Thứ bảy, 20/04/2024 05:49 (GMT+7)
Thứ tư, 09/11/2022 18:10 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 9/11: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp

Theo dõi KTMT trên

Đề xuất hỗ trợ khẩn cấp hơn 235 tỷ đồng khắc phục thiệt hại thiên tai ở Kon Tum; Cấp bách phục hồi vịnh Nha Trang; UNICEF kêu gọi cam kết tài trợ để bảo vệ trẻ em khỏi tác động của biến đổi khí hậu... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày mai (10/11), sau nhiều ngày nắng hanh, miền Bắc sẽ chuyển sang thời tiết nhiều mây, riêng vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ sẽ có mưa nhỏ rải rác, nắng hanh chấm dứt.

Nền nhiệt miền Bắc ngày mai giảm nhẹ. Vùng núi đêm và sáng trời rét với nhiệt độ thấp nhất từ 15-18 độ, cao nhất 26-29 độ. Đồng bằng sáng sớm và đêm mai trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ, nhiệt độ cao nhất 26-29 độ.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 9/11: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp - Ảnh 1
Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp, riêng vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ sẽ có mưa nhỏ rải rác, nắng hanh chấm dứt.

Hà Nội ngày mai trời nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù nhẹ. Gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ. Nhiệt độ cao nhất 26-28 độ. Dự báo sau đó, từ 11-12/11, miền Bắc nắng hanh trở lại. Từ 13/11, miền Bắc liên tiếp đón hai đợt không khí lạnh yếu, lệch đông tràn xuống. Đợt đầu tiên vào ngày 13/11, đợt hai vào 15-16/11.

Do tác động của các đợt không khí lạnh yếu này nên từ 13-14/11, khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có mưa rải rác, trời nhiều mây, nền nhiệt giảm nhẹ. Từ ngày 15-19/11, miền Bắc có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông đề phòng lốc sét và gió giật mạnh.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh có thể gia tăng cường độ và tần suất hoạt động trong nửa cuối tháng 11. Khoảng nửa cuối tháng 12, miền Bắc có thể đón đợt rét đậm đầu tiên. Tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023 sẽ là thời gian xảy ra rét đậm, rét hại nhiều nhất.

Kon Tum: Đề xuất hỗ trợ khẩn cấp hơn 235 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do thiên tai

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của mưa bão, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thiệt hại quy đổi ra tiền trên 319 tỷ đồng. Để khẩn trương khắc phục, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan Trung ương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương số tiền hơn 235 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi xảy ra thiệt hại do thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động lực lượng, nguồn lực tập trung khắc phục. Đến nay, cơ bản đã sửa chữa khắc phục xong nhà ở cho người dân để sớm ổn định cuộc sống; các công trình cầu, tràn, công trình thủy lợi, các tuyến giao thông bị sạt lở, bước đầu đã tổ chức khắc phục tạm và đảm bảo giao thông, thông tuyến, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, để sớm ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn sau bão, lũ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các Bộ Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương số tiền 235,264 tỷ đồng để khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng, phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trong năm 2022, thiên tai tại tỉnh Kon Tum đã khiến 3 người chết; 157 căn nhà bị thiệt hại; gần 570 ha nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng; hàng chục công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng. Nhiều tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 40B, Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 672, 673, 677; đường Đăk Kôi - Đăk Pxi 1; đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; Đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông ...; các tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Rẫy... bị sụt ta luy dương, ta luy âm hàng chục vị trí, gây nguy hiểm, khó khăn cho nhân dân trong quá trình di chuyển.

Cấp bách phục hồi vịnh Nha Trang

Mới đây, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định 3028/QĐ-UBND ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Kế hoạch này xác định 6 mục đích và 16 nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ gìn, phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang.

Theo ông Thái, BQL vịnh Nha Trang đã và đang triển khai các biện pháp mà kế hoạch đề ra, trong đó phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Hải dương học và các nhà khoa học khảo sát phân vùng chức năng KBTB vịnh Nha Trang. Trên cơ sở đó lập bản đồ đánh giá, xác định lại các vùng nào được phép lặn, phát triển du lịch, vùng nào nghiêm cấm, vùng nào là bãi đẻ cho rùa, cá…

Tin tức môi trường nổi bật ngày 9/11: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp - Ảnh 2
Ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, xác định 6 mục đích và 16 nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ gìn, phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang.

BQL vịnh Nha Trang có kế hoạch lắp camera dạng năng lượng mặt trời nhằm tăng cường giám sát ở khu vực Hòn Mun. Phía UBND TP Nha Trang đã đề nghị cấp tổng kinh phí hơn 7,3 tỉ đồng để thực hiện việc này phòng tránh các trường hợp đánh bắt trái phép ở vùng lõi Hòn Mun.

Trong khi đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đang trồng, phục hồi san hô thí điểm ở một số khu vực tại đảo Hòn Mun, cũng như một số điểm trong vịnh Nha Trang. Phương pháp phục hồi là giá thể Ribbon trên cơ sở kế thừa kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học trước đây. Viện Nghiên cứu Khoa học công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang cũng đang trồng phục hồi san hô ở Hòn Mun bằng phương pháp Biorock, kích thích điện tích, tạo điều kiện hình thành các bề mặt phù hợp cho các hợp tử san hô bám vào và phục hồi cá thể mới.

"Thời gian qua, UBND TP.Nha Trang đã dừng việc lặn biển ở Hòn Mun. Qua quan sát của BQL thì san hô ở đây đã có dấu hiệu phục hồi. Nhiều cụm san hô non đã mọc trở lại trong quần thể san hô đã bị chết từ trước. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, chúng tôi cần sự chung tay của cộng đồng, người dân, nhà khoa học để tiếp tục phục hồi bảo vệ hệ sinh thái vịnh Nha Trang như: trồng rừng ngập mặn, chống đánh bắt trái phép, doanh nghiệp du lịch bảo vệ rạn san hô…" - ông Thái nói.

Hà Nội cấp nước sạch cho vùng ảnh hưởng môi trường tại Sóc Sơn

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 11695/VP-ĐT về việc cấp nước sạch tại các khu tái định cư phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Trước đó, UBND TP.Hà Nội nhận được văn bản của Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc cấp nước sạch tại các khu tái định cư phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đồng ý về nguyên tắc với đề xuất, kiến nghị của hai sở nêu trên. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội cho phép UBND huyện Sóc Sơn phối hợp cùng Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội triển khai đầu tư tuyến ống cấp nước từ khu tái định cư 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đến hệ thống cấp nước do Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đang quản lý bằng nguồn vốn dự phòng của dự án, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.

Nguồn vốn thi công các hạng mục đường ống cấp nước phải nằm trong tổng mức đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại 3 xã trên để phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

UBND thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện đầu tư các hạng mục cấp nước tại dự án, hướng dẫn huyện Sóc Sơn và Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội thống nhất về điểm đấu nối và trách nhiệm đầu tư tuyến ống cấp nước từ các khu tái định cư ở 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đến hệ thống cấp nước do Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đang quản lý, bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định quản lý chuyên ngành và quy định pháp luật hiện hành.

Huyện Sóc Sơn rà soát, có văn bản thỏa thuận thống nhất về quy mô, phương án đầu tư, nguồn kinh phí xây dựng và quản lý khai thác theo quy định với Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Sở Xây dựng trước khi điều chỉnh các dự án; thực hiện việc điều chỉnh các dự án bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành và báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

UBND thành phố giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính hướng dẫn huyện Sóc Sơn và các đơn vị có liên quan thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý và vận hành các hạng mục cấp nước sau đầu tư theo đúng quy trình, quy định của pháp luật...

Miền Bắc Italy trải qua tháng 10 nóng nhất kể từ năm 1800

Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Italy ngày 8/11 cho biết, các vùng đất rộng lớn ở miền Bắc nước này vừa trải qua tháng 10 nóng nhất kể từ khi các cơ quan chức năng bắt đầu theo dõi nhiệt độ vào năm 1800.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 9/11: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp - Ảnh 3
Các vùng đất rộng lớn ở miền Bắc Italy vừa trải qua tháng 10 nóng nhất kể từ khi các cơ quan chức năng bắt đầu theo dõi nhiệt độ vào năm 1800.

Theo hội đồng trên, nhiệt độ tại khu vực miền Bắc Italy cao hơn 3,18 độ C so với mức thông thường. Tuy nhiên, đánh giá chung trên phạm vi toàn Italy, mức nhiệt này dù cao song chưa phá được kỷ lục trước đó. Cụ thể, mức nhiệt này cao hơn 2,08 độ C so với thông thường và là mức tăng cao thứ hai, sau mức tăng kỷ lục 2,13 độ C ghi nhận hồi năm 2001. Ngoài nhiệt độ cao, hầu hết khu vực của Italy đều thiếu mưa và chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm bão, lũ và gió mạnh, gia tăng.

Miền Bắc Italy ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 10, sau khi trải qua đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài, bất thường trong những tháng mùa Hè năm nay, khiến hàng trăm người tử vong và sản xuất nông nghiệp giảm. Theo các báo cáo trước đó của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy, năm nay có thể là năm nóng nhất ở nước này.

UNICEF kêu gọi cam kết tài trợ để bảo vệ trẻ em khỏi tác động của biến đổi khí hậu

Lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến ít nhất 27,7 triệu trẻ em tại 27 quốc gia trên thế giới, trong đó, số lượng trẻ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Chad, Gambia, Pakistan và Đông Bắc Bangladesh ở mức cao nhất trong hơn 30 năm qua.

Với hàng triệu trẻ em có nguy cơ hứng chịu nạn đói, bệnh tật, bóc lột và tử vong, UNICEF kêu gọi các đại biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) cam kết tài trợ để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc thúc giục các chính phủ và các doanh nghiệp lớn nhanh chóng giảm lượng khí thải, UNICEF đang kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi sự tàn phá của khí hậu bằng cách điều chỉnh các dịch vụ xã hội quan trọng liên quan đến trẻ.

Đồng thời, các biện pháp thích ứng, như tạo ra hệ thống nước, y tế và giáo dục có khả năng chống lại lũ lụt và hạn hán, sẽ cứu sống nhiều người.

Bà Escudero nhấn mạnh: “Nếu không có hành động khẩn cấp, nhiều trẻ em và thanh niên dễ bị tổn thương hơn sẽ mất mạng trong thời gian tới, thậm chí trong những ngày và tuần tới. Nếu không có hành động chống biến đổi khí hậu, hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng như những người ở Pakistan”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 9/11: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh liên tiếp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới