Thứ bảy, 23/11/2024 05:50 (GMT+7)
Thứ tư, 05/10/2022 17:07 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/10

Theo dõi KTMT trên

Đề xuất giá điện sinh hoạt mới cao nhất hơn 3.300 đồng/kWh; Yêu cầu không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 5/10.

Đề xuất giá điện sinh hoạt mới cao nhất hơn 3.300 đồng/kWh

Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến các đơn vị liên quan về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo đề án được chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện. Theo đó, đề án giữ nguyên cơ cấu 4 nhóm khách hàng dùng điện gồm sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh và hành chính sự nghiệp và 5 khung giờ dùng điện cao điểm hiện tại. Việc bù chéo trong giá điện sẽ thay đổi mạnh, giảm bớt việc bù chéo giữa các hộ tiêu thụ điện có mức tiêu dùng khác nhau.

Với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, theo phân tích của đơn vị tư vấn Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa - Trường đại học Bách khoa, phương án đồng giá (1 bậc) không áp dụng được trên thực tế nếu nhìn vào các mục tiêu định giá chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Đề án đưa ra các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 5 bậc:

Bậc 1: Áp dụng cho 100 kWh đầu tiên; giá điện mới là 1.753 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh).

Bậc 2: Từ 101-200 kWh; giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh ).

Bậc 3: Từ 201-400 kWh; giá điện mới đề xuất là 2.424 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536 - 2.834 đồng/kWh).

Bậc 4: Từ 401-700 kWh; giá điện mới đề xuất là 2.871 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).

Bậc 5: Từ 701 kWh trở lên; giá điện mới đề xuất là 3.076 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/10 - Ảnh 1
Bộ Công Thương đề xuất giá điện sinh hoạt mới cao nhất hơn 3.300 đồng/kWh.

Phương án này giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh cũng được giữ nguyên trong khi giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Theo đề án, ưu điểm của phương án rút từ 6 bậc còn 5 bậc, nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ dưới 270 kWh/tháng tăng thêm bình quân khoảng 2,32% (mức tăng tối đa là 4,47%) so với tiền điện hiện hành.

Các hộ có mức sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh có mức giảm tiền điện bình quân khoảng 2,47% (mức giảm tối đa là 4,82%). Các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên có mức tăng tiền điện bình quân khoảng 3,87% (mức tăng tối đa là 4,63%).

Ngoài ra, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng 42 tỷ đồng/năm (tính theo số hộ nghèo, hộ chính sách xã hội năm 2020 là 1.546.540 hộ) do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Trên cơ sở phân tích ý kiến của tư vấn, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Phương án 1: Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Với phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc:

+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên.

+ Bậc 2: cho kWh từ 101-300.

+ Bậc 4: cho kWh từ 301-700.

+ Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên.

Cụ thể, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ), ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 100-200 kWh; 301-400 kWh và trên 700kWh. Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Theo Bộ Công Thương, phương án 4 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%.

Bộ Công Thương cũng cho rằng phương án 4 bậc sẽ có tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10

Sau hơn 5 năm dừng thu phí, được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang, Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh TX. Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT sẽ tái hoạt động trở lại vào lúc 7 giờ ngày 7/10/2022.

Theo đó, dự án BOT Cai Lậy sẽ thu phí tại 2 trạm thu phí ở Quốc lộ 1 và Tuyến tránh Cai Lậy, thời gian thu phí để hoàn vốn là 6 năm, 4 tháng 29 ngày. Trạm thu phí trên đường QL1 có quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; trong đó có 6 làn thu phí không dừng (ETC) và 2 làn thu phí hỗn hợp. Mức giá cao nhất là 118.000 đồng và thấp nhất là 14.000 đồng/phương tiện. Riêng trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy có quy mô  4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; trong đó có 2 làn thu phí không dừng, 2 làn thu hỗn hợp. Mức giá vé qua trạm này cao nhất là 137.000 đồng, thấp nhất là 24.000 đồng/phương tiện. Khi phương tiện đi qua 2 trạm thu phí trên một chiều lưu thông thì chủ phương tiện chỉ thanh toán tiền dịch vụ đường bộ 1 lần cho một lượt phương tiện.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/10 - Ảnh 2
BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10.

Ông Nguyễn Trung Duy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, để đưa vào  hoạt động tái thu phí nhà đầu tư đã duy tu, bảo trì, sửa chữa hư hỏng mặt đường, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Đặc biệt, có 1.347 phương tiện của người dân, doanh nghiệp ở 41 xã, phường, thị trấn trong phạm vi bán kính 10km cách trạm thu phí đã được miễn giảm đợt 1, công tác này tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Qua hơn 5 năm dừng thu phí do phản ứng của giới tài xế, đến nay dự án BOT Cai Lậy đã phải trả lãi vay ngân hàng hơn 500 tỷ đồng. Qua thu thử nghiệm mấy ngày qua cho thấy, mỗi ngày, đêm có khoảng 20.000 lượt phương tiện cơ giới lưu thông qua 2 trạm thu phí này.

Yêu cầu không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Tại văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 121/NQ-CP và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. 

Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Văn phòng Bộ Công thương cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng, dầu để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bộ cũng giao Cục Phòng vệ thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để ngăn chặn gian lận thương mại, tránh việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván ép gỗ cứng từ Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than cần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn điện, lưới điện theo quy định của pháp luật; tính toán chặt chẽ cân đối cung cầu điện năng tiêu thụ để chủ động phương án sản xuất, nhập khẩu điện phù hợp; chủ động các nguồn điện thay thế trong trường hợp thiếu nước cho thủy điện.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/10 - Ảnh 3
Yêu cầu không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Các đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thực hiện quản lý nhà nước để sớm đưa vào vận hành các dự án.

Tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 27/9/2022 cũng nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Giá xăng dầu trong những ngày gần đây liên tục được điều chỉnh giảm theo giá thế giới. Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu 15h ngày 3/10/2022, giá xăng đã giảm mạnh hơn 1.100 đồng/lít, đưa RON 95-III còn 21.443 đồng/lít và giá xăng E5 RON 92 cũng giảm còn 20.732 đồng/lít. Dầu điêzen 0.05S về 22.208 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 21.688 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 4 liên tiếp trong hơn 1 tháng qua Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. 

Giá vàng loạn nhịp, USD trong nước chững lại

Mở cửa phiên giao dịch ngày 5/10, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 65,45 – 66,45 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 52,4 – 53,3 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó.

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 65,4 – 66,4 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/10 - Ảnh 4

Trên thị trường quốc tế, sáng 5/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.720 USD/ounce, tăng 25 USD/ounce so với cuối phiên giao dịch hôm qua. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank (24.030 đồng/USD), giá vàng thế giới khoảng 50,9 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Từ trước tới nay, mỗi khi giá vàng thế giới tăng giá, vàng trong nước lập tức tăng theo và nới rộng chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới lao dốc, vàng trong nước giữ nguyên hoặc giảm nhẹ. Đây là phiên giao dịch hiếm hoi, giá vàng trong nước và thế giới trái chiều nhau.

Thị trường tiền tệ trong nước ngày 4/10 ghi nhận tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.417 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.925 đồng/USD, giữ nguyên so với trước đó.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD tiếp tục tăng. Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 23.720 - 24.030 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.

Trên thị trường tự do, giá USD quanh mức 25.553 – 25.654 đồng/USD.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới