Thứ năm, 28/03/2024 19:16 (GMT+7)
    Thứ sáu, 01/04/2022 20:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/4

    Theo dõi KTMT trên

    Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 1/4/2022.

    Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP

    Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    Bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.

    Phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/4 - Ảnh 1
    Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.

    Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

    Đồng thời, phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

    Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra các 16 nhóm nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

    Theo chiến lược, kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung với cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

    Chiến lược đặt mục tiêu phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu. Phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.

    Các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50% và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

    Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%...

    Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước

    Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự kiến: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

    Theo Bộ Tài chính, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô. Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - một trong những thị trường ô tô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh “đóng băng”, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2021.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/4 - Ảnh 2
    Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước.

    Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ô tô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Chưa có năm nào mà thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió như năm 2021, sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

    Quý 1 năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 22,5%

    Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nhờ các giải pháp linh hoạt, ngành Dệt May Việt Nam đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đạt kết quả xuất khẩu cao ngay trong quý đầu năm.

    Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong ba tháng đầu năm 2022 đạt 8.837 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.

    Dòng tiền bất ngờ bắt đáy cổ phiếu 'họ FLC', VN-Index vượt 1.500 điểm

    Chốt phiên ngày 1/4, VN-Index tăng 24,29 điểm (+1,63%) lên 1.516,44 điểm với 330 mã tăng giá và chỉ 125 mã giảm giá, trong đó có vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đáng chú ý, cổ phiếu 'họ FLC' bất ngờ được giải cứu nhờ dòng tiền bắt đáy.

    Tương tự, HNX-Index tăng 4,48 điểm (+1%) lên 454,1 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,13% đạt 117,19 điểm. Hai sàn này có 346 mã tăng và 332 mã giảm giá.

    Trước thông tin cơ quan quản lý mạnh tay xử lý thao túng cổ phiếu, đồng thời Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020, thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch trong không khí ảm đạm và áp lực bán lan nhanh trên diện rộng với sắc đỏ chiếm ưu thế.

    Tuy nhiên, lực cầu tại nhóm cổ phiếu bluechip rất mạnh đã nâng đỡ thị trường đi lên, vượt mốc 1.500 điểm. Chốt phiên, rổ VN30 tăng đến 33,94 điểm (+2,25%) với 29/30 mã tăng giá.

    Trong đó, MWG bất ngờ tăng trần lên 156.000 đồng/cp để trở thành mã có đóng góp lớn nhất. Động lực cho cổ phiếu được cho là do tin tức tập đoàn này mới công bố kế hoạch chào bán phần vốn tại Bách Hóa Xanh và tăng vốn gấp đôi.

    Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu bán lẻ khác cũng tăng ấn tượng như MSN tăng 3% lên 146.500 đồng/cp, PNJ tăng 6,1% đạt 117.200 đồng/cp, VRE tăng 1,8% lên 34.050 đồng/cp.

    Tương tự, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng bứt phá như VPB tăng 3,8% lên 38.600 đồng/cp, SAB tăng 4% đạt 165.300 đồng/cp, NVL tăng 3,1% lên 82.600 đồng/cp…

    Chiều ngược lại, BCM mất 1,2% về 72.500 đồng/cp, là mã đóng góp xấu nhất cho chỉ số; LGC giảm 6,9%, TMS mất 4,1% giá trị.

    Đáng chú ý, một lực cầu lớn đã hút toàn bộ hàng trăm triệu cổ phiếu FLC và ROS giá sàn để có thanh khoản trở lại, trong khi các mã ART, HAI, AMD và KLF chìm trong sắc tím.

    Nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ khác cũng ghi nhận sự hồi phục đáng kể như HQC từ giá sàn bật tăng 3,6% đạt 9.010 đồng/cp, HUT chuyển từ giá sàn lên 35.800 đồng/cp, DNP từ sàn lên tham chiếu...

    Cổ phiếu xăng dầu biến động khá tiêu cực trước thông tin giá dầu thế giới giảm mạnh. Trong đó, PVX lao dốc 7,7% giá trị, PXT mất 6,7%, PVC giảm 6,8%, PVB giảm 6%...

    Thanh khoản trong phiên hôm nay cải thiện so với phiên trước với 967,56 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 26.700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch của VN30 tạm thời xác lập kỷ lục trong năm 2022 với 9.723 tỷ đồng.

    Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.699 tỷ và bán ra 1.289 tỷ, tương đương mua ròng 410 tỷ đồng trên HoSE. Lực mua tiếp tục dồn vào VNM (193 tỷ) và DGC (178 tỷ).

    Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,4% trong tháng 3/2022

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3/2022 đạt 41,7 nghìn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/4 - Ảnh 3
    Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,4% trong tháng 3/2022.

    Tính chung quý I/2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 82,3 nghìn lượt người, chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 165,2%; bằng đường bộ đạt 8,6 nghìn lượt người, chiếm 9,5% và giảm 49,1%; bằng đường biển đạt 36 lượt người, chiếm 0,04% và giảm 72,1%.

    Theo nhận định được đăng tải trên Tạp chí du lịch Travel Off Path (Canada), với việc ban hành phương án mở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia có chính sách nhập cảnh dễ dàng nhất trong khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tới du lịch Việt Nam.

    Được biết, nhờ hoạt động du lịch được mở lại nên trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng nhiều nhất là Bắc Ninh tăng 24%; Cần Thơ tăng 18,3%; Phú Yên tăng 18,1%; Lâm Đồng tăng 17,4%; Hà Nội tăng 1,1%; TPHCM giảm 5,6%... Doanh thu du lịch lữ hành quý 1 năm 2022 cũng tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch. Tăng mạnh nhất là Khánh Hòa tăng 279,1%; Quảng Nam tăng 71,1%; Cần Thơ tăng 50,1%...

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
    Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.