Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 26/12
Năm 2022, EVNGENCO2 nộp thuế hơn 2.800 tỷ đồng; Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên đầu tuần..là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 26/12.
Năm 2022, EVNGENCO2 nộp thuế hơn 2.800 tỷ đồng
Ngày 26/12, Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị do ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Trần Phú Thái – Chủ tịch HĐQT, ông Trương Hoàng Vũ – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc EVNGENCO2 đồng chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc EVNGENCO2 cho biết: Năm 2022, Tổng công ty Phát điện 2 tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp; hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn đang phục hồi sau đại dịch bệnh covid-19; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao... Tuy nhiên, với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, EVNGENCO2 đã hoàn thành đạt và vượt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tổng sản lượng điện sản xuất của toàn Tổng công ty trong năm 2022 ước thực hiện được hơn 16,2 tỷ kWh, đạt 102% kế hoạch năm 2022, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng điện sản xuất của EVN; chiếm 6% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Riêng Công ty mẹ và công ty con 100% vốn có sản lượng thực hiện được hơn 3,4 tỷ triệu kWh.
Bên cạnh đó, trong năm qua, toàn Tổng Công ty đóng góp vào ngân sách nhà nước ước đạt hơn 2.800 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ gần 1.100 tỷ đồng. Nhiều đơn vị thành viên như: Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak,… nhiều năm liền được các địa phương tặng bằng khen là doanh nghiệp tiêu biểu trong phong trào thi đua thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Đồng thời, các hoạt động an sinh xã hội cũng được Tổng công ty đặc biệt quan tâm như: Hỗ trợ giáo dục, xây dựng, sửa chữa 09 trường học; hỗ trợ công tác khắc phục mưa lũ, ngập lụt; hỗ trợ y tế, hỗ trợ phòng chống Covid-19; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng;… với tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, toàn Tổng công ty đã hưởng ứng nhiệt tình Chương trình “Tuần lễ hồng” lần thứ VIII do Tập đoàn phát động. Kết quả đóng góp được gần 600 đơn vị máu nhằm lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc “vạn trái tim, một tấm lòng”.
Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên đầu tuần 26/12
Ngày 26/12, các thị trường chứng khoán châu Á đã khởi đầu tuần mới trong sắc xanh, nhờ “lực đẩy” từ Phố Wall trong tuần trước, dù cho tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65% lên 26.405,87 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.065,56 điểm. Chứng khoán Mumbai và Seoul cũng tăng nhẹ. Trong khi đó, một số thị trường vẫn đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới trong đó có Hong Kong, Sydney và Singapore.
Số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc đang là yếu tố chính gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của đại dịch đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã bị hạn chế sau khi Cơ quan Y tế Quốc gia nước này ngày 25/12 thông báo sẽ ngừng thông báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày.
Các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng trong phiên ngày 26/12 và hạn chế mua vào cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Trong tuần trước, một loạt dữ liệu mới cho thấy lạm phát của Mỹ đang chậm lại, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn cảnh giác, dự đoán mức tăng trưởng chung chậm chạp trong năm tới.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi sát sao như một thước đo lạm phát, đã tăng 0,1% từ tháng 10 đến tháng 11 và 5,5% so với tháng 11/2021.
Các nhà phân tích cho rằng sự thận trọng sẽ bao trùm thị trường cho đến khi có nhiều dấu hiệu cụ thể hơn cho thấy lạm phát đã được kiểm soát.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management có trụ sở tại Thụy Sỹ, cho hay mặc dù lạm phát có thể đang giảm, song các nhà đầu tư vẫn còn hoài nghi cho đến khi thấy lạm phát giảm tốc rõ rệt và bền vững hơn.
Đồng yen tăng nhẹ so với đồng USD, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cân nhắc tăng lãi suất vào năm 2023 sau khi bất ngờ điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tuần trước.
Thị trường chứng khoán châu Âu và Phố Wall đóng cửa vào ngày 26/12.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 3,44% xuống 985,21 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 3,31% xuống 198,5 điểm.
Cơ hội tiếp cận tài chính xanh
Chương trình có tên gọi là “Thúc đẩy tài chính khí hậu” (CFA). Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo ghi nhận của chương trình CFA, mặc dù dòng vốn dành cho lĩnh vực tài chính khí hậu vẫn có trên thị trường, nhưng việc đảm bảo dòng vốn này chảy vào những dự án cần vốn nhất đang là một thách thức. Chương trình tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ, tiếp cận với các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu quy mô lớn.
Với phương pháp tiếp cận này, CFA đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong Thỏa thuận Paris, giảm phát thải khí nhà kính và đề ra những mục tiêu về khí hậu tham vọng hơn.
Sáng kiến là sự tiếp nối cho những nỗ lực của Vương quốc Anh trong vai trò nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và quá trình đàm phán thiết lập Chương trình Quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được công bố gần đây. Mục tiêu của sáng kiến nhằm huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.
Quá trình triển khai chương trình CFA ở 8 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận được nhiều thành công. Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ lựa chọn 8 - 10 dự án ở giai đoạn tiền khả thi hiện có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Các dự án mong muốn tham gia Chương trình CFA Việt Nam cần hoàn thành hồ sơ đăng ký trực tuyến muộn nhất là ngày 15/1/2023.
Chương trình sẽ chọn các dự án thuộc những lĩnh vực: năng lượng tái tạo; hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; phương tiện giao thông điện; cấp nước; xử lý nước thải; quản lý chất thải; sản xuất năng lượng từ rác thải; sản xuất phát thải các-bon thấp, nông nghiệp xanh; phi các-bon hóa trong lĩnh vực xây dựng - những lĩnh vực có thể giúp Việt Nam đạt được các cam kết về khí hậu.
Các dự án tham gia chương trình sẽ được các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, hỗ trợ nâng cao năng lực để hiểu biết thêm và vượt qua các rào cản thu hút đầu tư. Ngoài ra, chương trình sẽ phối hợp với các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam để chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, thúc đẩy xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động tài chính khí hậu tại Việt Nam.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động thực hiện các hành động vì môi trường và xã hội. CFA là cơ hội tốt để các đơn vị tiên phong và đổi mới trong lĩnh vực khí hậu tại Việt Nam được gặp gỡ và học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội đến từ Vương quốc Anh.
Chương trình đã và đang được triển khai tại 8 quốc gia khác, gồm Colombia, Ai Cập, Nigeria, Mexico, Pakistan, Peru, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến nay, chương trình đã hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí 10,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính khí hậu Quốc tế (International Climate Finance - ICF) của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp (BEIS) ,với mục tiêu xây dựng nguồn dự án các-bon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia.
Anh Thư