-ông Bình nói.

Phạm Thành

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: 100% mẫu nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới