Thứ bảy, 23/11/2024 07:17 (GMT+7)
Thứ hai, 13/06/2022 18:45 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6

Theo dõi KTMT trên

Doanh nghiệp bị phạt 380 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường; Cả nước còn hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật đê điều chưa được xử lý; Khánh Hòa: San hô bị chết hàng loạt tại Vịnh Nha Trang... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 13/6.

Vụ hố tử thần xuất hiện hàng loạt ở Nghệ An: 300 giếng đầy nước lại sau 2 năm cạn trơ đáy

Ngày 13/6, ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, kể từ khi công ty trên địa bàn xã dừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng Thung Lùn thì không còn xuất hiện thêm hố sụt lún nào nữa. Các nhà dân nứt nẻ cũng không xuất hiện vết tích mới.

Đặc biệt, toàn bộ 299 giếng nước của người dân bị cạn khô từ 2 năm trước đã có nước trở lại. Việc có nước trở lại để người dân sinh hoạt khiến người dân ai cũng vui mừng, sung sướng.

"Từ khi công ty khoáng sản trên địa bàn dừng bơm hút nước ngầm thì giếng nước của người dân trên địa bàn xã đã có nước trở lại. Ai cũng vui mừng. Thời gian gần đây không còn xuất hiện hố sụt lún mới nữa", ông Hóa chia sẻ.

Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6 - Ảnh 1
Gần 300 giếng nước của dân ở xã Châu Hồng cạn kiệt từ 2 năm trước. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Được biết từ cuối năm 2019, nhiều giếng nước của người dân ở xã Châu Hồng bất ngờ bị cạn trơ đáy. Thời gian sau đó, nhà dân tiếp tục xuất hiện những hố sụt lún, nhà cửa nứt nẻ vô cùng nguy hiểm.

Đầu năm 2022, nhiều hố sụt lún rất lớn với độ sâu hun hút xuất hiện càng khiến người dân lo lắng, hoang mang.

UBND huyện Quỳ Hợp sau đó đã phối hợp cơ quan chức năng mời Đoàn địa chất Bắc Trung Bộ về khảo sát, điều tra làm rõ nguyên nhân của việc mất nước ngầm và sụt lún.

Theo thống kê, hiện đã có 249 nhà dân xuất hiện vết nứt nẻ. Ngoài ra, trụ sở xã Châu Hồng, các trường học trên địa bàn xã cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Trong số đó có 10 hộ nhà cửa bị sụt lún nghiêm trọng, phải sơ tán người và tài sản, đã được chính quyền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.

Được biết, hiện Đoàn địa chất vẫn đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân của việc xuất hiện hàng loạt hố sụt lún trên. Để phối hợp làm rõ nguyên nhân, UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn xã Châu Hồng dừng việc khai thác, hút nước ngầm để cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân đến khi có thông báo mới.

Doanh nghiệp bị phạt 380 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường

Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 380 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, Tổng cục Môi trường căn cứ vào Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 3/10/2016 của Chính phủ, xử phạt Công ty Cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh 130 triệu đồng về hành vi trì hoãn, trốn tránh thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (doanh nghiệp này đã không chấp hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào năm 2015 và 2017 của Tổng cục Môi trường).

Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6 - Ảnh 2
Công ty Cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh bị xử phạt 380 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: TTXVN)

Đồng thời, phạt 130 triệu đồng về hành vi không thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu trong kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; phạt 120 triệu đồng về hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500 m3/giờ đến dưới 3000 m3/giờ.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén năng lượng (công suất 800kg sản phẩm/giờ) do chưa có hồ sơ môi trường được phê duyệt; yêu cầu công ty rà soát, cải tạo công trình xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Cả nước còn hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật đê điều chưa được xử lý

Hội nghị do Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) Trần Quang Hoài chủ trì, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó có Chủ tịch UBND cấp huyện và lãnh đạo Phòng NN&PTNT/Kinh tế của 156 huyện có đê.

Chương trình được tổ chức nhằm mục đích tăng cường tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê phòng lụt cho Chủ tịch UBND cấp huyện và đơn vị tham mưu cấp huyện (Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế) thuộc 21 tỉnh, TP có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta diễn biến bất thường. Có thể kể đến đợt mưa lớn trái quy luật từ ngày 30/3 - 2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; hay đợt mưa từ ngày 21/5 - 24/5 ở Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6 - Ảnh 3
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta diễn biến bất thường. (Ảnh minh họa)

Lượng mưa ghi nhận trong các đợt phổ biến 200 - 400mm, lớn nhất đến 797mm/3 ngày, có nơi tập trung đến 464mm/ngày, đã gây ngập lụt ở nhiều khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, lũ trên một số tuyến sông có đê như sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy, sông Tích đã vượt mức báo động 2...

Đáng chú ý, ngày 12/6, 3 ngày trước khi bước vào mùa lũ năm 2022, hồ thủy điện Hòa Bình phải mở 2 cửa xả đáy. Đây là những biểu hiện cho thấy tình hình mưa lũ năm 2022 sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài, hệ thống đê điều của nước ta được dựng xây bền bỉ qua nhiều thế hệ, là công trình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn lũ, chống bão, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, trên 2.741km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hiện còn 242 trọng điểm xung yếu, và hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật về đê điều chưa được xử lý.

Vì vậy, ông Trần Quang Hoài cho rằng yêu cầu đặt ra đối với các Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, TP có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt là vừa phải nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, đồng thời phải quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Khánh Hòa: San hô bị chết hàng loạt tại Vịnh Nha Trang

Ngày 13/6, Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa giải quyết thông tin phản ánh về việc rạn san hô tại khu bảo tồn Hòn Mun, TP Nha Trang, bị suy giảm.

Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho hay, nguyên nhân chính khiến san hô dưới đáy biển chết hàng loạt là do thiên tai. Ngoài ra, các yếu tố khách quan cũng tác động tới việc này, như, tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại là các yếu tố ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái. “Để tìm ra được nguyên nhân của sự việc trên, cần có nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học”.

Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6 - Ảnh 4
Trưởng ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho hay, nguyên nhân chính khiến san hô dưới đáy biển chết hàng loạt là do thiên tai. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi nhận được phản ánh trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND TP.Nha Trang tăng cường lực lượng kiểm tra, khi phát hiện tàu giã cào xâm phạm khu bảo tồn, lực lượng cần phải xử lý nghiêm. Đồng thời, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đối với du khách về vấn đề vệ sinh khi đi du lịch, tránh tình trạng xả rác.

UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng chỉ đạo Ban quản lý Vịnh Nha Trang phối hợp Viện hải dương học và các bên liên quan nghiên cứu để cấy, nuôi trồng, phục hồi rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun, ước tính chừng khoảng 10 năm mới phục hồi được các rạn san hô.

Được biết, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các đội tuần tra tại vịnh Nha Trang đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép tại biển Hòn Mun.

Hiện tượng La Nina gây mưa, bão nhiều hơn có thể kéo dài đến năm 2023

Chu kỳ khí hậu La Nina - đang tác động đến nhiệt độ toàn cầu và khiến thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn - sẽ kéo dài nhiều tháng nữa, thậm chí là đến năm 2023. Đó là cảnh báo do Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO) mới đưa ra.

La Nina là hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường, xảy ra cứ sau hai đến bảy năm. La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, nhưng thời điểm gây ảnh hưởng mạnh nhất là vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. Ở Đông Nam Á, nó thường gây ra lượng mưa trên mức trung bình và lũ lụt.

Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6 - Ảnh 5
Lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc và châu Âu. (Ảnh: Reuters)

WMO cho biết có 70% khả năng sự kiện La Nina kéo dài sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 8 tới. Một số dự đoán thậm chí còn cho thấy nó có thể tồn tại đến năm 2023. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là chu kỳ La Nina kéo dài 3 năm liên tiếp lần thứ ba ở Bắc bán cầu từng được ghi nhận kể từ năm 1950.

Hiệu ứng này có tác động rộng rãi đến thời tiết trên khắp thế giới, gây tác động trái ngược với El Nino - hiện tượng mặt biển nóng lên ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu.

WMO cho biết tình trạng hạn hán khắc nghiệt đang tàn phá vùng Sừng châu Phi và Nam Mỹ đều do ảnh hưởng của La Nina. Nó đang gây lượng mưa nhiều trên mức trung bình gần đây ở Đông Nam Á và Australia. Hiện tượng này cũng được cho là sẽ gây ra mùa bão mạnh trên trung bình ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, WMO nhấn mạnh tác động của các hiện tượng khí hậu tự nhiên như La Nina đang ngày càng gia tăng do trái đất nóng lên.

"Biến đổi khí hậu do con người gây ra làm khuếch đại tác động của các sự kiện tự nhiên như La Nina và đang ngày càng ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết", người đứng đầu WMO, ông Petteri Taalas khẳng định. Ông chỉ ra các biến đổi cụ thể như nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán, nguy cơ cháy rừng, cũng như lượng mưa và lũ lụt kỷ lục.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật hôm nay ngày 13/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới