Thứ năm, 03/10/2024 23:16 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/09/2024 11:45 (GMT+7)

Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào

Theo dõi KTMT trên

Bão Yagi đi qua, để lại những hậu quả tang thương ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng, ngay lúc khó khăn nhất, chúng ta thấy sáng lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đó là tình dân tộc - nghĩa đồng bào.

Những nỗi đau khôn nguôi

Cơn bão lịch sử, những trận mưa lịch sử, nước sông dâng cao lịch sử, đó là những gì Yagi sẽ còn mãi in dấu trong lịch sử phòng, chống thiên tai của người dân miền Bắc. 

Và đau xót hơn, tính đến 12 giờ 30 phút ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi đã khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương. Trong đó Lào Cai là địa phương thiệt hại nặng nề với 82 người chết và 95 người mất tích.

Những người trên 60 tuổi ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đều nói rằng, họ chưa từng chứng kiến cơn bão nào đổ bộ vào đây với sức gió khủng khiếp như vậy. Gió quét đổ cột điện, nhổ cả những đại thụ như người ta nhổ mạ. Những cây cau, cây tre vốn ngàn đời được sinh ra chống chọi với gió bão, oằn mình qua bao phong ba, đến Yagi cũng đã đổ rạp. Rồi mưa, nước ngập đồng, nước tràn đê bao. 

Ở miền núi phía Bắc, một dải dọc sông Lô, sông Hồng chất đầy thương đau. Mưa đổ như thác ầm reo. Lũ quét cuốn trôi làng mạc, trường học, và cả những đồng bào của chúng ta. 

Hình ảnh những cô giáo mầm non ở Bảo Yên, Lào Cai ngậm ngùi bên bức vẽ, chiếc dép còn lại của các con đã lột tả tận cùng sự thảm khốc của bão lũ. Lớp có 18 bạn nhỏ thì 10 bạn đã không còn. Những giọt nước mắt không ngừng rơi, ngoài trời mưa vẫn rả rích.

Trong buổi sáng định mệnh 10/9, sạt lở từ trên núi Con Voi đổ sập xuống thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) khiến cả gia đình anh Hoàng Văn Nhầm bị thổi bay. Dù thấy được thảm họa ngay trước mắt, anh Nhầm đã cố đưa vợ con chạy lên núi, nhưng không kịp, vợ và 3 con của anh đều đã thiệt mạng, mất tích dưới lớp bùn đất dày.

Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 1
Ánh mắt thất thần của anh Hoàng Văn Thới sau nỗi đau mất người thân. Sau cơn lũ quét ở làng Nủ, anh Thới đã mất mẹ, vợ và ba người con - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tương tự anh Nhầm, cháu H.N.L. (6 tuổi) cũng mất hết cả bố mẹ (anh Hoàng Ngọc Lai và chị Ma Thị Chu), anh trai H.N.S. cùng một người anh nhà bác (ở với gia đình anh Lai từ nhỏ). Theo thông tin từ lực lượng chức năng, đến 11 giờ ngày 12/9, lực lượng chức năng đã tìm thêm được 7 thi thể, nâng tổng số nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở đất lên 43 người, hiện vẫn còn 52 người đang mất tích. 

Không chỉ ở Lào Cai, bão lũ đã gây nên tang tóc cho nhiều tỉnh, thành khác với số người chết, mất tích lên tới hàng trăm.

Đó là nỗi đau khôn nguôi với những người ở lại. 

"Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Giữa lúc khó khăn do sự tàn phá của cơn bão, tinh thần “tương thân, tương ái”; “lá lành đùm lá rách” – những giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam – được thể hiện rõ nét và đầy xúc động. Ngay từ chiều ngày thứ Bảy (7/9), trên mạng xã hội đã truyền nhau những sẻ chia của người dân Hà Nội. Đó là cặp vợ chồng giành căn hộ cho những người vô gia cư, những người khó khăn đến trú ngụ khi bão đang tiến vào. 

Đó là những lời động viên của bà con từ miền Nam xa xôi, hay những chia sẻ kinh nghiệm chống bão lũ của nhân dân miền Trung với khúc ruột miền Bắc. Ngay khi bão đi qua, đã có nhiều đoàn cứu trợ từ Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác lên đường ra Bắc. Các cô lái đò tại Chùa Hương đã "tham chiến" tại những vùng lũ cao như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái để hỗ trợ chính quyền và người dân. Những chiếc bánh chưng gói trong đó cả nghĩa tình của người dân xứ Nghệ, Đà Nẵng đã được chuyển ra vùng lũ.

Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 2
Người dân xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) tập trung gói bánh chưng, bánh tét gửi bà con vùng lũ.

Từng đoàn người nối dài, những bàn tay nắm lấy bàn tay, để vòng tay cứ thế lớn mãi bao bọc đồng bào trong cơn hoạn nạn. 

Để chia sẻ với những khó khăn của đồng bào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao sự đoàn kết, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của toàn dân và các lực lượng vũ trang trong việc giảm thiểu thiệt hại. Ông kêu gọi cấp ủy, chính quyền tập trung khắc phục hậu quả với ưu tiên hàng đầu là cứu người và đảm bảo đời sống dân cư. Ông cũng kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước để hỗ trợ các nạn nhân. Đồng thời, ông tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và chia sẻ những khó khăn, mất mát tại Phú Thọ, Tuyên Quang

Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp có mặt tại Bắc Giang, Yên Bái. Ông cũng đã trực tiếp vào tận hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) để thăm hỏi người dân, động viên các lực lượng đang khắc phục hậu quả thiên tai. 

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành cũng đã trực tiếp đến các điểm "nóng" để kịp thời chỉ đạo, động viên và thăm hỏi người dân, lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu lấy ngân sách nhà nước hỗ trợ tạm thời cho Quảng Ninh, Hải Phòng, mỗi địa phương 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đều bày tỏ mong muốn được nhường sự hỗ trợ này cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đang gặp khó khăn do thiên tai và tỉnh sẽ tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức ủng hộ người dân vùng bão lũ. Theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến 17h ngày 12/9, số tiền các tổ chức, cá nhân chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ trung ương là 527,8 tỉ đồng.

Tại Tạp chí Kinh tế Môi trường, Ban Biên tập cũng đã Khởi động Hành trình từ Nam ra Bắc, kết nối chia sẻ nhu yếu phẩm đến với đồng bào lũ lụt. Tại hành trình này, Tạp chí kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, sự đồng lòng của cộng đồng xã hội, các mạnh thường quân, quý bạn đọc của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Mỗi chúng ta hãy phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, "tương thân tương ái" cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Đến thời điểm hiện tại, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng với các phòng ban trong toàn cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã kêu gọi được: 2.000 thùng cá, thịt thực phẩm đóng hộp (tương đương 40 tấn); 2.000 thùng mỳ tôm và các thực phẩm khác; 150 thùng nước ngọt; 500 thùng nước tinh khiết; Và các nhu yếu phẩm khác như sạc dự phòng, đèn pin, phao cứu hộ …

Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 3
Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 4
Những chuyến hàng đong đầy tình cảm của người dân, doanh nghiệp và bạn đọc Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ đến tay đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Ngay khi hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh tới Hà Nội, cán bộ, phóng viên Tạp chí đã nhanh chóng bốc dỡ, tập kết và vận chuyển tới các vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ. Ngay trong ngày 12 và ngày 13/9, nhu yếu phẩm đã tới tay bà con tại Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Cạn và Hải Dương. Trong thời gian tới, tòa soạn sẽ tiếp tục trao nhu yếu phẩm tới các địa phương.

Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 5
Nhu yếu phẩm đã được vận chuyển tới Hà Giang.
Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 6
Nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ đã được vận chuyển tới Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào - Ảnh 7
Đại diện Tạp chí Kinh tế Môi trường (trái) trao nhu yếu phẩm tới tỉnh Yên Bái.

Từng hành động nhỏ, từ việc che chắn nhau trong gió bão, hỗ trợ nhau về lương thực, chỗ ở, đến việc cứu hộ cứu nạn, đã thắp sáng lên tình yêu thương đồng bào, sự gắn kết bền chặt giữa những con người cùng chung một dân tộc. Như những chiếc lá lành che chở những chiếc lá rách, tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đã vượt qua ranh giới của sự vật chất, trở thành biểu tượng của sự đồng lòng, tương trợ trong những lúc gian khó nhất.

Có thể nói, trong những tất bật của cuộc sống, tình đồng chí - nghĩa đồng bào đôi khi không biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng tình cảm đó vẫn trường tồn, trang nghiêm nhất trong trái tim con người. Đó cũng là sức mạnh nội sinh, là động lực giúp hàng triệu người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, đạp bằng mọi chông gai để chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Sơn Hà

Bạn đang đọc bài viết Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhân lên tình người vượt mưa lũ
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống hàng nghìn người ở nhiều địa phương, vì thế, cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào.
"Hết mưa là nắng hửng lên thôi"
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi!” - Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua mạnh mẽ để phát triển bền vững. Là người Việt Nam, với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, chúng ta sẵn có niềm tin tự cường ấy!
Từ chuyện mất sóng di động trong bão Yagi: Nỗi lo và trách nhiệm
Bản thân mỗi nhà mạng phải nâng cao trách nhiệm giải quyết các bất cập, vướng mắc hàng ngày, vì đó là uy tín. Cao hơn thế, nhìn vào bản chất của một thương hiệu lớn, đó là xử lý được cả các sự cố khách quan, chứ không chỉ đổ lỗi vì yếu tố khách quan.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.