Tin tức môi trường nổi bật ngày 14/6
Vì sao quận Cầu Giấy thường hứng lượng mưa lớn nhất Hà Nội?; Thanh Hóa: Tạm dừng hoạt động khai thác đối với 6 mỏ cát; Khởi động chiến dịch “Thử thách TikTok - Vũ Điệu Đại Dương Xanh”... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay, 14/6.
Vì sao quận Cầu Giấy thường hứng lượng mưa lớn nhất Hà Nội?
Việc mây đối lưu hình thành và di chuyển từ phía tây nam vào nội đô khiến quận Cầu Giấy (Hà Nội) thường xuyên là khu vực hứng lượng mưa lớn. Dù vậy, điểm đen về ngập lụt ít nằm tại quận này.
173 mm và 154 mm là lượng mưa ghi nhận được tại quận Cầu Giấy vào chiều 29/5 và tối 13/6. Đây là vũ lượng lớn nhất tại Thủ đô trong hai trận mưa kỷ lục vừa qua, gấp đôi các khu vực như Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông.
Trong nhiều trận mưa khác, khu vực Cầu Giấy cũng thường xuyên hứng lượng mưa lớn nhất Hà Nội. Riêng trận mưa kỷ lục chiều 29/5, vũ lượng 173 mm trong 2 giờ được cho là 100 năm mới xuất hiện một lần, chưa từng ghi nhận trong lịch sử quan trắc.
Riêng trận mưa tối 13/6, cường độ mưa còn "khủng khiếp" hơn khi chỉ trong vòng 60 phút kể từ khi mưa bắt đầu, lượng mưa trút xuống điểm đo ở Nhà văn hóa Yên Hòa (Cầu Giấy) lên tới 130 mm. Trong khi đó, công suất thiết kế của hệ thống thoát nước tại Hà Nội chỉ là 50 mm trong vòng 2 giờ.
Nhìn lại chuỗi số liệu lịch sử, quận Cầu Giấy thường xuyên là khu vực hứng chịu lượng mưa lớn. Như trong trận mưa lớn hồi tháng 5/2021, khu vực này ghi nhận vũ lượng 103 mm trong vòng 45 phút, trong khi những nơi khác chỉ mưa 40-70 mm.
Lý giải nguyên nhân, cơ quan khí tượng cho biết, trong những trận mưa vừa qua, mây đối lưu thường hình thành và phát triển ở khu vực phía tây nội thành như các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng. Sau đó, vùng mây dông di chuyển vào nội thành.
Như vậy, các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy và Đống Đa là những nơi hứng chịu mưa lớn do có địa bàn tiếp giáp. Mây dông di chuyển đến đâu sẽ trút mưa lớn đến đó và những khu vực nằm ở phía đông nam như Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm thường mưa với lượng nhỏ hơn.
"Hầu hết vũ lượng ở các khu vực trong những trận mưa là khác nhau, có nơi mưa ít, nơi mưa nhiều dù cùng thành phố. Rất ít trận ghi nhận mưa lớn đồng đều như trận mưa kỷ lục chiều 29/5", chuyên gia khí tượng thông tin.
Thanh Hóa: Tạm dừng hoạt động khai thác đối với 6 mỏ cát
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn số 8405/UBND-CN về việc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với 6 mỏ cát do chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất (trong đó có 1 mỏ cát khai thác vượt công suất 14%).
Theo báo cáo và đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện tạm dừng hoạt động khai thác đối với 06 mỏ cát do chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến các mỏ cát bị tạm dừng, khẩn trương đấu nối với UBND cấp huyện và các ngành, đơn vị chức năng để thực hiện và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Sau khi thực hiện xong, báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết theo quy định.
Xử lý vi phạm khai thác vượt công suất đối với mỏ cát số 02 chuyển đổi, xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa (nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thanh Tâm khai thác vượt 14%. Theo Quy định tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định: “phạt cảnh cáo đối với trường hợp khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản vượt dưới 15%”. Yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thanh Tâm nghiêm túc thực hiện việc khai thác tại khu vực mỏ được cấp phép theo đúng công suất ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho đơn vị và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, giao UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chức năng, UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát của các đơn vị trên địa bàn, trong đó lưu ý tập trung vào các nội dung như: thủ tục thuê đất, thời gian và công suất khai thác, đăng ký phương tiện hoạt động...
Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật; phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện kinh doanh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết, xử lý theo quy định.
Khởi động chiến dịch “Thử thách TikTok - Vũ Điệu Đại Dương Xanh”
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã khởi động chiến dịch “Thử thách Tiktok - Vũ Điệu Đại Dương Xanh”.
Chiến dịch bao gồm hai hạng mục: dance challenge điệu nhảy Vũ Điệu Đại Dương Xanh và hashtag challenge #VuDieuDaiDuongXanh từ ngày 8/6/2022 đến ngày 8/7/2022.
Đây là sự kiện nằm trong giai đoạn 2 - Dễ hay Khó? (Bạn đã sẵn sàng để thay đổi) của Chiến dịch “Non, biển chung tay - Dọn ngay rác nhựa” do UNDP và VASI phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nghiêm trọng, là “gánh nặng” cho môi trường. Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của Thế giới. Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cũng như nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển là việc hết sức cấp thiết hiện nay.
Nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 2022 với chủ đề “Hồi sinh: Cùng hành động vì Đại Dương”, UNDP khởi động Thử thách Tiktok - Vũ Điệu Nhặt Rác tạo ra thông điệp rõ ràng hướng tới đối tượng người trẻ (người dùng chính của MXH Tiktok) về việc bạn lựa chọn bảo vệ môi trường bằng các hành động dễ dàng như hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa, hạn chế xả rác thải hay làm điều khó hơn là tạo ra một môi trường với nhiều rác thải nhựa, trở thành người kém văn minh? Điều này hướng tới thúc đẩy người trẻ hưởng ứng và hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần; hành động vì môi trường, vì Trái Đất và vì thế hệ mai sau.
USAID tài trợ 65 triệu USD cho thích ứng biến đổi khí hậu và chống buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa ký kết 2 thỏa thuận hợp tác trị giá 65 triệu USD về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cả hai Thỏa thuận sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022 – 2027.
Dự án nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long có ngân sách dự trù lên tới 50 triệu USD, USAID sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT giảm phát thải khí metan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho những cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng chính sách về chống chịu với khí hậu, phát thải thấp.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa USAID và Bộ NN&PTNT trong nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong nông nghiệp. Bà Sherman nhấn mạnh, việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học.
Song song với dự án này, hai bên cũng ký kết Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Các hoạt động cụ thể bao gồm: thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Dự án được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công từ Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ trong giai đoạn 2016-2021.
“Việc thực hiện hiệu quả dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định.
Các công ty lớn chưa đáp ứng được mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Các công ty lớn nhất thế giới vẫn chưa có những kế hoạch tổng thể nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính cần thiết để đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu và vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa các công ty.
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới về cam kết nỗ lực phát thải ròng bằng 0 trong khu vực công và tư nhân của Net Zero Tracker. Net Zero Tracker - cơ quan do Đơn vị Giám sát Khí hậu và Năng lượng có trụ sở tại Vương quốc Anh (ECIU) và Đại học Oxford điều hành.
Báo cáo hằng năm của Net Zero Tracker cho thấy, khoảng một nửa số công ty lớn nhất thế giới trong bảng xếp hạng Forbes 2000 vẫn chưa công bố kế hoạch đưa mức phát thải ròng về 0. Trong số 702 công ty có mục tiêu phát thải ròng bằng 0, có 2/3 công ty không nêu rõ cách thức để đạt được mục tiêu này.
Net Zero Tracker đã tiến hành đánh giá dữ liệu sẵn có đối với khoảng 200 quốc gia cũng như các công ty giao dịch lớn, bao gồm cả những công ty trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Ông Frederic Hans, chuyên gia phân tích chính sách khí hậu tại Viện NewClimate (Đức) đồng thời là đồng tác giả báo cáo, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến độ tin cậy, chất lượng và độ chắc chắn của các mục tiêu này”.
Nhiều công ty có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã không đặt mục tiêu phát thải tạm thời cho trước năm 2050. Báo cáo này nhận định đây là mức "thấp không thể chấp nhận được" bởi thế giới cần giảm một nửa lượng khí thải trong 8 năm tới.
Bù đắp carbon - hoặc mua tín chỉ để giảm lượng khí thải ở những nơi khác- cũng là điểm đặc trưng nổi bật trong các chiến lược của công ty lớn. Gần 40% trong số các công ty của Forbes 2000 có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã sử dụng phương án bù đắp bất chấp những lo ngại về việc thiếu các quy định.
Ông John Lang thuộc ECIU nói rằng, các chính phủ sẽ cần phải áp đặt các tiêu chuẩn và quy định pháp lý để bảo đảm tiến độ phát thải ròng bằng 0. Hiện tại, các công ty đang bối rối về việc phải đáp ứng những yêu cầu nào và công bố những thông tin nào.
Lan Anh