Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/7
Giá xăng nhập vừa đột ngột tăng lên 29.000 đồng/lít; Vàng SJC tăng 700.000 đồng/lượng trong ngày... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 29/7.
Giá xăng nhập vừa đột ngột tăng lên 29.000 đồng/lít
Theo Bộ Công thương, phiên giao dịch hôm nay (29-7), giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng mạnh từ 107 USD lên 117 USD/thùng. Mức giá trên tương đương với ngày 13-7, khi đó giá xăng trong nước đang ở mức 29.675 đồng/lít.
Hôm nay, giá dầu thô toàn cầu cũng quay đầu tăng trở lại. Theo đó, giá dầu WTI tăng 1,1% giá trị lên 97 USD/thùng, còn dầu Brent đã tăng thêm 5% so với tuần trước lên 107 USD/thùng.
Trả lời Hãng tin CNBC, ông Tina Teng, chuyên gia phân tích CMC Markets cho biết, giá dầu tăng trở lại do nguồn cung vẫn hết sức căng thẳng.
Hiện cả thị trường đang lo lắng theo dõi cuộc họp đầu tháng 8 giữa OPEC và Nga. Đây là cuộc họp quyết định nguồn cung dầu ra thế giới. Có khả năng các bên sẽ giữ nguyên sản lượng như trước.
Các chuyên gia phân tích Ngân hàng ANZ Research đánh giá, OPEC + sẽ rất khó để thúc đẩy nguồn cung do nhiều nhà sản xuất đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất do thiếu đầu tư vào các mỏ dầu.
Vàng SJC tăng 700.000 đồng/lượng trong ngày
Ghi nhận giá vàng SJC tại TPHCM vào khoảng 16 giờ, Công ty SJC báo giá ở mức 65,7 triệu đồng/lượng mua vào và 66,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng cả 2 chiều mua và bán. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Công ty PNJ cũng tăng giá vàng SJC tăng 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều lên 65,6 triệu đồng/lượng mua vào và 66,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng chốt phiên tại thị trường New York đêm ngày 28-7 tăng 22 USD/ounce lên 1.757,8 USD/ounce. Đến chiều ngày 29-7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco tăng thêm gần 5 USD/ounce so với giá chốt phiên tại New York, đang giao dịch ở mức 1.763,1 USD/ounce. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương 49,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 16,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh do đồng USD giảm giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng bạc xanh lên thêm 0,75% - mức tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay đã hỗ trợ cho giá vàng. Cùng với đó, Bộ thương mại Mỹ vừa đưa ra báo cáo GDP quý 2 của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã giảm 1,6% trong quý 1-2021. Kết quả này cho thấy mối lo suy thoái kinh tế Mỹ bị đẩy cao, dẫn đến khả năng Fed sẽ giãn tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, thậm chí có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2023. Đây cũng là lý do khiến đồng USD giảm mạnh. Chỉ trong tuần này, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 1,6% nhờ Dollar Index giảm hơn 0,6%.
Gần 90.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng
Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm nhẹ (0,7%) so với tháng 6/2022.
Cụ thể, trong tháng 7, cả nước có gần 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 123,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 106,2 nghìn lao động, giảm 0,7% về số doanh nghiệp, tăng 2,4% về vốn đăng ký và tăng 37,6% về số lao động so với tháng 6/2022. So với cùng kỳ năm trước, tăng 50,7% về số doanh nghiệp, tăng 1% về số vốn đăng ký và tăng 49% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,4 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 2,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 89,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.006,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 621 nghìn lao động, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, giảm 5,6% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 2.329,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 31,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 là 3.335,8 nghìn tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, còn có 44,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 lên 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 1.239 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; gần 22,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 9,3%; 65,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 21,7%.
Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 7, có 5.285 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.416 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,2% và tăng 12,3%; có 1.767 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,7% và tăng 22,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 56 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; 28,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,6%; gần 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9%. Bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xuất siêu sang EU 7 tháng lập kỷ lục với 18,7 tỷ USD
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng qua, trong đó, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao sang Mỹ, EU, Hàn Quốc.
Riêng EU, nhờ Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-EU (EVFTA), xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng hơn 20%, xuất siêu 18,7 tỷ USD tăng 41,5% so với cùng kỳ 2021.
Cụ thể, số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,63 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 55,79 tỷ USD), trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%.
7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 29,93 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 56,99 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 159,36 tỷ USD, tăng 15,7%, chiếm 73,7%.
Cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,5%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,06 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,53 tỷ USD, tăng 13,7%.
Hết 7 tháng, đã có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,8%).
Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,83 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường lớn tăng trưởng mạnh. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỷ USD. Riêng xuất siêu sang EU ước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, nhập siêu từ 2 thị trường vẫn tăng mạnh, gồm: Trung Quốc 42,2 tỷ USD, tăng 21,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 23,5 tỷ USD, tăng 30,3%. 2 thị trường có mức nhập siêu giảm là ASEAN 7,9 tỷ USD, giảm 8,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 769 triệu USD, giảm 13,9%.
Hà Lan