Thứ tư, 24/04/2024 14:58 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 17:38 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/12

Theo dõi KTMT trên

HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 5,8%; PNJ lãi 1.640 tỷ đồng sau 11 tháng, tăng hơn 96% so với cùng kỳ...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 22/12.

PNJ lãi 1.640 tỷ đồng sau 11 tháng, tăng hơn 96% so với cùng kỳ

Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 11 tháng với doanh thu thuần đạt 31.063 tỷ đồng (tăng 85,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.640 tỷ đồng (tăng 96,1% so với cùng kỳ).

Được biết năm 2022, PNJ đặt mục tiêu 25.835 tỷ đồng doanh thu và 1.320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 11 tháng, công ty đã vượt 20,2% chỉ tiêu doanh thu và 24,2% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính riêng tháng 11, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.529 tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ).

Theo PNJ, trong tháng này, mặc dù bối cảnh sức mua chung của các ngành bán lẻ có dấu hiệu chậm lại, công ty vẫn tiếp tục duy trì, nỗ lực tối ưu doanh thu và lợi nhuận với các chương trình đặc biệt cho mùa Giáng sinh và Tết.

Đại diện PNJ cho biết, tình hình kinh doanh của công ty có sự tăng trưởng đồng đều ở từng kênh. Doanh thu bán lẻ lũy kế 11 tháng tăng 92,3% so với cùng kỳ nhờ vào hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ hiệu quả, cùng với các chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng phù hợp với bối cảnh thị trường và khách hàng mục tiêu.

Bên cạnh đó, doanh thu kênh sỉ cũng có mức tăng trưởng ấn tượng với lũy kế 11 tháng tăng 71,6% so với cùng kỳ nhờ phát triển tập khách hàng sỉ hiệu quả và chiến lược hàng hóa phù hợp nhu cầu thị trường.

Doanh thu vàng 24K tăng 84,8% so với cùng kỳ do sự thay đổi xu hướng đầu tư và nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô và địa chính trị còn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp trung bình lũy kế 11 tháng đạt 17,4% so với mức 18,4% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán và sự ảnh hưởng của lạm phát.

Tổng chi phí hoạt động lũy kế 11 tháng tăng 64% so với cùng kỳ, tỷ lệ Chi phí hoạt động/Lợi nhuận gộp đạt 58,4% giảm so với mức 62,5% cùng kỳ 2021 nhờ những nỗ lực tối ưu hóa vận hành.

Tính đến cuối tháng 11/2022, hệ thống PNJ có 362 cửa hàng độc lập. Trong đó, mở mới 28 cửa hàng và nâng cấp 30 cửa hàng PNJ Gold, mở mới 3 cửa hàng Style by PNJ, mở mới 2 cửa hàng PNJ Watch.

Được biết ngày 30/12 tới, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, PNJ dự kiến phát hành hơn 82 triệu cổ phiếu phổ thông, tỷ lệ 3:1, tương ứng tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền, cổ đông sở hữu 03 cổ phiếu được nhận 01 cổ phiếu mới.

Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 820 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn và lợi nhuận để lại tại thời điểm ngày 31/12/2021 theo báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán của công ty.

Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2022 và quý I/2023, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Sau khi phát hành hoàn tất, doanh nghiệp sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 2.276 tỷ đồng lên 3.096 tỷ đồng.

Thu ngân sách năm 2022 đạt 1,6 triệu tỉ đồng, vượt 20% dự toán

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, với gần 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Cơ quan thuế cũng đã triển khai ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động eTax – Mobile qua đó kết nối giữa các ngân hàng thương mại và hệ thống kho bạc nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Đáng chú ý, cơ quan thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ tháng 3/2022.

Bộ Tài chính cho biết, hiện có 42 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai nộp thuế qua cổng thông tin này, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỉ đồng. Trong đó, có nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như: Apple, Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Netflix…

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/12 - Ảnh 1
Thu ngân sách năm 2022 đạt 1,6 triệu tỉ đồng, vượt 20% dự toán.

Cùng với đó, cơ quan này cũng thực hiện công tác chống thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các hoạt động trên đã góp phần giúp công tác thu ngân sách nhà nước về đích sớm ngay từ tháng 10/2022.

Tính đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách nhà nước đã đạt 1.691,8 nghìn tỉ đồng, vượt 19,8% dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách đã tạo tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt công tác thu, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng cường thu nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu thu đạt mức cao hơn.

HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 5,8%

“Với những thuận lợi nhờ mở cửa trở lại vẫn còn, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 lên 8,1% (dự báo cũ là 7,6%). Tuy nhiên, những thách thức nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2023, đặc biệt sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại nhạt dần đi và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng dù chậm trễ. Vì vậy, chúng tôi dự báo tăng trưởng năm 2023 sẽ chậm lại ở mức 5,8% (dự báo cũ là 6%)”, HSBC nhận định.

Dù không tránh khỏi ảnh hưởng khi thương mại thế giới chậm lại, song các chuyên gia của HSBC cũng nhận định, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục đứng đầu ASEAN về tăng trưởng.

Theo HSBC, năm 2022 là một năm phục hồi bùng nổ giúp Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Quý III/2022, GDP tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (mặc dù một phần là do cơ sở thấp), nhờ lĩnh vực bên ngoài vững vàng và nhu cầu trong nước mạnh mẽ. Mặc dù vậy, bức tranh triển vọng tăng trưởng giờ đây lại bị phủ lên một bóng mây từ những trở ngại về thương mại gia tăng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/12 - Ảnh 2

Sau khi tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước trong 3 quý đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm tốc nhanh chóng trong tháng 10, còn tháng 11 chứng kiến lần sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong vòng hai năm trở lại đây. Nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù vậy, dữ liệu gần đây cho thấy suy giảm xuất khẩu diễn ra ở nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may/da giày, sản phẩm gỗ và máy móc. Cụ thể, suy thoái kinh tế ở Mỹ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì Mỹ là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Một điểm sáng tích cực là nhu cầu trong nước phần nào đem tới cứu cánh, nhờ thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 2,3% tính tới quý III/2022, tỷ lệ này vẫn có khả năng giảm tiếp khi nhiều công việc tập trung trong lĩnh vực liên quan tới du lịch. Mặc dù du khách đã bắt đầu trở lại, số lượt khách tới Việt Nam vẫn chưa tới 20% của năm 2019.

Về mặt chính sách, các chuyên gia của HSBC cho rằng, Việt Nam không có nhiều “room” tài khóa để áp dụng những biện pháp xoa dịu nhằm giảm nhẹ tác động do giá năng lượng tăng cao. Từ tháng 4, cơ quan quản lý đã cắt giảm một số loại thuế, trong đó có các loại thuế nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

Nhằm đối phó với áp lực lạm phát gia tăng, Bộ Tài chính đang tìm cách kéo dài thời gian áp dụng cắt giảm thuế bảo vệ môi trường hiện tại đối với một số nhiên liệu đến cuối năm 2023. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh giá dầu thế giới có thể hạ nhiệt trong năm 2023, các nhà chức trách có thể chọn áp dụng trở lại thuế bảo vệ môi trường sớm nhất là từ năm 2024.

Bên cạnh đó, giá năng lượng khác có thể tăng lên trong năm 2023. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã đề xuất tăng giá điện trong năm 2023, đợt điều chỉnh lớn đầu tiên trong gần bốn năm, với lý do chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao.

Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bắt kịp xu hướng chung nhằm đối mặt với tình hình đồng VND yếu đi và lạm phát nhập khẩu tăng. Hiện các yếu tố bên ngoài đã trở nên thuận lợi hơn trong những tuần gần đây, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất và áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tăng càng chứng minh chu kỳ tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trên đà diễn ra. Do đó, HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.

Mặt khác, các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến áp lực lạm phát mạnh hơn, dự liệu mới nhất đã vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng, Việt Nam còn chứng kiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước, khiến lạm lạm phát toàn phần tăng.

Mặc dù mới đây HSBC giảm nhẹ dự báo lạm phát cho năm 2022 xuống 3,2% (dự báo cũ: 3,4%), song cũng đã nâng mức dự báo cho năm 2023 lên 4% (dự báo cũ: 3,7%). Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt.

ADB tài trợ 107 triệu USD để hỗ trợ năng lượng gió tại Việt Nam

Ngày 21/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký gói tài trợ dự án trị giá 107 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió BIM (Điện gió BIM) để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy điện này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu với việc bù trừ khoảng 215.000 tấn carbon dioxide mỗi năm.

Các chuyên gia của ADB nhận định: “Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch, và điều hết sức quan trọng là cần đáp ứng nhu cầu này bằng nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Dự án này là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và công cuộc phục hồi đang diễn ra của Việt Nam nhờ việc mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia và đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng không”.

ADB cũng sẽ quản lý một khoản viện trợ trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ. Khoản viện trợ này sẽ được sử dụng cho các sáng kiến liên quan tới các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường và xã hội, như giảm tác động của bóng tối đối với các cư dân tại khu vực dự án và bảo tồn môi trường sống hoang dã.

Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Điện gió BIM, ông Đoàn Quốc Huy, chia sẻ: “Thành công của giao dịch này giúp hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh hướng tới phát triển bền vững năng lượng sạch ở Việt Nam”.

Điện gió BIM thuộc sở hữu của Tổng Công ty ACEN và Tập đoàn BIM đã và đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2019. Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng BIM (BIMEH - công ty con của Tập đoàn BIM) nằm trong số 5 nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu ở Việt Nam, với tổng công suất vận hành gần 800MW.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới