Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 10/6
Cảnh báo đợt nắng nóng gay gắt kéo dài tại các tỉnh miền Trung; Nhà bảo tồn sinh thái Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Wayfinder 2022; Hợp tác công tư hướng đến giảm rác thải nhựa đại dương... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay, 10/6.
Cảnh báo đợt nắng nóng gay gắt kéo dài tại các tỉnh miền Trung
Ngày 10/6, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra thông tin cảnh báo về đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài tại các tỉnh miền Trung. Trung tâm dự báo, ngày mai (11/6), khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nơi nắng nóng gay gắt.
Dự báo, ngày mai (11/6), khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-17 giờ.
Nắng nóng ở khu vực Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới, riêng khu vực Bắc Trung Bộ từ ngày 14/6 nắng nóng có khả năng dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
Nhà bảo tồn sinh thái Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Wayfinder 2022
Theo Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), sáng 8/6/2022 (theo giờ Việt Nam), tại Washington D.C. Mỹ, ông Nguyễn Văn Thái, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của SVW vinh dự là một trong 15 cá nhân nhận Giải thưởng Wayfinder 2022 do Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society) trao tặng.
Những người đạt giải sẽ trở thành thành viên của National Geographic Explorer và nhận được giải thưởng trị giá 50.000 đô la Mỹ để tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động chuyên môn.
Theo Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Thái được công nhận với những cống hiến không mệt mỏi trong công tác bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam. Ông thành lập Tổ chức Save Vietnam's Wildlife năm 2014, quản lý hai Trung tâm cứu hộ và phục hồi tê tê tại Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương và VQG Pù Mát; thành lập đội chuyên trách Bảo vệ rừng (Anti-poaching) đầu tiên ở Việt Nam, giúp đào tạo lực lượng kiểm lâm của các VQG sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Giải thưởng Wayfinder 2022 (trước đây là Giải thưởng Emerging Explorer) được trao cho những cá nhân đã và đang tham gia vào những công việc mang tính tiên phong, thách thức các định kiến cố hữu về thế giới động vật, tập trung vào bảo tồn dựa vào cộng đồng, kết hợp công bằng xã hội với nghiên cứu khoa học sinh thái và thúc đẩy sự hiểu biết về chủng tộc trong giáo dục.
Nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn
Sáng 10/6, tại tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”.
Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng. Đó là mô hình: “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường" gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chất thải rắn sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất, tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nhiều vùng nông thôn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
“Trong các năm 2006-2009, mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn 3R được triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện đã đi vào quên lãng” ông Hải dẫn chứng và cho rằng nguyên nhân của sự thất bại là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến việc phân loại chất thải trở nên nửa vời”, PGS.TS Lưu Đức Hải nêu thực tế.
Do đó, PGS.TS Lưu Đức Hải khuyến nghị cần có nghiên cứu phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp để xây dựng mô hình ‘Cộng đồng thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt bền vững”, từ đó mở rộng các mô hình này trên phạm vi cả nước để giải quyết vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững theo hướng biến chất thải thành tài nguyên.
Yêu cầu đình chỉ trang trại chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm môi trường
UBND huyện Hương Khê vừa phát đi văn bản về việc đình chỉ hoạt động chăn nuôi đối với hộ ông Phan Ngọc Hạnh (ở thôn 6, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vì đã có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Phan Ngọc Hạnh tại xứ đồng Mọ Đẻn (thôn 6, xã Hương Giang) được UBND huyện Hương Khê chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016 với quy mô 2 dãy chuồng, 990 con lợn thịt/lứa. Trang trại đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay.
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, quá trình hoạt động, trang trại chăn nuôi lợn của ông Phan Ngọc Hạnh đã có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và bắt buộc khắc phục hậu quả tại Quyết định số 225/QĐ-XPVPHC ngày 18/1/2022 và Quyết định số 1036/QĐ-XPVPHC ngày 28/3/2022.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khắc phục hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo quy định dẫn đến sự cố rò rỉ chất thải từ bể biogas chảy ra môi trường ngày 2/6/2022, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo đó, ngày 8/6/2022, UBND huyện Hương Khê đã có văn bản số 1068/UBND-TNMT, yêu cầu ông Phan Ngọc Hạnh đình chỉ việc chăn nuôi lợn tại xứ đồng Mọ Đẻn, thôn 6, xã Hương Giang kể từ ngày 12/6/2022 và khắc phục sự cố rò rỉ chất thải chăn nuôi chảy ra môi trường.
Trước đó, trong quá trình tổ chức sản xuất, trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Phan Ngọc Hạnh nhiều lần bị bắt quả tang xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường.
Điển hình là hành vi sử dụng máy bơm nước thải đen ngòm, đặc quánh, sủi bọt xả trực tiếp xuống khe Họ Võ vào ngày 14/12/2021. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã quay video, hình ảnh, đồng thời báo lên chính quyền. Tiếp đó, ngày 18/3/2022, trang trại này tiếp tục bị đoàn kiểm tra của UBND huyện Hương Khê lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường với các hành vi vi phạm: lắp thiết bị, đường ống khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
Hợp tác công tư hướng đến giảm rác thải nhựa đại dương
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp cùng Chương trình “Thành Phố Sạch, Đại Dương Xanh” (CCBO) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý rác nhựa đại dương” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào sáng ngày 10/6/2022.
Theo báo cáo từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92% và nông thôn khoảng 66%. Đối với 28 tỉnh ven biển, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 74%. Trong đó, thu gom từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, ví dụ như rác nhựa phát sinh từ loại hình nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng 2.875 tấn, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138,75 tấn. Và chất thải rắn sinh hoạt hầu hết đều chưa được phân loại. Đây là mối nguy cơ lớn đe dọa môi trường biển và hệ sinh thái biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối tác công tư trong chuỗi giá trị nhựa, xã hội hóa công tác quản lý, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu rác nhựa đại dương từ đất liền. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi vấn đề thu gom và xử lý rác thải, tái chế sản phẩm thải bỏ và ngăn chặn ô nhiễm nhựa ra biển…
Lan Anh