Thứ sáu, 04/10/2024 07:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/06/2023 09:45 (GMT+7)

TP HCM: Kiện toàn Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành quyết định về việc kiện toàn Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Tổ Công tác được kiện toàn gồm có 14 thành viên. Trong đó, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó; các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành.

Tổ Công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn TP. HCM (gọi tắt là dự án đầu tư) do các sở, ban, ngành của TP.HCM đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian theo quy định pháp luật.

Đồng thời, rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

TP HCM: Kiện toàn Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư - Ảnh 1
Hàng loạt các dự án đầu tư nằm chờ tháo gỡ vướng mắc.

Rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Quyết định được ban hành để thay thế Quyết định 1995 năm 2020 của UBND TP. HCM về việc thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

Trước đó, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, đã có 9 văn bản báo cáo UBND TP. HCM về 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc trên địa bàn.

Trên cơ sở các báo cáo, UBND TP. HCM đã khẩn trương chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành, tiến hành rà soát để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong đó, Sở Xây dựng được UBND TP. HCM giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các đơn vị có liên quan trao đổi, thống nhất với HoREA phân nhóm vướng mắc để trình UBND TP. HCM để có ý kiến chỉ đạo, phân công đơn vị chịu trách nhiệm thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Tính đến tháng 4/2023, UBND TP. HCM đã xem xét và cho phép 5 chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn với 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ.

Gần nhất, vào giữa tháng 5/2023 Sở Xây dựng cũng đã có báo cáo UBND TP. HCM về tiến độ giải quyết đối với 148 dự án nhà ở đang bị vướng mắc pháp lý do HoREA tổng hợp và kiến nghị.

Qua tổng hợp có 148 dự án với 189 kiến nghị giải quyết, tháo gỡ. Đến nay Sở Xây dựng đã nhận được báo cáo tiến độ trả lời của 7/8 đơn vị liên quan là Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý khu Nam, Chi cục Tài chính doanh nghiệp của Sở Tài chính, Cục thuế TP. HCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND TP. Thủ Đức. Riêng Sở Tài nguyên Môi trường chưa có báo cáo trả lời.

Về tiến độ giải quyết và trả lời kiến nghị của liên quan đến 189 kiến nghị từ 148 dự án thuộc trách nhiệm các sở ngành, như Sở Tài nguyên Môi trường có 101 kiến nghị liên quan đến 96 dự án chưa có kiến nghị nào được trả lời, Sở Kế hoạch Đầu tư có 38 kiến nghị liên quan 27 dự án đã có 29 văn bản trả lời, Sở Xây dựng có 20 kiến nghị liên quan 20 dự án đã có 17 văn bản trả lời, Sở Quy hoạch Kiến trúc có 21 kiến nghị liên quan 21 dự án đã có 13 văn bản trả lời, Ban Quản lý Khu Nam có 1 kiến nghị liên quan 1 dự án đã có văn bản trả lời.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP HCM: Kiện toàn Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.