Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/5
Giảm lãi suất cho vay 2%/năm; Doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 27/5/2022.
Doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và các nghiên cứu của Fitch, chi tiêu thực tế của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là cải thiện đáng chú ý so mức tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ ước tính cho năm 2021, khi các tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19 tiếp tục đè nặng lên nhu cầu trong nước. Khi nền kinh tế phục hồi trên diện rộng, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2022 sẽ cao hơn. Chi tiêu thực tế của hộ gia đình trong năm nay dự báo ở mức khoảng 121,3 tỷ USD, cao hơn 8,3% so với mức 112,1 tỷ USD năm 2019.
Số liệu mới nhất về doanh số bán lẻ danh nghĩa cho thấy sự tiếp tục của quỹ đạo phục hồi trước đó. Trong bốn tháng đầu năm 2022, doanh số bán lẻ đạt mức tăng trưởng trung bình 6,5% so cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trưởng của tháng 4 là 12,1% so với cùng kỳ. Từ tháng 1 đến tháng 4/2022, tăng trưởng tiếp tục rõ ràng do các tác động của hiệu ứng cơ sở thấp kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 cho thấy rằng doanh số bán lẻ đang có mức tăng trưởng thật sự. Theo các chuyên gia, khi mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và động lực của hoạt động kinh tế tăng lên, xu hướng này sẽ tiếp tục, hỗ trợ sự phục hồi rộng rãi hơn trong chi tiêu hộ gia đình.
Fitch dự báo tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng thực tế ở Việt Nam vào năm 2022 phù hợp tốc độ tăng trưởng thực là 6,8% của nền kinh tế trong nước so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 2,6% vào năm 2021. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế sẽ là sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng, cũng như tăng trưởng xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp ổn định trong năm, ở mức 2,3% lực lượng lao động, trong khi lạm phát dự kiến sẽ tăng cao hơn, đạt mức trung bình 3,7% trong năm.
Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại vào năm 2021, người tiêu dùng bắt đầu có nhu cầu với những sản phẩm mà họ ít được tiếp cận hơn so với trước đó. Tuy nhiên, thời điểm này các nhà sản xuất phải đối mặt một số vấn đề như tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây nên tình trạng thiếu hụt hàng tiêu dùng, dẫn đến lạm phát do nguồn cung. Kể từ đầu năm 2021, áp lực lạm phát đã gia tăng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, do tác động của hiệu ứng cơ sở, giá hàng hóa cao hơn và những thách thức trong chuỗi cung ứng đã tạo ra tình trạng thiếu hụt cục bộ. Xung đột Ukraine - Nga cũng tác động đáng kể đến giá cả của các mặt hàng chủ chốt trên toàn cầu, như dầu khí, phân bón, lúa mì, ngô và lúa mạch...
Ngoài ra, tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022, gây áp lực lên nguồn cung một số mặt hàng tiêu dùng. Các biến thể Covid-19 mới dễ lây lan hơn có thể gây ra tình trạng đóng cửa các nhà máy sản xuất trên toàn thế giới. Điều này sẽ trở thành một vấn đề khi có bộ phận chuỗi cung ứng mở ra nhưng nơi khác lại bị đóng lại do hạn chế từ dịch bệnh, đặc biệt là ở khu vực Đông Á.
Các nhà sản xuất cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiều thành phần quan trọng để làm ra sản phẩm và chi phí nguyên liệu thô cao hơn, khiến giá tiêu dùng cao hơn và tình trạng này dự kiến còn tiếp tục kéo dài. Lạm phát giá tiêu dùng tăng là một rủi ro chính đối với chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2022, vì nó có khả năng làm xói mòn sức mua và chuyển chi tiêu ra khỏi chi tiêu tùy nghi.
Vào tháng 4/2022, lạm phát trong nước đang tăng nhanh, đạt mức cao nhất trong tám tháng là 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng, dự báo đến cuối năm là 3,7%. Theo dự đoán của Fitch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất trong năm 2022, lên 4,25% vào cuối năm. Kể từ năm 2021, Việt Nam đã tăng nhập khẩu lúa mì từ Ấn Độ, còn Indonesia là thị trường nhập khẩu dầu cọ lớn thứ hai của nước ta. Vì thế, các lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ và lúa mì gần đây của Indonesia và Ấn Độ sẽ có tác động đến lạm phát lương thực và sẽ gây rủi ro cho triển vọng chi tiêu tiêu dùng.
Giảm lãi suất cho vay 2%/năm
Theo Thông tư mới, các ngân hàng thương mại sẽ phải xác định trước và đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất trong 2 năm 2022 - 2023 theo tỷ trọng dư nợ cho vay. Ngoài ra, các nhà băng cũng phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất chi tiết cho từng năm theo Nghị định số 31/2022.
Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đăng ký của các ngân hàng thương mại trong 2 năm 2022 và 2023 nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký trước đó.
Trong trường hợp nếu tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký của các ngân hàng lớn hơn 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại.
Trong đó, hạn mức Ngân hàng Nhà nước xác định sẽ bằng tích số giữa 40.000 tỷ đồng và tỷ trọng dư nợ cho vay đến 31/12/2021 của từng ngân hàng thương mại trên tổng dư nợ cho vay của các nhà băng có đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, hạn mức này sẽ không vượt quá số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của từng ngân hàng.
Dựa vào kết quả xác định hạn mức trong 2 năm kể trên, Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 đối với từng ngân hàng bằng số tiền hỗ trợ lãi suất các nhà băng đã đăng ký trước đó. Còn lại, hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 sẽ là phần dư còn lại sau khi đã trừ hạn mức xác định năm 2022.
Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đến quý III/2023, trong trường họp cần thiết, căn cứ báo cáo của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, điều chỉnh hạn mức hỗ trợ lãi suất giữa các ngân hàng.
Về phương thức hỗ trợ lãi suất, Thông tư mới quy định đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong các phương thức.
Thứ nhất, giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất.
Hai là, thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi. Trường hợp việc thu lãi vay trong kỳ thực hiện sau giờ làm việc của ngân hàng thương mại thì việc hoàn trả số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất có thể thực hiện vào ngày tiếp theo.
Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong phát triển kinh tế số
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch TP. Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… Đồng thời, quy hoạch thành phố phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050 là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Trong định hướng phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh phải đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á vào năm 2045.
Đồng thời, thành phố phải tập trung xử lý những vấn đề trước mắt trong 5 đến 10 năm tới, bao gồm: ùn tắc giao thông, ngập úng do thủy triều và mưa, ô nhiễm môi trường ở các kênh rạch, các khu dân cư có điều kiện sống thấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Quyết định cũng nêu rõ thành phố làm rõ được vai trò, vị trí trung tâm kinh tế của thành phố đối với cả nước, vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng của cả nước; thực trạng sắp xếp, tổ chức các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố; so sánh kinh tế thành phố với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Làm rõ vị trí vai trò trung tâm của thành phố về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp của khoa học, công nghệ vào phát triển thành phố và khu vực; thực trạng phát triển tiềm lực về khoa học, công nghệ...
Chính phủ cũng yêu cầu trong quy hoạch cần định hướng phát triển các ngành quan trọng. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh; phát triển các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chuyển từ hoạt động gia công, lắp ráp sang chế tạo; phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành; chuyển đổi các khu chế xuất và công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu chế xuất và công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đối với ngành dịch vụ-thương mại, phải thể hiện rõ vai trò trung tâm bán buôn, đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm mua sắm của cả nước và quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại, kinh doanh trực tuyến.
Lực cầu bền vững, VN-Index có 2 tuần tăng trọn vẹn
Một thoáng xả hàng kéo dài khoảng 20 phút sau 2h chiều khiến thị trường có nguy cơ kết tuần kém vui. Rất may các cổ phiếu trụ kịp thời lên tiếng, đẩy VN-Index đóng cửa cao sát đỉnh của phiên, tăng 1,33% tương đương 16,88 điểm.
Như vậy VN-Index đã có trọn 2 tuần thoát đáy. Biên độ tăng tối đa kể từ đáy thấp nhất hôm 17/5 đến nay khoảng 129 điểm.
Đà tăng gần như liên tục cũng giúp nhiều cổ phiếu có lợi nhuận ngắn hạn rất tốt. Tuy vậy thị trường lại không chứng kiến nhu cầu xả hàng lớn nào. Hầu hết cổ phiếu chỉ điều chỉnh trong ngày và theo chiều hướng tăng.
Chiều nay thị trường cũng tiếp tục mạnh thêm nhờ biên độ lớn hơn của các cổ phiếu blue-chips. Cuối phiên sáng nhiều trụ lớn còn yếu hoặc tăng không đáng kể như VIC, VHM, HPG, VCB, BID... Sang chiều tuy không phải tất cả cùng mạnh, nhưng số lớn mã có cải thiện. So với giá cuối phiên sáng, VN30 lúc đóng cửa có 22 mã chốt cao hơn, chỉ 5 mã tụt giá với duy nhất STB tụt giá xuống dưới tham chiếu.
Loạt trụ lớn góp phần quan trọng đẩy VN-Index lên đỉnh mới chiều nay là VCB tăng thêm 1,3% so với giá cuối phiên sáng, đóng cửa tăng 0,91%, tức là đảo chiều thành công từ giảm sang tăng. VHM tăng thêm 1,16%, chốt tăng 1,46%. GAS tăng thêm 1,1%, chốt tăng 2,23%. BID, HPG, SAB cũng thoát tham chiếu và tăng tốt.
VN30-Index đóng cửa tăng 2% với 29 mã tăng/1 mã giảm. Duy nhất STB giảm 0,67% còn phía tăng có PNJ kịch trần. Các mã tăng xuất sắc nhất của rổ vẫn là nhóm vốn hóa trung bình: Ngoài PNJ, có FPT tăng 5,87%, MWG tăng 5,54%, ACB tăng 4,78%. Dù vậy các cổ phiếu này không phải là động lực để đỡ VN-Index chốt phiên mức cao nhất. Chính các trụ “dự bị” phiên sáng như VCB, VIC, VHM đã thay đổi cuộc chơi.
Diễn biến đáng chú ý nhất phiên chiều là nhịp bán khá mạnh từ khoảng 2h05 đến 2h25. Tuy chỉ có 20 phút nhương VN-Index bị đánh tụt gần 9 điểm. Điểm tích cực chính là cổ phiếu chỉ lùi giá trong xu hướng tăng, độ rộng vẫn cực tốt thời điểm đó với số mã tăng 264 và 173 mã giảm. Những phút cuối chỉ số được hỗ trợ từ các trụ, bật trở lại mạnh mẽ và độ rộng cuối ngày ghi nhận 308 mã tăng/129 mã giảm.
Thanh khoản buổi chiều khá cao, hai sàn niêm yết khớp được 8.142 tỷ đồng, gần bằng phiên sáng. Riêng HoSE giao dịch chỉ thấp hơn khoảng 4,3% phiên sáng. Đặc biệt, rổ VN30 lại tăng thanh khoản, đạt 3.031 tỷ đồng, cao hơn phiên sáng 15%. Dòng tiền đã chảy mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu blue-chips và là nguyên nhân dẫn đến trạng thái cải thiện giá ở nhóm VN30 như vừa đề cập phía trên.
Khối ngoại cũng là một lực đỡ khá tích cực trong phiên chiều. Riêng chiều nay vốn ngoại giải ngân thêm xấp xỉ 730 tỷ đồng, cao hơn buổi sáng. Mức ròng cả ngày ghi nhận tăng lên 124 tỷ đồng, trong khi chứng chỉ quỹ FUEVFVND chỉ được mua ròng thêm hơn 10 tỷ đồng, trong khi tổng mức ròng tăng thêm hơn 100 tỷ đồng. Như vậy khối này đã quay lại mua ròng mạnh hơn ở cổ phiếu, trong khi buổi sáng là bán ròng nhóm này. VNM, VHM được mua ròng lớn nhất tương ứng 56,8 tỷ và 54,8 tỷ, Nhóm FRT, HPG, VCB được mua ròng trên 30 tỷ đồng.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên cuối tuần tăng 15% so với hôm qua, đạt gần 16.705 tỷ đồng. Sau phiên ngập ngừng bị chốt lời hôm qua với thanh khoản thấp, hôm nay thanh khoản tăng cả sáng lẫn chiều. Đây có thể là dấu hiệu nhà đầu tư đã trở nên tự tin hơn, sau khi không nhìn thấy áp lực chốt lời ngắn hạn gây sức ép nhiều.
Hà Lan