Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/5
Đầu tư gần 280 tỷ đồng di dời bãi rác lớn nhất khu vực biển Sầm Sơn; WEF Davos 2022 thúc đẩy hành động cho sáng kiến về biến đổi khí hậu; NOAA dự báo năm 2022 có thể có 21 cơn bão được đặt tên... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 25/5.
Mưa lũ tại Bắc Bộ: 8 người chết và bị thương, nhiều tuyến đường sạt lở
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đã có 4 người chết (Tuyên Quang: 2, Hòa Bình: 1, Quảng Ngãi: 1) và 4 người bị thương tại Tuyên Quang do mưa lũ trong những ngày vừa qua tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi.
Mưa lũ cũng làm 317 căn nhà hư hỏng (Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hóa); 19.251ha lúa, hoa màu bị ngập (Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa) và 421,6ha thủy sản; 6.898 con gia súc, gia cầm bị chết.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mưa to gây ngập úng cục bộ, thiệt hại nặng nề về nhà cửa và diện tích nông nghiệp; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở gây ách tắc trong nhiều giờ… Tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên hơn 8 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa to diện rộng đã làm 19 ngôi nhà bị hư hại do sạt lở taluy, 97,42 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập (tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể); 23 điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông.
Đối với tỉnh Yên Bái, mưa lớn làm 48 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại về nhà cửa, trong đó có 15 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn do sạt lở đất, sạt lở bờ sông; 33 ngôi nhà bị sạt lở taluy; trên 80ha lúa và 67,3ha ngô, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp; 154.800 cây giống và 90 con gia cầm thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập và sạt lở. Ước thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Tại TP.Hà Nội, mưa lớn trong 2 ngày qua đã làm đổ ít nhất 11 cây xanh có đường kính trung bình 20-30cm; gây úng ngập 12 điểm giao thông thuộc các quận Long Biên, Nam Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, nhiều đường phố ngập sâu trong nước khiến các phương tiện bị hư hỏng.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lớn, sạt lở đất và ngập cục bộ, từ ngày 20/5, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đầu tư gần 280 tỷ đồng di dời bãi rác lớn nhất khu vực biển Sầm Sơn
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn với tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do bãi rác gây ra, góp phần cải thiện điều kiện sống cho nhân dân khu vực xung quanh và vùng phụ cận, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế - xã hội, xây dựng Sầm Sơn trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, hướng đến văn minh, hiện đại. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2024.
Thực hiện dự án, toàn bộ rác sẽ được đào, xúc, phân loại, đóng kiện... sau đó di dời về khu vực xử lý rác mới tại xã Quảng Minh (thành phố Sầm Sơn). Bãi tập kết rác tạm cũng sẽ được xây dựng tại xã Quảng Minh trên diện tích 2,28 ha, có 173.000 m3 rác sẽ được xử lý bằng phương pháp đốt; lượng mùn thải không đốt được được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Đây là bãi rác lớn nằm gần khu du lịch, việc di dời sẽ góp phần làm sạch cảnh quan môi trường, phù hợp với sự phát triển kinh tế, du lịch biển của địa phương.
Những năm qua, để giảm thiểu tình trạng quá tải rác, chính quyền địa phương xử lý theo cách thức tập kết, chôn lấp, phun hóa chất sau đó ủ bạt. Suốt thời gian dài, người dân sinh sống xung quanh khu vực phải chấp nhận tình trạng ô nhiễm kéo dài, chờ phương án xử lý di dời bãi rác của cơ quan có thẩm quyền.
Xây dựng Thông tư quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám
Sáng 25/5, tại Hà Nội, Cục Viễn thám quốc gia tổ chức cuộc họp xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, Cục Viễn thám quốc gia được Bộ giao chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám. Để hoàn thành việc soạn thảo Thông tư theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và thủ tục theo đúng quy định, Cục Viễn thám quốc gia tổ chức cuộc họp Tổ soạn thảo để lấy ý kiến góp ý của các thành viên Tổ soạn thảo.
Theo dự thảo Thông tư, quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám gồm các bước như: Công tác chuẩn bị, tiền xử lý ảnh viễn thám, biên tập dữ liệu nền, chiết xuất thông tin ngập lụt, biên tập lớp thông tin ngập lụt, thành lập bản đồ giám sát ngập lụt, kiểm tra bản đồ giám sát ngập lụt, xây dựng báo cáo giám sát ngập lụt, kiểm tra và giao nộp sản phẩm.
Đối với công tác chuẩn bị, dự thảo Thông tư quy định quy trình tiến hành theo dõi các thông tin dự báo thời tiết hàng ngày từ cơ quan Dự báo thời tiết về lượng mưa, thời gian mưa và khu vực mưa; dự báo bão gồm cấp độ bão, hướng di chuyển, thời gian và phạm vi khu vực ảnh hưởng; thông tin về mưa, lũ từ các cơ quan thông tin đại chúng; thông tin của các vệ tinh giám sát thiên tai đi qua lãnh thổ Việt Nam; thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám ra-đa trước, trong và sau thiên tai theo thứ tự ưu tiên; thu thập bản đồ và các thông tin có liên quan đến khu vực giám sát.
WEF Davos 2022 thúc đẩy hành động cho sáng kiến về biến đổi khí hậu
Ngày 25/5, các phiên thảo luận của Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ xoay quanh vấn đề huy động hành động công - tư để thực hiện các mục tiêu quan trọng về khí hậu toàn cầu năm 2030 và 2050. Đây là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị WEF Davos 2022.
Trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm trì hoãn hành động chống biến đổi khí hậu, các cuộc thảo luận nhấn mạnh sự cấp bách đối với chính phủ các nước và các doanh nghiệp trên toàn cầu trong việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.
Theo các chuyên gia, việc bảo vệ thiên nhiên và khí hậu cần được quan tâm hàng đầu, nhất là trong bối cảnh chỉ còn vài năm nữa để thay đổi hướng đi, tránh việc các cơ hội bị bỏ qua.
Đầu tư vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án "1.000 tỷ cây xanh" và nhiều dự án khác cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) ước tính rằng thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển sẽ tiêu tốn 127 tỷ USD mỗi năm.
Khoảng 14 trong số 25 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu cũng chính là những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, làm suy yếu khả năng thích ứng của họ.
Các nhà hoạch định chính sách cũng như các tổ chức nhân đạo, khu vực tư nhân cần có những hành động để phát triển các giải pháp thích ứng với khí hậu và hòa nhập cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Có thể coi Davos 2022 là một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, tập hợp các tác nhân phù hợp nhất lại với nhau để thúc đẩy hành động cho tất cả các sáng kiến trong lĩnh vực này.
NOAA dự báo năm 2022, có thể có 21 cơn bão được đặt tên
Theo các nhà dự báo, sẽ có một mùa bão Đại Tây Dương trên mức trung bình vào năm 2022, với 21 cơn bão được đặt tên và 10 cơn bão hình thành.
Mùa bão bắt đầu từ ngày 1/6 và kéo dài đến ngày 30/11. Một mùa trung bình thường sinh ra 7 cơn bão và đạt cực đại vào tháng 8 và tháng 9. Nếu dự báo chính xác, năm 2022 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp chứng kiến một mùa bão Đại Tây Dương trên mức trung bình.
Nhìn chung, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, sẽ có 14 đến 21 cơn bão được đặt tên. Con số này bao gồm các cơn bão nhiệt đới, có tốc độ gió từ khoảng 63 km/h trở lên. Bão trở thành cuồng phong khi sức gió đạt khoảng 120 km/h. Trong số các cơn bão được dự đoán, từ 3 đến 6 cơn bão có thể là bão lớn, có tốc độ gió từ 178 km/h trở lên.
Mùa bão trên mức trung bình theo dự đoán là kết quả của một số yếu tố khí hậu, bao gồm cả La Niña đang diễn ra có khả năng kéo dài trong suốt mùa bão, nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn mức trung bình ở Đại Tây Dương và Biển Caribe, gió mậu dịch Đại Tây Dương nhiệt đới yếu hơn và gió mùa Tây Phi tăng cường.
El Niño, hiện tượng ấm lên tự nhiên của vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới, có xu hướng ngăn chặn hoạt động của bão Đại Tây Dương. Ngược lại, La Niña thường làm tăng số lượng các cơn bão ở Đại Tây Dương.
Dự báo bao gồm các cơn bão đổ bộ Đại Tây Dương, Biển Caribe và Vịnh Mexico. Dự báo của NOAA theo sau những dự báo khác vào mùa xuân này – những dự báo cũng cho thấy một mùa bão mạnh hơn.
Lan Anh