Thứ sáu, 19/04/2024 11:10 (GMT+7)
Thứ tư, 07/09/2022 17:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/9

Theo dõi KTMT trên

Công bố 7 Tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá; Chứng khoán giảm mạnh nhất 2,5 tháng, nhiều cổ phiếu BĐS nằm sàn... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 7/9.

Công bố 7 Tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Quyết định số 1486/QĐ-BKHCN Quyết định về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá.

Sản xuất thuốc lá thực sự trở thành ngành sản xuất trên quy mô công nghiệp vào những năm cuối thế kỉ 19. Vì vậy, thuốc lá trở nên phổ biến trên thế giới, đi cùng với đó là số lượng người hút thuốc cũng như số lượng thuốc lá tiêu thụ tăng lên rõ rệt. Từ đó đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong công tác đảm bảo, kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ thuốc lá.

Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1486/QĐ-BKHCN Quyết định về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá. 07 Tiêu chuẩn quốc gia này bao gồm:

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/9 - Ảnh 1

Chứng khoán giảm mạnh nhất 2,5 tháng, nhiều cổ phiếu BĐS nằm sàn

VN-Index đóng cửa giảm tới hơn 34 điểm (2,68%). Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số chính, kể từ cuối tháng 6. Hơn 420 cổ phiếu trên HoSE giảm giá, và có 21 mã giảm sàn, trong đó có nhiều cổ phiếu bất động sản.

Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường, không có nhóm ngành nào đủ sức chống đỡ, hay ngược dòng đáng chú ý.

Sức nặng của các bluechip như VCB, BID, GAS, VHM, VPB, VNM, CTG, MSN, TCB, MWG lấy đi của chỉ số chính hơn 16 điểm. Toàn bộ các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản điều chỉnh giảm. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán ghi nhận nhiều mã xuống sát giá sàn, giảm 5-6%, kể cả các mã lớn như SSI, VND, HCM. Biên độ điều chỉnh của nhóm này tương đối rộng. VND là cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong phiên hôm nay.

Thanh khoản HoSE tăng mạnh, vượt 20.000 tỷ đồng trong ngày VN-Index giảm sâu. Từ lúc áp dụng chu kỳ thanh toán rút gọn T+2, thanh khoản thường có dấu hiệu tăng nhanh trong phiên chiều (cổ phiếu T+0 về tài khoản sẵn sàng giao dịch). Phiên giao dịch hôm nay không nằm ngoại lệ. Phiên sáng, giá trị giao dịch của HoSE chỉ tương đương hôm qua, nhưng từ khoảng 13h30, thanh khoản bắt đầu tăng nhanh. Chỉ trong khoảng 1 tiếng 15 phút (13h30 – 14h45), giá trị khớp lệnh HoSE tăng gấp đôi, từ khoảng 9.000 tỷ đồng, lên 18.826 tỷ đồng khi kết phiên. Như vậy, gần 10.000 tỷ đồng “trao tay” chỉ trong nửa cuối phiên chiều.

Sau nhịp phục hồi tiếp cận vùng 1.300 điểm vừa qua, đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất của VN-Index. Khối ngoại gia tăng bán ròng, với giá trị hơn 430 tỷ đồng trên HoSE. Từ sau kỳ nghỉ lễ 2/9, 3 phiên gần đây khối ngoại đều bán ròng với giá trị lớn. Hôm nay, khối ngoại tập trung “xả” VND, GEE, HPG, STB, SSI, GEX, VJC...

Thanh khoản cao nhất hôm nay là NKG, VND, HPG, VPB, STB, SSI, KBC... KBC giảm sàn, trắng bên mua, chịu lực bán mạnh. Cùng trong nhóm bất động sản, còn có ITA, LDG, HTN, DXG, CII... giảm sàn. Chỉ qua 1 tuần, KBC “bốc hơi” hơn 11% thị giá, sau việc lợi nhuận 6 tháng 2022 giảm tới 92% sau kiểm toán.

Trước đó, ở báo cáo tự lập, KBC báo lãi hơn 2.400 tỷ. Giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), KBC cho biết, sự chênh lệch đến từ việc ghi nhận tạm thời thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần từ bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại SDN lên 48% (giá trị đầu tư tương ứng chỉ 96 tỷ đồng trong khi giá trị hợp lý của khoản đầu tư là gần 2.500 tỷ đồng). Giá trị hợp lý tài sản thuần từ SDN được ước tính là 4.800 tỷ đồng.

Kiểm toán BCTC cho KBC, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định, do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên BCTC hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Kiểm toán viên cũng lưu ý, KBC vẫn trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn định giá chuyên nghiệp để xác định giá trị hợp lý chính thức của khoản đầu tư vào SDN.

Bitcoin mất giá mạnh, thủng mốc 19.000 USD

Theo ghi nhận lúc 11h30, trên sàn Coindesk, Bitcoin giao dịch ở mức 18.690,8 USD/đồng, giảm 5,73% trong 24h qua.

Thống kê trong 24 giờ qua, đồng tiền mã hóa phổ biến và giá trị nhất thế giới giao dịch thấp nhất tại 18.558,93 USD và cao nhất tại 20.022 USD.

Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng thời gian này vào khoảng 42 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 358 tỷ USD.

Trong một tháng qua, Bitcoin đã chứng kiến 3 lần điều chỉnh mạnh, cụ thể 23.400 USD xuống 21.000 USD (ngày 19-8), từ 21.400 USD xuống 20.000 USD (ngày 27-8) và từ 20.000 USD xuống 18.690,8 USD (ngày 7-9).

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/9 - Ảnh 2
Bitcoin mất giá mạnh, thủng mốc 19.000 USD.

Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa hàng đầu thị trường, XRP và Solana có mức giảm trong ngày thấp hơn Bitcoin. Còn lại Ethereum, Binance coin, Cardano, Dogecoin đều điều chỉnh 6 - 8%.

Trong khi vật lộn để vượt qua ngưỡng kháng cự 21.000 USD, Bitcoin lại rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/6. Joe DiPasquale - Giám đốc điều hành quỹ phòng hộ tiền mã hóa BitBull Capital, cho rằng Bitcoin sẽ kiểm nghiệm mức đáy ở phạm vi gần 18.000 USD.

Vào tháng trước, trong bài phát biểu thường niên tại hội nghị kinh tế Jackson Hole, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã ám chỉ việc tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Lập trường trên có thể tiếp tục gây ra áp lực giảm giá với các tài sản rủi ro như cổ phiếu hay tiền số. Giá Bitcoin đã giảm xuống dưới 20.000 USD sau bài phát biểu của ông Powell.

Nhiều nhà phân tích nhận định, Bitcoin có vẻ ngày càng khó vượt qua 20.000 USD khi tâm trạng của những người tham gia thị trường đang rất bối rối. Dù trước đó, tiền ảo hàng đầu từng có đợt hồi phục mạnh mẽ và vượt mốc 25.000 USD sau khi CPI tại Mỹ thấp hơn dự báo.

Về dài hạn, chuyên gia Edward Moya cho rằng, giá Bitcoin có thể tiếp tục tăng. Ông Edward Moya đưa ra nhận định này sau đợt giảm mạnh vào tuần trước, khi đó Bitcoin đột ngột rơi từ mốc 23.000 USD xuống 20.883 USD.

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử liên quan đến thị trường chứng khoán. Chuyên gia phân tích thị trường tiền điện tử tại eToro Simon Peters cũng tin rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, đặc biệt là trong những tháng gần đây. Nếu thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc, Bitcoin có thể bật tăng trở lại.

Hàn Quốc: Đồng won giảm giá xuống mức thấp nhất 13 năm

Tỷ giá hối đoái giữa đồng won (Hàn Quốc) và USD đã vượt qua ngưỡng 1.380 won/USD.

Sự gia tăng giá trị của đồng USD trên trường quốc tế cùng với thâm hụt thương mại của Hàn Quốc và sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) được xem là những yếu tố dẫn đến sự sụt giảm nhanh chóng của giá trị đồng won.

Tỷ giá hối đoái giữa đồng won và USD ở phiên mở cửa tại thị trường ngoại hối Seoul ngày 7/9 lần đầu tiên sau 13 năm ở mức 1.387,30 won/USD trong bối cảnh thặng dư tài khoản vãng lai của nước này giảm mạnh. Trong phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày, đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất là 1.388,40 so với đồng USD.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/9 - Ảnh 3
Hàn Quốc: Đồng won giảm giá xuống mức thấp nhất 13 năm.

Đây cũng lần đầu tiên đồng nội tệ Hàn Quốc giảm xuống dưới ngưỡng 1,380 won/USD so với đồng USD giao dịch trong ngày kể từ ngày 1/4/2009.

Việc đồng won suy yếu được đánh giá là do đồng USD vẫn vững chắc so với các đồng tiền chính trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ tích cực và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, thặng dư tài khoản vãng lai bị thu hẹp của Hàn Quốc và thâm hụt thương mại gia tăng cũng gây áp lực giảm giá đối với đồng won.

Tháng Bảy vừa qua, Hàn Quốc công bố thặng dư tài khoản vãng lai tháng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy thặng dư giảm mạnh do cán cân hàng hóa thâm hụt lần đầu tiên trong khoảng 10 năm.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai đạt 1,09 tỷ USD trong tháng 7/2022 so với mức thặng dư 5,61 tỷ USD được công bố vào tháng Sáu. Bên cạnh đó, BoK dự báo tài khoản vãng lai có thể tiếp tục thâm hụt vào tháng Tám do thâm hụt thương mại cao kỷ lục.

Trong tháng Tám vừa qua, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại kỷ lục 9,47 tỷ USD do chi phí năng lượng cao. Đây cũng là lần đầu tiên trong khoảng 14 năm, Hàn Quốc thâm hụt thương mại trong 5 tháng liên tiếp.

Thêm vào đó, tỷ giá NDT so với USD đạt 6,93 NDT/USD. Tỷ giá hối đoái của hai đồng tiền này đã tăng đột biến kể từ giữa tháng Tư, vượt qua phạm vi 6,9 NDT/USD kể từ cuối tháng 8/2022.

Sự suy yếu của đồng NDT có thể khiến các sản phẩm của Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá cả và có thể đe dọa khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc và các quốc gia đang phát triển khác.

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng đồng won có thể tiếp tục suy yếu xuống mức 1.400 won/USD do nhu cầu đối với đồng USD tăng mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, đồng won đã giảm hơn 14% so với đồng USD. Bên cạnh đó, việc bán cổ phiếu của người nước ngoài cũng gây áp lực giảm giá đối với đồng nội tệ của Hàn Quốc.

Chỉ số chứng khoán chính của Seoul đã giảm 38,09 điểm, tương đương 1,54%, xuống 2.371,93 vào lúc 11 giờ 25 phút cùng ngày.

Việc đồng USD mạnh lên đã khiến các đồng tiền chính lần lượt giảm giá. Chỉ số USD, đo lường giá trị của đồng USD với 6 loại tiền tệ chính bao gồm đồng euro, đồng yên (Nhật) và bảng Anh, đã được thống kê ở mức 110,23 vào lúc 14 giờ ngày 6/9.

Chỉ số USD vào tháng 3/1973 là 100. Lần cuối cùng chỉ số này vượt quá ngưỡng 110 là cách đây hơn 20 năm (ngày 19/6/2002) với 110,19.

Trong một cuộc họp khẩn cấp về tài chính kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết: “Bắt đầu từ tháng Tám, các yếu tố như cán cân thương mại xấu đi và đồng NDT suy yếu đã chồng chéo lên nhau, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng tỷ giá hối đoái từ won sang USD”.

PV

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .