Tính khả thi của việc luật hóa kiểm soát khí thải xe máy
Tuy rằng quy định mới về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong Dự thảo Luật Đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là rất cần thiết nhưng thực chất vẫn còn nhiều vướng mắc về tính khả thi của đề xuất này trong thời điểm hiện tại.
Quy định mới - vấn đề cũ
Xe mô tô, xe gắn máy vốn là phương tiện giao thông phổ biến nhất của người Việt nhờ vào giá thành phải chăng và sự tiện lợi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng cũng như tần suất phát thải khí thải độc hại của loại phương tiện này ra môi trường là điều khó tránh khỏi.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 và báo cáo chất lượng không khí những năm gần đây chỉ ra rằng, khí thải từ xe cơ giới được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Hơn thế nữa, theo thống kê của Bộ GTVT, tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô tô. Trong khi đó, luật Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Điều này cũng có thể phần nào lý giải cho việc xe mô tô, xe gắn máy hiện đang là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất, đồng thời là một trong những nguồn chủ yếu gây mất an toàn giao thông.
Dựa trên thực tế này, mới đây, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT đề xuất đã nêu quy định: “Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Đây có thể coi là một nội dung khỏa lấp cho mảnh ghép còn thiếu nhằm hướng đến mục tiêu giảm phát thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), kết thúc năm 2022, doanh số tiêu thụ xe máy đạt tới ngưỡng hơn 3 triệu xe. Đây là lần thứ năm trong vòng 7 năm qua, thị trường xe máy Việt Nam đạt mốc doanh số này.
Có cầu ắt có cung, thực tế này chỉ rõ thị trường xe máy nước ta vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, mức độ ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân do loại phương tiện này gây ra cũng có cơ sở gia tăng.
Giảm ô nhiễm khí thải nhưng vẫn phải đảm bảo sinh kế của người dân
Nhìn thẳng vấn đề ô nhiễm môi trường thì việc kiểm soát khí thải xe máy là vô cùng cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý đã đặt ra từ năm 2010, song đến nay vẫn còn bỏ ngỏ do nhiều cản trở về an sinh xã hội của người dân.
Bởi, nếu quy định này đi vào thực tiễn thì đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất sẽ là hàng triệu xe cũ đang lưu hành trên dưới 15 năm, thậm chí trên 20 năm. Sau khi kiểm định, nếu không đủ tiêu chuẩn khí thải theo quy định, số phận của những chiếc xe này sẽ xử lý ra sao? Cơ quan Nhà nước có tịch thu phương tiện hay không? Nếu chiếc xe đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của người dân, làm thế nào để đảm bảo sinh kế cho họ? Đó là những lo ngại mà đa số người dân đang quan tâm.
Theo đó, nếu muốn tổ chức kiểm tra định kỳ khí thải thì phải có trạm đăng kiểm mô tô, xe gắn máy, phải có máy móc, thiết bị và con người để phục vụ hoạt động đăng kiểm, tương tự như cách làm với ô tô. Cũng tức là, việc đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn cao để kiểm soát khí thải thì công nghệ đi kèm cũng phải cao, dẫn đến chi phí xây dựng, lắp đặt và vận hành đắt đỏ. Điều này sẽ tạo ra những tác động đáng kể đến ngành kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch của nước ta.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết: “Lượng xe máy tại nhiều thành phố lớn hiện gấp 10 lần ô tô, vậy mỗi địa phương phải xây dựng bao nhiêu trạm đăng kiểm để phục vụ hàng triệu xe máy như vậy. Việc áp dụng chính sách một cách đột ngột chắc chắn sẽ có những tác động lớn về kinh tế - xã hội. Do đó, vấn đề này cần phải có một lộ trình rõ ràng và có những đánh giá tác động trong từng lĩnh vực, từng đối tượng cụ thể, đặc biệt là đối tượng người thu nhập thấp”.
Thực tế, việc kiểm soát khí thải xe máy đến nay mới đưa vào Dự thảo Luật Đường bộ là tương đối muộn với một quốc gia tiêu thụ xe máy mạnh mẽ như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tiếp tục trì hoãn thì Việt Nam sẽ không thể thực hiện được cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, đặc biệt là đảm bảo môi trường sống trong lành của người dân.
Nhìn chung, việc luật hóa kiểm soát khí thải xe máy còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên, đây là điều không sớm thì muộn cũng cần phải triển khai để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nâng cao sức khỏe người dân.
Thay vì đẩy nhanh tiến độ ban hành luật thì có thể cân nhắc bổ sung một số chính sách nhỏ như phân loại tình trạng và đặc điểm xe dựa trên tích hợp biển số, ưu tiên cho xe điện, thu phạt với xe máy lâu đời, đẩy mạnh truyền thông về giao thông xanh,... Tất cả những điều chỉnh nhỏ đều góp phần tạo ra một thay đổi lớn hơn về thói quen cũng như quan điểm của người dân về các phương tiện thân thiện với môi trường. Khi đó, quy định về kiểm soát khí thải xe máy mới thực sự đạt hiệu quả vừa giảm ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo sinh kế của người dân.
Hải Ly