TP. HCM: Hơn 30 tổ chức tôn giáo ký kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
TP. HCM phấn đấu đến hết năm 2026 sẽ có 100% các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, các tổ chức Tôn giáo... được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH); tích cực hưởng ứng, tham gia BVMT và ứng phó BĐKH.
Cuối tháng 12/2022 vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. HCM đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cùng 33 tổ chức tôn giáo để tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp BVMT, ứng phó với BĐKH trong giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2026.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nêu 5 nội dung chính cần thực hiện dựa theo kế hoạch chương trình phối hợp:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Thứ hai, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của các tổ chức tôn giáo tham gia, vận động nhân dân cùng BVMT và ứng phó với BĐKH.
Thứ ba, khuyến khích các tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời mái nhà.
Thứ tư, phối hợp nhân rộng các mô hình hiệu quả, các giải pháp cụ thể về giữ gìn vệ sinh môi trường, chuyển hóa điểm ô nhiễm do rác thải thành các công trình xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu và phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, trồng cây xanh.
Thứ 5, phối hợp thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến nhân dân, góp ý chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH.
Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò và uy tín của các tôn giáo trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM, Bà Phan Kiều Thanh Hương cho biết:
Trước đó, từ năm 2015 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM và Sở TN-MT cũng đã ký kết với các tôn giáo trong việc BVMT và ứng phó với BĐKH.
Nhìn lại hành trình qua hơn 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực.
Hàng loạt giải pháp nhanh chóng được triển khai để phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo đối với nhiệm vụ BVMT và ứng phó BĐKH bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư.
Điều đáng mừng là các mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.
Cụ thể, các cơ sở tôn giáo đã phối hợp với hệ thống MTTQ các cấp xây dựng, duy trì gần 200 mô hình, cách làm hiệu quả để BVMT và ứng phó với BĐKH. Điển hình như các mô hình: “Khu dân cư – Họ đạo không rác”, “Giáo họ xanh, sạch, đẹp” (được thực hiện tại các quận như: Quận 4, 8, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp); Mô hình thanh thiếu niên Phật tử dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khuôn viên bên trong và trước cổng chùa và nhà sạch sẽ, gọn gàng…
Bên cạnh đó, nhiều nội dung của Chương trình phối hợp cũng đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân tham gia BVMT".
Bởi tính lan toả từ các hoạt động này rất lớn nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, bà Trần Kim Yến đề nghị: Trong thời gian tới, Sở TN-MT TP với các tổ chức tôn giáo tiếp tục nghiên cứu đưa nội dung BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm, vào những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo và triển khai hoạt động cụ thể, định hướng hành vi, khuyến khích các hoạt động của tín đồ theo hướng về BVMT, ứng phó với BĐKH.
Đồng thời, tiếp tục vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xây dựng thói quen tạo nên hành động cụ thể, thiết thực trong công tác BVMT, ứng phó BĐKH; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh; vận động tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực BVMT và ứng phó với BĐKH cho chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân.
Mai Anh