Thứ sáu, 19/04/2024 23:19 (GMT+7)
    Thứ năm, 07/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/4

    Theo dõi KTMT trên

    Hà Nội thu ngân sách đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng; ACB đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/4/2022.

    Hà Nội thu ngân sách đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng

    Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của địch Covid-19.

    Tổng sản phẩm trên địa bàn Quý I tăng 5,83% - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), gấp 3,1 lần TP Hồ Chí Minh (1,88%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7-6,2%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,15%, Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đã tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/4 - Ảnh 1
    Hà Nội thu ngân sách đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng.

    Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện Quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Về giải ngân xây dựng cơ bản, tính đến hết ngày 31/3/2022, toàn Thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Thành phố đều tăng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; Kim ngạch xuất, nhập khẩu; Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

    Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách nhà nước và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như: Dịch vụ (quý I tăng 6,15% - gấp 1,34 lần mức tăng của cả nước (4,58%); Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% - bằng 0,88 lần mức tăng của cả nước (6,38%).

    Đẩy mạnh xuất nhập khẩu; chủ động có phương án triển khai kế hoạch đầu tư năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tháo gỡ ngay các khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư.

    Hơn 15.000 công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine

    Trong báo cáo điều tra công bố ngày 6/4, Teikoku Databank cho biết tính đến tháng 3/2022, có 338 công ty ở Nhật Bản có các hợp đồng xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa trực tiếp sang Nga, và 14.949 công ty khác ở Nhật Bản có mối quan hệ kinh doanh với các đối tác ở Nga.

    Theo Teikoku Databank, các công ty hoạt động trong ngành chế tạo ô tô, phụ tùng máy móc hoặc linh kiện điện tử chiếm tỷ lệ lớn trong số các công ty xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Trong khi đó, các công ty bán buôn hải sản và gỗ chiếm tỷ lệ lớn trong số các công ty nhập khẩu hàng hóa từ Nga.

    Teikoku Databank nhận định các công ty này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Nhật Bản và phương Tây đang áp đặt lên Nga như buộc phải cắt giảm quy mô hoặc hủy bỏ thỏa thuận do các lệnh cấm thương mại, hay phải mua hàng hóa từ các nhà cung cấp khác.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/4 - Ảnh 2

    Trước đó, vào cuối tháng Ba, Teikoku Databank công bố một báo cáo khác, trong đó cho biết tính đến giữa tháng 3/2022, có khoảng 20% công ty niêm yết ở Nhật Bản đang hoạt động tại Nga phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.

    Cụ thể, tính tới ngày 15/3, có 37 trong số 168 công ty niêm yết Nhật Bản có cơ sở sản xuất hoặc bán hàng ở Nga đã thông báo tạm ngừng hoạt động ở Nga, trong đó có 22 công ty đình chỉ hoạt động xuất khẩu, bảy công ty tạm ngừng hoạt động sản xuất và bốn công ty dừng hoạt động của các cửa hàng ở nước láng giềng này.

    Đáng chú ý, tính theo ngành, nghề, có 28 trong số 37 công ty trên hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo ô tô và máy móc xây dựng hạng nặng.

    Tuy nhiên, theo Teikoku Databank, không có công ty nào trong số đó khẳng định rút hoàn toàn hoạt động ở Nga. Teikoku Databank dự báo số lượng công ty phải ngừng hoạt động ở Nga có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

    'Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư ngoại'

    Theo ông Warrick Cleine, trong đại dịch, có nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn nhưng vẫn có nhiều DN biết đón đầu cơ hội để phát triển. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ các DN vượt qua đại dịch.

    “Nền kinh tế Việt Nam hết sức mạnh mẽ, đủ sức chống chịu. Điều đó là nhờ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và tôi cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước duy trì được đà tăng trưởng GDP”- ông Warrick Cleine nói.

    Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành KPMG Việt Nam cho rằng, các hành động của Chính phủ Việt Nam là vô cùng quan trọng. Người làm DN mong muốn được tự do kinh doanh, nhưng qua đại dịch, mới thấy vai trò vô cùng quan trọng của Chính phủ, đưa ra các quyết sách, hành động, đưa ra các ưu tiên, ví dụ như là kiểm soát dịch cùng lúc với tăng trưởng kinh tế là hết sức hiệu quả.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/4 - Ảnh 3
    Ông Warrick Cleine: “Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư ngoại”. (Ảnh: Đức Minh)

    “Tôi đánh giá cao sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam giúp các DN vượt qua thách thức trong thời gian đại dịch. Trước khi trở thành Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng cũng có thời gian công tác rất thành công trong lĩnh vực kiểm toán, cảm ơn Bộ trưởng tiếp tục dẫn dắt lĩnh vực tài chính tại Việt Nam”- ông Warrick Cleine nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

    Ông Warrick Cleine chia sẻ thông tin, tại hội thảo diễn ra tại London (Anh) tuần trước, qua trao đổi, các nhà đầu tư rất tin tưởng vào Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đang muốn đầu tư tại ASEAN và Việt Nam là điểm đến hàng đầu. Đây không chỉ là cơ hội cho các nhà đầu tư mà còn là cơ hội cho Việt Nam.

    “Thời gian tới, tôi tin rằng, sẽ có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư Anh sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, Việt Nam đang tái mở cửa và hội nhập với toàn cầu, điều đó nhờ vào Chương trình vắc-xin, cuộc sống đã trở về bình thường. Việc mở cửa cho phép các hoạt động trở lại, sẽ là cơ hội tăng trưởng của Việt Nam cũng như cơ hội của nhà đầu tư”- ông Warrick Cleine nói.

    ACB đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022

    Ngày 7/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ADB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nhằm thông qua một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh trong năm 2022.

    Hội đồng quản trị ACB đã trình cổ đông thông qua mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi đều tăng 11% so với kết quả đạt được trong năm 2021, tương ứng 588.187 tỷ đồng và 421.897 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng 25% và lên 15.018 tỷ đồng.

    Dư nợ cho vay của ACB dự kiến đạt 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao và sẽ được điều chỉnh cao hơn khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

    Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25% và kế hoạch này phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng.

    Tất cả nội dung trên đã được cổ đông thông qua tại đại hội.

    Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cũng cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2022 của ACB khả quan khi tổng tài sản đạt khoảng 525.000 tỷ đồng, cho vay đạt 374.000 tỷ đồng, huy động đạt 386.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất ước đạt 4.200 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới