TP.HCM: Đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân
Người dân “vùng xanh” được phép đi chợ 1 lần/tuần; thành lập các Tổ công tác đặc biệt ở phường, xã, thị trấn, đi chợ thay cho người dân vùng nguy cơ cao và rất cao, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, ngày 21/8, cho biết: “Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân”.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM có văn bản về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.
Trong đó, người dân “vùng xanh” được phép đi chợ 1 lần/tuần; thành lập các Tổ công tác đặc biệt ở phường, xã, thị trấn, đi chợ thay cho người dân vùng nguy cơ cao và rất cao, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhằm đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trước ngày 15/9, TP.HCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”.
Các đơn vị thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ”); tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị khi tham gia lưu thông. Thống nhất triển khai từ 0 giờ ngày 23/8 (hoặc có thể sớm hơn).
Cũng trong chiều 21/8, Sở LĐTB&XH TP.HCM có tờ trình khẩn gửi UBND TP.HCM về việc bổ sung số lượng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phức tạp kéo dài.
Các trường hợp được chính sách hỗ trợ (đợt 2) gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỉ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỉ đồng.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, không thu gom hàng hóa, cùng Thành phố chung tay phòng chống Covid-19.
"Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường; đề nghị người dân tin tưởng vào chính sách chăm lo của Thành phố, không thông tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin sai sự thật", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Gia Linh