Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/7
Nhu cầu tiêu dùng vàng của Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ; Hà Nội có 17.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 28/7.
Nhu cầu tiêu dùng vàng của Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ
Theo WGC, mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý 2/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý 2/2021 lên 4,5 tấn trong quý 2/2022.
Trong khi đó, nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) trong quý 2/2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 948 tấn. Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF (quỹ hoán đổi danh mục) mạnh mẽ trong quý 1, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021 ở mức 2.189 tấn.
Nhìn vào toàn cảnh nhu cầu thế giới, sau đợt phục hồi ban đầu vào tháng 4 về rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát gia tăng, giá vàng đã sụt giảm trong quý 2/2022 khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung sang lãi suất tăng nhanh và đồng đô la Mỹ gia tăng mạnh mẽ.
Giá vàng giảm 6% trong quý đã tác động đến các quỹ ETF vàng, chứng kiến dòng vốn ra 39 tấn trong quý 2/2022. Dòng vốn vào ròng trong nửa đầu năm lên tới 234 tấn, so với dòng vốn ra 127 tấn trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, mức sụt giảm trong quý 2 có thể tạo nên bầu không khí ảm đạm hơn cho các quỹ ETF vào nửa cuối năm, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và lãi suất tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng duy trì tình trạng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 245 tấn trong quý 2/2022. Nhu cầu tăng mạnh đáng chú ý tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng dịch COVID-19. Do đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng toàn cầu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 526 tấn trong nửa đầu năm.
Báo cáo của WGC cũng cho thấy, các ngân hàng Trung ương cũng đã mua ròng vàng trong quý 2/2022, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Theo đó, đạt 270 tấn trong nửa đầu năm, trong đó 25% số người được hỏi cho biết họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo.
Hà Nội có 17.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có 17.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, vốn đăng ký đạt trên 196.000 tỷ đồng, giảm 4%; thực hiện thủ tục giải thể cho 2.200 doanh nghiệp, tăng 10%; 12.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 47%; 7.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Về số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 7 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,8%; khu vực Nhà nước giảm 12,7%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 0,5%.
Một số ngành công nghiệp có lao động làm việc tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 20,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 7,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; hoạt động thu gom, xử lý rác thải, tái chế phế liệu tăng 92,7%.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Thành phố, thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành phố về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó một trong những nhiệm vụ ưu tiên là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố, thúc đẩy liên kết, hợp tác; tổ chức tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2022.
Ngoài ra, xác định việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Theo đó, những tháng cuối năm, cùng với tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
UBND thành phố Hà Nội giao giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố; các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công...
Meta và nhiều công ty lao đao do nền kinh tế suy yếu
Meta giảm hơn 3% sau khi chủ sở hữu của Facebook công bố doanh thu hàng quý giảm lần đầu tiên và đưa ra dự báo ảm đạm, lặp lại cảnh báo tuần trước của đối thủ Snap.
Công ty Qualcomm đã giảm hơn 2% sau khi đưa ra dự báo doanh thu quý 4 của năm tài chính này, ngược lại so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Nhà sản xuất chip di động này đang phải đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn và nhu cầu điện thoại thông minh suy giảm.
ServiceNow giảm 6% sau khi nhà bán phần mềm kinh doanh này cắt giảm dự báo về doanh thu hội phí, đổ lỗi cho đồng USD mạnh. Phần mềm đám mây Salesforce mất hơn 2% sau báo cáo của ServiceNow.
Hàng loạt báo cáo hàng quý cuối ngày thứ Tư được đưa ra sau khi Nasdaq tăng 4% và công bố lợi tức tính theo phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Hầu hết lợi tức Nasdaq đến sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, như dự kiến. Một số nhà đầu tư coi bình luận của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, là tín hiệu báo hiệu cuộc đấu tranh của Fed nhằm chế ngự lạm phát cả thập kỷ có thể được hoàn thành vào cuối năm.
Dữ liệu công bố vào thứ Năm sẽ cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ được mở rộng hoặc thu hẹp bao nhiêu - trong quý tháng Sáu.
Cũng sau tiếng chuông này, công ty Best Buy đã giảm 2% sau khi nhà bán lẻ điện tử cảnh báo về sự sụt giảm sâu hơn dự kiến trong doanh thu hàng năm, cho thấy rằng người tiêu dùng đang cảm thấy áp lực việc lạm phát và lãi suất cao hơn, đồng thời hạn chế chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu như máy tính và TV.
Teladoc Health, tổ chức lớn thứ năm trong quỹ hoán đổi danh mục Ark của nhà đầu tư Cathie Wood, đã giảm 20% sau khi công ty chăm sóc sức khỏe điện tử này báo cáo khoản lỗ hàng quý là 3,1 tỷ USD, trong khi khoản lỗ này là 133 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á mất 50% tài sản do khủng hoảng bất động sản
Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg công bố ngày 28/7, tỷ phú Yang Huiyan - người phụ nữ giàu nhất châu Á - đã mất hơn 50% tài sản, khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc rung chuyển do vấn đề thanh khoản.
Giá trị tài sản ròng của bà Yang Huiyan - cổ đông lớn của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Country Garden (có trụ sở ở Quảng Đông) - đã sụt giảm hơn 52%, từ mức 23,7 tỷ USD cách đây một năm xuống chỉ còn 11,3 tỷ USD.
Diễn biến trên xảy ra trong phiên giao dịch ngày 27/7, trong bối cảnh giá cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) của Country Garden giảm 15%, sau khi tập đoàn này thông báo sẽ bán cổ phiếu mới để huy động tiền mặt.
Bà Yang Huiyan thừa kế tài sản từ cha đẻ - người sáng lập Country Garden - vào năm 2005. Hai năm sau đó, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á, khi tập đoàn này này tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong (Trung Quốc).
Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng bà Yang Huiyan khó có thể giữ được danh hiệu này trong thời gian tới, khi "bà trùm" Fan Hongwei - Chủ tịch tập đoàn sản xuất sợi hóa học Hengli Petrochemical - đang theo sát với giá trị tài sản ròng 11,2 tỷ USD.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ khi chính phủ bắt đầu siết lại tình trạng nợ quá mức và đầu cơ tràn lan trong năm 2020, với những “gã khổng lồ” như Evergrande và Sunac vật lộn để thanh toán và thương lượng lại với các chủ nợ.
Theo thống kê, số lượng người mua nhà tạm dừng thanh toán thế chấp gia tăng giữa bối cảnh nhiều người mua nhà phàn nàn về sự chậm trễ trong việc xây dựng những căn nhà họ đã trả tiền.
Mặc dù Country Garden không chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hỗn loạn trong ngành, song tập đoàn này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại khi thông báo về kế hoạch huy động hơn 343 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu và sẽ dành một phần số tiền huy động được để trả nợ.
Trong một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hong Kong, Country Garden cho biết tiền thu được từ việc bán cổ phiếu sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài hiện có, vốn lưu động và các mục đích phát triển trong tương lai.
Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã kêu gọi các tổ chức cho vay hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của các công ty khi các nhà phân tích và hoạch định chính sách vẫn lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với lĩnh vực tài chính.
Lĩnh vực bất động sản ước tính đóng góp 8-30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc và vẫn là một trong những động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích cảnh báo lĩnh vực bất động sản đang sa lầy vào một "vòng luẩn quẩn" có thể làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, sau khi công bố những số liệu ảm đạm trong quý 2, quý tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Hà Lan