Thứ bảy, 27/04/2024 11:49 (GMT+7)
Thứ năm, 29/09/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/9

Theo dõi KTMT trên

Lại "đánh úp" cuối ngày, VN-Index giảm 5 phiên liên tiếp; 9 tháng, xuất siêu của cả nước ước đạt 6,52 tỷ USD... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 29/9.

Lại "đánh úp" cuối ngày, VN-Index giảm 5 phiên liên tiếp

Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên 29/9 với sự phục hồi đáng kể sau chuỗi lao dốc. Sắc xanh có được trong toàn bộ phiên sáng đến từ thông tin tích cực GDP 9 tháng tăng trưởng đạt 8,83% và là mức tăng cao nhất kể từ 2011 đến nay.

Tuy nhiên, thông tin vĩ mô chỉ níu giữ chỉ số trong phiên sáng và bất ngờ đảo chiều về cuối ngày. Tâm lý bi quan lại một lần nữa xuất hiện khiến chỉ số bị "đánh úp" ngay trước giờ đóng cửa ATC.

VN-Index từ sắc xanh đã đảo chiều rất nhanh chỉ trong khoảng 15 phút trước ATC, áp lực bán bất ngờ xuất hiện trên hầu hết nhóm ngành quan trọng nhiều khiến cổ phiếu thậm chí rơi về giá kịch sàn.

Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên rơi thêm 17,55 điểm (-1,53%) về 1.126,07 điểm. Đây đã là phiên giảm thứ 5 liên tiếp với tổng mức giảm hơn 115,6 điểm (gần -7,3%).

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/9 - Ảnh 1
Lại "đánh úp" cuối ngày, VN-Index giảm 5 phiên liên tiếp.

Diễn biến đảo chiều tương tự cũng xuất hiện tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index quay ngược giảm 2,94 điểm (-1,17%) còn 249,41 điểm. UPCoM-Index giảm 0,72% về 85,22 điểm.

Gây tác động xấu nhất lên thị trường là VIC của Vingroup khi bị bán mạnh 5% về 54.600 đồng, qua đó làm mất gần 2,8 điểm của thị trường. UBND tỉnh Bình Dương mới có quyết định thu hồi chủ trương cho Vingroup nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 2 dự án tại địa phương.

Nhiều cổ phiếu trụ cột khác cũng chứng kiến áp lực bán mạnh, đáng kể như BCM của Becamex giảm sàn về 84.700 đồng, GVR của Tập đoàn Cao su lao dốc 5,9% xuống 20.900 đồng, cổ phiếu ngân hàng VCB, CTG hay VPB cũng bị bán mạnh.

Cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng không khá khẩm hơn với sắc đỏ áp đảo, thậm chí nhiều mã đã chuyển sang giảm sàn như FCN, DXG, DXS, HDC, CTG, VCG...

Sắc xanh lơ của việc giảm kịch biên độ còn xuất hiện ở cổ phiếu hóa chất như DGC, phân bón DCM và NFC, thủy sản có IDI, ANV và CMX, năng lượng có NT2 và VSH, thực phẩm là PAN...

Điểm sáng thị trường các phiên vừa qua vẫn đến từ một số cái tên quen thuộc mang tính riêng lẻ. Trong đó EIB của Eximbank tiếp tục đi ngược ngành ngân hàng với mức tăng đột biến 5% lên 36.750 đồng.

Cổ phiếu ngành khí GAS giữ được sắc xanh với mức hồi phục 1% lên 105.000 đồng. Các mã trụ khác cũng duy trì sắc xanh trong phiên là VNM của Vinamilk, REE, NVL của Novaland hay PDR của Phát Đạt...

Do bị bán tháo bất ngờ về cuối phiên nên sắc đỏ cũng dần đậm hơn trên thị trường. Toàn sàn có 604 mã giảm giá, cao gần gấp đôi so với 316 mã tăng giá và còn 180 mã đi ngang trong sắc vàng.

Thanh khoản thị trường đang ở mức rất thấp bỗng được đẩy mạnh về cuối ngày với tổng mức giao dịch trên các sàn đạt 12.925 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE giảm mạnh 15% so với hôm qua về 9.160 tỷ đồng.

Dòng tiền từ khối tự doanh vẫn tiêu cực với mức bán ròng gần 120 tỷ đồng và khối ngoại cũng bán ròng gần 159 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã trong danh sách bị xả nhiều là PHS, STB, KDH.

9 tháng, xuất siêu của cả nước ước đạt 6,52 tỷ USD

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong 9 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%.

Ở chiều ngược lại, 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/9 - Ảnh 2
9 tháng, xuất siêu của cả nước ước đạt 6,52 tỷ USD.

Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).

Trong 9 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

Trong 9 tháng năm 2022 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,6%, giảm 1,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,2%, tăng 1,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 10 triệu USD, (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,6 tỷ USD, tăng 20,8%; nhập siêu từ ASEAN 9,3 tỷ USD, giảm 1,6%.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, những tháng cuối năm sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng…chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt, việc tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Giá vàng châu Á giảm hơn 1% trong phiên 29/9

Chiều phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,1%, xuống 1.641,10 USD/ounce, sau khi tăng khoảng 2% trong phiên trước đó, ghi nhận mức tăng theo ngày mạnh nhất kể từ tháng 3/2022. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm hơn 1%, xuống 1.625,50 USD/ounce.

Michael Langford, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide (Mỹ), cho biết: “Đồng USD mạnh trở lại đang gây áp lực lên giá vàng và các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh. Thị trường đang tìm kiếm sự chắc chắn và ổn định nhưng dường như nguồn cung đang thiếu hụt”.

Phiên này, chỉ số đồng USD đã leo trở lại mức cao nhất trong 20 năm đã được xác lập gần đây, được thúc đẩy bởi áp lực mới đối với đồng bảng Anh và xu hướng mua vào các tài sản trú ẩn an toàn do lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/9 - Ảnh 3

Theo truyền thống, vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và bất ổn kinh tế, tuy nhiên, giá vàng đã giảm 20% kể từ khi tăng trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce vào tháng Ba năm nay, do việc Mỹ tăng lãi suất nhanh chóng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại không sinh lời này.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đang đứng ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, tạo thêm áp lực đi xuống cho giá vàng và khiến kim loại quý này hướng tới tháng giảm thứ sáu liên tiếp.

Jigar Trivedi, nhà phân tích hàng hóa và tiền tệ cao cấp tại Reliance Securities có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), cho biết: “Nhu cầu đầu tư vào vàng đã giảm. Nếu mức hỗ trợ 1.620 USD/ounce bị phá vỡ vào tuần tới, giá vàng có thể tiến về mức hỗ trợ 1.580 USD/ounce”.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta Raphael Bostic dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tháng 11 và 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 tới.

Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay hạ 1,8%, xuống 18,55 USD/ounce. Giá bạch kim cũng mất 2%, xuống 845,85 USD/ounce. Còn giá palladium lại tăng 0,2%, lên 2.159,35 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào cuối phiên 29/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 64,50 – 65,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Đồng nhân dân tệ bị trượt giá mạnh

Đồng nhân dân đã tệ giảm xuống ngưỡng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 so với đồng USD trong bối cảnh đồng bạc xanh đang tăng giá mạnh do những lo ngại FED sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất và các giải pháp hỗ trợ đồng tiền nội địa của ngân hàng trung ương Trung Quốc chưa thật sự phát huy tác dụng.

Cụ thể, tỷ giá đồng nhân dân tệ trên thị trường trong nước có lúc giảm 0,2% xuống 7,1955 CNY đổi 1 USD, mức thấp nhất 18 năm qua. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, hiện 1 USD đổi được 7,2 CNY, cũng chạm mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, sau đó tỷ giá đồng tiền này đã tăng nhẹ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, ổn định thị trường ngoại hối là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng này và nhắc lại rằng đồng nhân dân tệ về cơ bản vẫn ổn định.

Tính từ đầu tháng 9, giá trị đồng nhân dân tệ giảm hơn 4% so với đồng USD, hướng tới năm giảm giá sâu nhất kể từ năm 1994. Tính từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất giá tới 12% mặc dù được coi là khá bền vững so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.

Đồng tiền này chịu áp lực lớn khi quan điểm chính sách giữa hai ngân hàng trung ương có sự khác biệt lớn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất từ đầu năm nhằm sớm đạt được mục tiêu ổn định giá cả. Ngược lại, Bắc Kinh duy trì quan điểm thận trọng trước rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế do khủng hoảng thị trường bất động sản và dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đẩy mạnh một số giải pháp nhằm hỗ trợ đồng nhân dân tệ nhưng không mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Cơ quan này ấn định giá đồng nhân dân tệ cao hơn so với dự báo của Bloomberg trong 25 phiên giao dịch liên tiếp. Đầu tuần trước, cơ quan này ấn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc phòng ngừa rủi ro đối với các ngân hàng ở ngưỡng 20%. Trước đó, PBoC giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ lại là được nhận xét là phù hợp với các đồng tiền khác. Nhà giao dịch ngoại hối cho biết: “Các đồng tiền không phải đô-la đều “sụp đổ” trong các giao dịch gần đây và đồng nhân dân tệ không phải ngoại lệ”.

Không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia khác trong khu vực cũng đang tìm cách hạn chế tình trạng đồng tiền nội địa trượt giá so với đồng USD, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Một số ngân hàng trung ương có thể sớm kích hoạt “phòng tuyến số 2” ví dụ như các công cụ tài khoản vốn và chính sách an toàn kinh tế vĩ mô, theo Nomura Holdings.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới