TP.HCM: Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng
Để ngành du lịch phát triển bền vững, TP. HCM đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” này. Trong đó, phát triển du lịch liên kết với các địa phương lân cận đang được TP. HCM đẩy mạnh phát triển.
TP. HCM là trung tâm du lịch lớn của cả nước về doanh thu, số lượng khách và số lượng doanh nghiệp lữu hành cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hoạt động du lịch của TP. HCM không chỉ tác động đến sư phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long... đặc biệt du lịch TP. HCM sẽ là động lực kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ liên vùng.
Để đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, từ cuối năm 2021, UBND TP. HCM đã chỉ đạo Sở Du lịch Thành phố chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để phục hồi hoạt động du lịch Thành phố thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, TP. HCM cũng đã tổ chức các đoàn công tác phối hợp với nhiều tỉnh, thành trong cả nước theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết để kết nối, tổ chức lại hoạt động du lịch nội địa.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, Thành phố đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỉ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, thực tế sau 7 tháng vẫn còn “chậm” đà, số lượng khách quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn so với trước đại dịch COVID-19 cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của Thành phố.
Để phục hồi du lịch trong thời gian tới, TP. HCM cũng xác định liên kết vùng là tư duy chiến lược nên đã tích cực đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các vùng liên kết nhằm tạo ra các sản phẩm liên vùng, liên tuyến mới. Hiện những nỗ lực liên tục của ngành du lịch TP. HCM đã mang lại những hiệu quả tích cực về số khách và doanh thu du lịch - dịch vụ, góp phần kích cầu du lịch, thực hiện kế hoạch mở cửa lại hoàn toàn du lịch Việt Nam trong trạng thái “bình thường mới” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai.
Theo lãnh đạo ngành du lịch TP. HCM thông tin, xác định phát triển du lịch trong nước là trọng tâm, sau khi khống chế được dịch bệnh COVID-19, TP. HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên kết du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó việc liên kết với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đặc biệt quan tâm. Ngay trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP. HCM lần thứ 18 năm 2022 (từ ngày 14-17/5), Sở Du lịch TP. HCM chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM tổ chức hội thảo và chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch liên kết TP.HCM đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Hoạt động này nhằm đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa từ TP. HCM đến 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và ngược lại trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch với 3 tuyến du lịch liên kết trọng điểm, đó là Những nẻo đường phù sa; sắc màu vùng biên; non nước hữu tình.
Nhận định về hoạt động liên kết du lịch giữa TP. HCM và các tỉnh thành lân cận, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, hoạt động liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP. HCM, Thành phố và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết, hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Mới đây, ngành du lịch hai địa phương TP. HCM và tỉnh Đồng Nai đã lần đầu tiên có tour du lịch kết hợp tàu lửa, ô tô và buýt sông từ TP. HCM đi Đồng Nai. Chia sẻ thông tin về tour du lịch kết hợp mới được giới thiệu đến du khách này, ông Nguyễn Hữu Ân, Phó phòng Quy hoạch Phát triển tài nguyên du lịch - Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Sở vừa phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai thực hiện chuyến khảo sát và giới thiệu tour du lịch đầu tiên kết hợp tàu lửa, ô tô và buýt sông để gắn kết hai điểm đến TP. HCM và Đồng Nai.
Sau chuyến khảo sát, du khách đều cảm thấy khá thú vị, hấp dẫn vì vậy hai địa phương đã giới thiệu tour này đến các công ty du lịch để các công ty có thể chào bán tour ngay trong dịp hè này.
“Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm đi tàu hỏa 5 sao từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa để tham quan các điểm du lịch của Đồng Nai như: Bảo tàng Đồng Nai, khu du lịch Bửu Long, chùa Ông, “checkin” tại Khu du lịch Sơn Tiên... Khi về, tôi lại được trải nghiệm, tìm hiểu Bảo tàng Áo dài, chùa Bửu Long (thành phố Thủ Đức). Sau đó, được đi buýt sông ngắm toàn cảnh hai bên bờ sông Sài Gòn. Đây là trải nghiệm khá ấn tượng khi kết hợp các phương tiện giao thông như tàu hỏa, ô tô, buýt sông. Tôi sẽ giới thiệu tour du lịch thú vị này cho các bạn bè và người thân cùng đi trải nghiệm”, một du khách chia sẻ.
Theo chia sẻ của đại diện Sở Du lịch TP. HCM chia sẻ, sắp tới, ngành du lịch Thành phố và Đồng Nai sẽ tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa dọc đường thủy, đường bộ để mang đến nhiều sản phẩm mới lạ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhiều hơn.
Tuy nhiên, để xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, một số doanh nghiệp cho rằng, các địa phương cần xem xét và đánh giá lại dịch vụ của các sản phẩm, điểm du lịch của mình. Đặc biệt, kiểm soát mức giá bán, an ninh, trật tự và an toàn cho khách khi đến địa phương tham quan nghỉ dưỡng, tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, dịch vụ lưu trú trong các hoạt động chào đón du khách bằng các chính sách ưu đãi về thuế, phí dịch vụ, các khoản phí liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch, hàng không…
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng của ngành du lịch sau dịch COVID-19. Từ đó, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động và giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phục hồi ngành du lịch. Trong đó, chú trọng các giải pháp liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông quảng bá và quan trọng nhất là xây dựng môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Với sự nỗ lực của các tỉnh, thành trong việc quan tâm liên kết phát triển ngành công nghiệp “không khói”, người dân có cơ hội khám phá các điểm du lịch cả đất nước với chi phí hợp lý và an toàn.
Thanh Vũ