Thứ sáu, 26/04/2024 18:13 (GMT+7)
Thứ tư, 23/03/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật?

Theo dõi KTMT trên

Không khí lạnh sẽ tăng cường trong ngày 26/3 và 31/3; Xếp hạng bảo vệ môi trường 2021 sẽ công bố vào ngày 5/6; Năm 2021, ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên toàn cầu... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 23/3.

Không khí lạnh sẽ tăng cường trong ngày 26/3 và 31/3

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng sớm nay (23/3), một đợt không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Dự báo các đợt không khí lạnh tiếp theo khả năng tăng cường vào ngày 26/3 và 31/3.

Cơ quan khí tượng nhận định, hết ngày hôm nay trời giảm mưa, từ trưa chiều ngày mai, miền Bắc sẽ hửng nắng. Trong hai ngày 25-26/3, miền Bắc sẽ duy trì thời tiết đêm và sáng trời rét, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội từ 20-22 độ, nhiệt độ cao nhất từ 27-29 độ.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng đêm 26/3, miền Bắc tiếp tục đón không khí lạnh tăng cường khiến trời mưa rào và dông trong đêm 26 và ngày 27/3. Từ đêm 27/3-1/4, trời rét về đêm và sáng.

Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật? - Ảnh 1
Dự báo các đợt không khí lạnh tiếp theo khả năng tăng cường vào ngày 26/3 và 31/3.

Riêng trong ngày hôm nay, đợt không khí lạnh hiện tại tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, theo nhận định của chúng tôi, đợt rét này sẽ không kéo dài quá lâu, chủ yếu không khí lạnh tập trung tác động trong ngày 23/3 và ngày 24/3. Sau đó, không khí lạnh suy yếu nhanh và nhiệt độ những ngày sau đó có xu hướng tăng nhanh.

Đây là thời gian chuyển giao giữa mùa đông sang mùa hè. Ngoài không khí lạnh còn có sự tác động của các hình thế thời tiết khác. Với đợt không khí lạnh này thì đáng chú ý nhất là sẽ xảy ra mưa dông mạnh.

Xếp hạng bảo vệ môi trường năm 2021 sẽ công bố vào ngày 5/6

Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) dự kiến sẽ công bố xếp hạng về bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021 nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6 tới đây. Đại diện 5 địa phương có số điểm cao nhất sẽ được Bộ tuyên dương và tặng kỷ niệm chương.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, để việc công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021 đúng theo dự kiến, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch chi tiết việc triển khai thực hiện, đồng thời phân công cụ thể cho các đầu mối với yêu cầu thời hạn hoàn thành công việc.

Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật? - Ảnh 2
Bộ TN&MT dự kiến sẽ công bố xếp hạng về bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2021 vào ngày 5/6.

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc xếp hạng bảo vệ môi trường của các địa phương có tác động tích cực khi thúc đẩy chuyển biến thực chất trong công tác quản lý ở các cấp, các ngành, đồng thời khơi dậy ý thức, trách nhiệm đối với mỗi người dân. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, việc đánh giá phải khách quan, minh bạch, trung thực, công bố rộng rãi để tạo động lực cho toàn xã hội vì một môi trường xanh hơn, bền vững hơn.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường sớm thành lập Hội đồng thẩm định kết quả, xem xét việc khen thưởng đối với các địa phương thực hiện tốt. Đơn vị cũng cần hoàn thiện quy chế có tính pháp quy để các tỉnh áp dụng, đồng thời có các chỉ số mềm phù hợp với từng năm để việc đánh giá đạt hiệu quả thực chất hơn.

Bộ trưởng TN&MT: "Đổi mới tư duy, chung tay hành động vì tương lai bền vững"

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các cấp chính quyền cần đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chung tay hành động tạo sức lan tỏa lớn vì tương lai bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm, chúng ta đang phải chịu từ 6-7 cơn bão. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà được đưa ra tại lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022, diễn ra sáng 23/3.

“Gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng đô thị hóa kéo thêm sự suy thoái về thiên nhiên môi trường, cộng hưởng thêm tác động của dịch bệnh Covid-19 đang làm phức tạp hóa hơn những thách thức mà Trái đất đang phải đối mặt. Dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm” - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022, tại Lễ phát động hôm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.

Tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện, hóa chất tăng lên

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, chiếm 65%, miền Trung chiếm 23% và miền Nam chiếm 12% tổng lượng thải.

Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật? - Ảnh 3
Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất trên cả nước đã tăng lên qua từng năm.

Trong số này, lượng tro xỉ phát thải từ 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 6 nhà máy với lượng tro, xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải và 1 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 0,784 triệu tấn chiếm khoảng 6% tổng lượng tro xỉ phát thải.

Theo đại diện Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đã tăng lên qua từng năm. Nếu như năm 2018, tỷ lệ tiêu thụ mới đạt 38,5%, đến năm 2020, đã nâng lên 50%. Toàn ngành phấn đấu năm 2025 đạt khoảng 80%.

Thời gian vừa qua, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã tiến hành kiểm tra tình hình xử lý tro, xỉ, thạch cao tại 6 đơn vị. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã lập phương án tiêu thụ tro, xỉ. Công tác xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện tiến hành thuận lợi. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông cũng từng bước được hoàn thiện.

Năm 2021, ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên toàn cầu

Một cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm ở 6.475 thành phố trên toàn thế giới công bố ngày 22/3 cho thấy, không một quốc gia nào đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2021, và khói mù thậm chí còn bùng phát trở lại ở một số khu vực.

Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật? - Ảnh 4
Trong năm 2021, không một quốc gia nào đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO và khói mù thậm chí còn bùng phát trở lại ở một số khu vực.

Năm 2021, theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 microgam/m3 xuống 5 microgam/m3 vì cho rằng ngay cả nồng độ thấp cũng gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể.

Nhưng theo dữ liệu của IQAir, một công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chỉ có 3,4% các thành phố được khảo sát đạt tiêu chuẩn này vào năm 2021. Có tới 93 thành phố có mức PM2.5 cao gấp 10 lần mức khuyến nghị.

Dữ liệu năm 2021 cho thấy mức độ ô nhiễm tổng thể của Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn và New Delhi vẫn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Bangladesh là quốc gia ô nhiễm nhất, cũng không thay đổi so với năm trước, trong khi Chad xếp thứ hai sau khi dữ liệu của quốc gia châu Phi lần đầu tiên được đưa vào.

Hàn Quốc ban hành luật về trung hòa carbon

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký phê chuẩn việc ban hành Luật cơ bản về trung hòa carbon và tăng trưởng xanh nhằm đối phó biến đổi khí hậu, gọi tắt là Luật cơ bản về trung hòa carbon. Theo đó, Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/3.

Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật? - Ảnh 5
Hàn Quốc ban hành Luật cơ bản về trung hòa carbon và tăng trưởng xanh nhằm đối phó biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, Luật nêu rõ mục tiêu Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) là cắt giảm 40% lượng phát thải carbon vào năm 2030 so năm 2018 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Bộ Môi trường Hàn Quốc nhận định, đây là một mục tiêu không dễ dàng với Hàn Quốc, bởi tỷ trọng ngành chế tạo của nước này phát thải lượng carbon ở mức cao. Tuy nhiên, mục tiêu phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải lập kế hoạch cơ bản về trung hòa carbon giai đoạn 5 năm một lần. Ngoài ra, chính quyền các địa phương sẽ phải lập kế hoạch cơ bản trong giai đoạn 10 năm một lần dựa theo kế hoạch cơ bản quốc gia.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h ngày 23/3 có gì nổi bật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới