Thứ sáu, 29/03/2024 15:41 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 13:54 (GMT+7)

TP.HCM đưa 5 tuyến xe buýt điện vào khai thác thử nghiệm

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM sẽ thí điểm thử nghiệm 5 tuyến xe buýt điện trong 24 tháng, sau thời gian này Sở GTVT sẽ đánh giá lại tiềm năng và thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương thí điểm tổ chức 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn kể từ quý 1/2022. Thời gian thí điểm 24 tháng từ khi các tuyến xe buýt điện bắt đầu hoạt động.

Về phương thức thực hiện, trong thời gian thí điểm, Sở GTVT TP.HCM vận dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với các loại xe buýt CNG có sức chứa tương đương đang hoạt động trên địa bàn để đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.

Trường hợp UBND TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong thời gian thí điểm thì áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá của loại hình xe buýt điện được ban hành cho thời gian thí điểm còn lại. Tỉ lệ trợ giá/chi phí chiếm tỉ lệ 44,1% và sẽ được xem xét điều chỉnh theo quy định sau khi bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được TP.HCM ban hành. Về kinh phí trợ giá là nguồn vốn sự nghiệp (trợ giá xe buýt).

TP.HCM đưa 5 tuyến xe buýt điện vào khai thác thử nghiệm - Ảnh 1
Xe buýt chạy trên địa bàn TP.HCM.

UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai việc thí điểm. Trong đó, cân nhắc việc áp dụng công nghệ, phương án bán vé xe buýt theo hướng hiện đại để tạo thuận tiện cho người dân và dễ dàng kiểm soát doanh thu, mức độ hiệu quả của các tuyến buýt, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ.

Sau giai đoạn thí điểm, Sở GTVT tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện để triển khai và áp dụng chính thức trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành lập tổ công tác theo dõi, đánh giá, đề xuất điều chỉnh tỷ lệ trợ giá/chi phí và các nội dung liên quan hoạt động thí điểm, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách.

Hồi đầu tháng 12/2021, TP. Hà Nội cũng đã khai chương 2 tuyến xe buýt điện, kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên có số hiệu E03 chạy qua các tuyến đường trung tâm, kết nối phía Đông và phía Tây thành phố với 15 điểm dừng bao gồm: Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - KĐT Ocean Park.

Còn tuyến E05 với lộ trình Long Biên - Yên Phụ - Thanh Niên - Thụy Khuê - Đào Tấn - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Hùng - Đại Lộ Thăng Long - KĐT Smart City; tuyến E01 với lộ trình: Bến xe Mỹ Đình - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai - Cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - KĐT Ocean Park.

Tần suất hoạt động của các tuyến từ 15 - 20 phút/chuyến, hoạt động xuyên suốt từ 5 - 21h hàng ngày. Các tuyến xe buýt điện của TP. Hà Nội đều nằm trong hệ thống giao thông công cộng chung của thành phố, kết nối các khu vực đông dân cư và các điểm thu hút như trường học, bến xe, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và các điểm chung chuyển xe buýt lớn cũng như tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, các tuyến xe buýt điện với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống vé điện tử văn minh hiện đại đánh dấu một bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt thủ đô. Đây cũng là một điểm sáng của giao thông đô thị thủ đô năm 2021, tạo ra một bước ngoặt mới trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh.

Nguyễn Thu

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM đưa 5 tuyến xe buýt điện vào khai thác thử nghiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.