Thứ bảy, 27/04/2024 21:26 (GMT+7)
Thứ tư, 23/08/2023 06:00 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải của Bộ Tài chính?

Theo dõi KTMT trên

Trước dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan ngại đề xuất này chưa phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại. 

3 triệu đồng/năm để giải quyết tồn đọng về khí thải

Mới đây, Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.

Theo Bộ Tài chính, đây là khoản thu mới, do vậy, Bộ đề xuất dự kiến trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải quy định tại cột Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (các doanh nghiệp sản xuất gang thép, luyện kim, sản xuất hóa chất vô cơ; phân bón vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật hóa học; lọc, hóa dầu; sản xuất xi măng...).

Cụ thể, mức phí gồm 2 phần: Phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất (bụi tổng, NOx, SOx, CO), với mức thu 3 triệu đồng/năm; Phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải (thu đối với 4 chất bụi tổng, NOx, SOx, CO) là từ 500 - 800 đồng/tấn. 

Chuyên gia nói gì về đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải của Bộ Tài chính? - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí tại các khu doanh nghiệp. (Nguồn: Internet)

Theo đó, việc xác định khối lượng khí thải căn cứ trên số liệu quan trắc góp phần đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp liên quan, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát và phản biện quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp phí của tổ chức xả thải gây ô nhiễm môi trường. 

Bộ Tài chính lý giải trong bối cảnh thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng mà phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường không khí thì việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là cần thiết. 

Qua đó, Nghị định này hướng đến thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, kiện toàn hệ thống pháp luật phí, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải…

Bài toán thu chi mới cho doanh nghiệp 

Cho ý kiến về quy định này, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy định này là rất cần thiết và việc thiết kế các quy định cơ bản là hợp lý. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung cần làm rõ hoặc phải chỉnh sửa.

Theo ông Tùng, đối tượng thu phí hiện đang quá rộng: “Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là rất mới nên cần có lộ trình. Trước mắt chỉ nên áp dụng với các cơ sở có giấy phép môi trường, tức là những đối tượng xả thải chính, còn với những cơ sở chỉ có đăng ký môi trường thì chưa nên áp dụng”. Bởi phụ lục XXIX của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP chỉ quy định với những dự án, cơ sở đăng ký phải thực hiện quan trắc tự động, liên tục, cũng tức là có giấy phép môi trường. Còn Điều 5 của Dự thảo trên lại quy định áp dụng với những cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc nhưng vẫn phải nộp phí cố định. 

Cũng theo vị chuyên gia này, phí cố định chỉ nên áp dụng với các cơ sở xả thải ở lưu lượng thấp thay vì áp dụng chung cho tất cả các cơ sở. Cơ sở nào có phát thải càng lớn thì càng phải đóng phí cao hơn. Đồng thời cần bổ sung chính sách khuyến khích với những doanh nghiệp áp dụng Kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường. Có như vậy thì các doanh nghiệp mới thấu hiểu rõ ràng sự khác biệt giữa đầu tư cho công nghệ hiện đại nhằm giảm phát thải với việc không đầu tư đổi mới công nghệ. 

Bàn về chi phí cố định nói trên, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng không kém phần e ngại. Ông Long cho biết, chúng ta đã triển khai thu nhiều loại thuế và phí bảo vệ môi trường đối với nhiều sản phẩm cũng như đa dạng dịch vụ, song lại chưa có báo cáo nào đánh giá về hiệu quả trong các công tác đã thực thi đó.

Trong khi đó, ở đề xuất này, Bộ Tài chính cũng nêu dự kiến thực hiện chính sách này cũng làm tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước. Ông Long đề xuất, nếu Bộ Tài chính dẫn chứng hoạt động thu phí khí thải tương tự như các doanh nghiệp đã nộp phí nước thải, thì hằng năm số thu phí này nên được công bố rõ ràng là bao nhiêu và chi bao nhiêu, hiệu quả của số tiền đã chi vào thực tế như thế nào. Có như vậy thì mới dễ dàng thuyết phục người dân trong hoàn cảnh nhạy cảm này. 

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì kinh tế toàn cầu lao dốc không phanh. Vì vậy việc thu phí vài triệu mỗi năm có thể không lớn với một số doanh nghiệp nhưng lại đồng thời gây sức ép lên chi phí sản xuất. Đặc biệt là khi họ phải đổi mới, đầu tư thiết bị để giảm phát khí thải. Điều này vô hình trung còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp Việt và sản phẩm của họ khi phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

“Từ trước đến nay, người dân hầu như chưa thấy rõ hiệu quả từ sắc thuế, phí bảo vệ môi trường mà họ phải đóng hằng quý, hằng năm như thế nào. Vì vậy cơ quan soạn thảo cần phải có thông tin rõ ràng hơn, đánh giá cụ thể về tác động của khoản thu liên quan bảo vệ môi trường trước khi trình thêm khoản thu mới”, ông Tuấn nói. 

Việt Nam đang từng bước hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới, vậy nên việc triển khai áp dụng các loại thuế khí thải tương tự như các nước phát triển và đang phát triển là vô cùng cần thiết. Song, vấn đề quan trọng hơn hết chính là thời điểm đưa vào áp dụng và mức thuế áp dụng cần điều chỉnh phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam.

Tiểu Ly

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải của Bộ Tài chính?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới