Thứ năm, 26/12/2024 20:22 (GMT+7)
Thứ tư, 02/11/2022 17:02 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/11

Theo dõi KTMT trên

Đồng USD có thể phục hồi về mức cao kỷ lục sau khi giảm tạm thời; Chi tiêu tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương duy trì tích cực... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 2/11.

Chứng khoán phiên 2/11: Cổ phiếu thép, dầu khí 'ngược dòng' tăng mạnh

Trong phiên giao dịch 2/11, các cổ phiếu nhóm dầu khí ngập trong sắc xanh, trong đó đáng chú ý có PVD tăng kịch trần còn các mã PVC và PTV đều tăng 7,7%, PVB tăng 6,2%, PVS tăng 5,6%...

Sau những phiên giảm sâu, nhóm cổ phiếu thép hôm nay diễn biến rất tích cực, trong bối cảnh thị trường chung chìm trong sắc đỏ.

HSG tăng sát giá trần, với mức 6,4%, tiếp đến là NKG tăng 4,3%, VGS tăng 3%, HPG tăng 2,3%, TLH tăng 1,8%...

Các cổ phiếu nhóm dầu khí cũng ngập trong sắc xanh. Đáng chú ý, có PVD tăng kịch trần. Các mã PVC và PTV đều tăng 7,7%, PVB tăng 6,2%, PVS tăng 5,6%...

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/11 - Ảnh 1
Cổ phiếu thép, dầu khí 'ngược dòng' tăng mạnh.

Trong phiên hôm nay, cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân kéo giảm chỉ số VN-Index. Trong rổ VN30 có 22 mã giảm giá, trong khi chỉ có 5 mã tăng giá và 3 mã đứng giá. Đáng chú ý, MSN giảm tới 6,4%, MWG giảm 4,2%, VNM giảm 2,4%.

Cùng đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng giá, còn hầu hết đều ở chiều giá đỏ. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bất động sản diễn biến tiêu cực với sắc đỏ lan rộng.

Về khối ngoại đã bán ròng 251,2 tỷ đồng trên HOSE, trong khi chỉ mua ròng 1,33 tỷ đồng trên UPCOM và gần 257 triệu đồng trên HNX.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/11, VN-Index giảm 10,56 điểm xuống 1.023,19 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 578,2 triệu đơn vị, tương ứng 10.096,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 164 mã tăng giá, 273 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,7 điểm xuống 211,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 49,4 triệu đơn vị, tương ứng trên 750,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 95 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,48 điểm xuống 76,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 20 triệu đơn vị, tương ứng hơn 295,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 116 mã tăng giá, 124 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.

Các ngân hàng Trung ương đã giảm bớt tốc độ tăng lãi suất trong tháng 10

Vào tháng 10, có 4 trong số 10 ngân hàng Trung ương của các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất đã đưa ra mức tăng lãi suất tổng cộng 200 điểm cơ bản, trong khi các ngân hàng còn lại giữ nguyên lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) và Ngân hàng Canada (BoC) là những ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất cho vay.

Trong khi đó, 8 trong số 10 ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất tổng cộng 550 điểm cơ bản vào tháng 9, đây là tốc độ thắt chặt nhanh nhất trong ít nhất hai thập kỷ.

Theo đó, các động thái tăng lãi suất mới nhất của các ngân hàng Trung ương trong tháng 10 đã nâng tổng mức tăng lãi suất vào năm 2022 từ các ngân hàng Trung ương G10 lên 2.050 điểm cơ bản.

Chiến lược gia Marko Kolanovic tại JPMorgan cho biết: “Tốc độ thắt chặt của ngân hàng Trung ương có thể đã lên đến đỉnh điểm”.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/11 - Ảnh 2
Các ngân hàng Trung ương đã giảm bớt tốc độ tăng lãi suất trong tháng 10.

"Những giọng điệu ôn hòa hơn từ ECB, BoC, Fed và RBA gần đây cho thấy tốc độ thắt chặt của ngân hàng Trung ương có thể sẽ chậm lại trong những tháng tới, mặc dù vẫn còn sớm để đánh giá liệu điều này có đồng nghĩa với việc lãi suất cuối chu kỳ tăng thấp hơn hay không”, chiến lược gia Marko Kolanovic cho biết.

Thị trường gần đây đã chú ý đến những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng Trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất.

Tuy nhiên, chiến lược gia Jean Boivin, người đứng đầu BlackRock Investment Institute cho biết, bất kỳ sự lạc quan nào về mặt đó cũng có thể là quá sớm.

"Chúng tôi thấy các ngân hàng Trung ương đang trên con đường thắt chặt chính sách. Chúng tôi cho rằng, Fed cũng như các ngân hàng Trung ương ở các thị trường phát triển khác sẽ chỉ dừng lại khi thiệt hại nghiêm trọng từ việc tăng lãi suất rõ ràng hơn. Lãi suất có thể đã chạm mức có thể gây ra suy thoái theo quan điểm của chúng tôi", chiến lược gia chiến lược gia Jean Boivin cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu.

Dữ liệu từ các ngân hàng Trung ương của thị trường mới nổi đã vẽ nên một bức tranh tương tự. Có 5 trong số 18 ngân hàng Trung ương đã thực hiện tăng lãi suất 325 điểm cơ bản trong tháng 10, chưa bằng một nửa so với mức tăng của tháng 9 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 800 điểm cơ bản trong cả tháng 6 và tháng 7.

Các quốc gia Indonesia, Hàn Quốc, Israel, Colombia và Chile đều tăng lãi suất và chu kỳ tăng lãi suất này có thể cũng sắp kết thúc mặc dù có một số khác biệt trong quỹ đạo ngắn hạn. Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Chile cho biết hiện tại không có đợt tăng lãi suất nào nữa, thì ngân hàng Trung ương Israel cho biết họ có thể tăng lãi suất cao hơn mức hiện tại.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy lãi suất thấp hơn và mới đây đã đưa ra mức cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản mặc dù lạm phát ở mức trên 80%.

Chiến lược gia Ehsan Khoman tại MUFG cho biết: “Mức độ của áp lực chi phí sinh hoạt là không đồng bộ ở các nền kinh tế mới nổi”.

Tổng cộng, các ngân hàng Trung ương thị trường mới nổi đã tăng lãi suất tổng cộng 6.765 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay, hơn gấp đôi so với 2.745 điểm cơ bản trong cả năm 2021.

Chi tiêu tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương duy trì tích cực

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch quốc tế sau khi mở cửa biên giới, bất chấp việc chi phí di chuyển bằng đường hàng không tăng cao. Xu hướng này đặc biệt đáng chú ý tại các thị trường như Singapore và Úc, với nhu cầu vốn tồn tại mạnh mẽ ngay cả khi đã nới lỏng các hạn chế ban đầu.

Tương tự, việc chi tiêu cho trải nghiệm vẫn đang tiếp tục vượt qua các chi tiêu cho hàng hóa, và được phản ánh thông qua những thói quen chi tiêu cho dịch vụ ăn uống hoặc giải trí.

Người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn đặt đồ ăn từ nhà hàng - cả trực tiếp hoặc trực tuyến - thay vì tự nấu ăn tại nhà. Chi tiêu cho việc ăn uống tại nhà hàng đã tăng lên 16% vào tháng 8/2022 so với hồi tháng 1/2022, trong khi chi tiêu tại các cửa hàng bách hóa giảm 5%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/11 - Ảnh 3

“Người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương đang tìm cách bù đắp cho khoảng thời gian đã mất trong những năm đầy thử thách vừa qua. Nhu cầu du lịch đến các địa điểm mới và có những trải nghiệm mới bị dồn nén, tác động mạnh mẽ đến hành vi chi tiêu của người tiêu dùng. Với sự ưu tiên hiện tại dành cho các hoạt động nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải trí và trải nghiệm, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy được sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực du lịch và giải trí”, theo ông David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - Châu Phi của Mastercard.

"Chúng tôi còn nhìn thấy những cơ hội mới được mở ra đối với lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, do sự phân bố thời điểm chi tiêu cho mua sắm và trải nghiệm không còn chỉ tập trung vào dịp cuối tuần. Khi mua sắm trực tuyến và làm việc từ xa tiếp tục tác động đến những thói quen hàng ngày, người tiêu dùng sẽ điều chỉnh lại cách thức chi tiêu để phù hợp với nhịp sống đang thay đổi", ông David Mann nhấn mạnh thêm.

Trên toàn thế giới, các doanh nghiệp lớn đang giữ ưu thế vượt trội hơn trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số so với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Mặc dù vậy, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến nhỏ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang tìm cách để phát triển.

Tại Singapore, các dịch vụ kinh doanh trực tuyến quy mô nhỏ như dịch vụ gia sư, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân đã tăng trưởng 3,5 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các doanh nghiệp trực tuyến quy mô lớn và nhỏ thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực bán lẻ tại các nền kinh tế phát triển hơn.

Tháng 8/2022, doanh số thương mại điện tử của các doanh nghiệp lớn tại Singapore đã tăng 200% so với năm 2019, và tăng 59% đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn. Tương tự tại Úc, các doanh nghiệp lớn đạt mức tăng trưởng 93%, so với mức 24% ở các doanh nghiệp trực tuyến nhỏ….

Đồng USD có thể phục hồi về mức cao kỷ lục sau khi giảm tạm thời

Theo một khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đối với các chiến lược gia tiền tệ, xu hướng xuống giá của đồng USD là tạm thời, khi đồng bạc xanh vẫn có cơ sở đủ mạnh để vượt các mức cao kỷ lục gần đây và nối lại đà tăng liên tục.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/11 - Ảnh 4

Tăng khoảng 16% trong năm nay, đồng USD giảm từ mức cao kỷ lục hơn hai thập niên được ghi nhận hồi tháng Chín, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là đang gần đi đến việc kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Fed được nhận định sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp khi kết thúc cuộc họp vào ngày 2/11 (giờ địa phương). Tuy nhiên, mức tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12 có thể là 75 điểm hoặc 50 điểm.

2/3 số nhà phân tích (30 trong số 44), cho rằng đồng USD hoặc sẽ phục hồi về các mức cao gần đây hoặc sẽ vượt các mức này vào cuối năm. Số còn lại nhận định đồng tiền này sẽ giảm so với các mức gần đây.

Khảo sát cũng cho thấy hầu hết các đồng tiền của những nền kinh tế mới nổi sau khi giảm xuống các mức thấp nhất trong ít nhất là một thập niên sẽ tiếp tục duy trì quanh các mức này hoặc thấp hơn từ nay đến cuối năm nay và đầu năm tới.

Trong khi đồng USD được dự báo sẽ vẫn cao trong ngắn hạn, triển vọng 12 tháng của đồng tiền này sẽ mất một phần động lực trước các đồng tiền mạnh khác.

Đồng euro đã giảm hơn 13% so với đồng USD và được cho là sẽ vẫn chịu sức ép trong ba tháng tới. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống dưới mức ngang giá so với đồng USD trong tháng Tám và có thể vẫn ở mức này trong ba tháng tới và ngang giá so với đồng bạc xanh trong sáu tháng tới. Đồng tiền này được dự báo sẽ tăng lên khoảng 1,04 trong vòng một năm tới.

Đồng yen của Nhật Bản đã giảm gần 22% trong năm nay và có thể phục hồi một nửa mức giảm này trong 12 tháng tới. Đồng tiền này được dự báo giao dịch ở mức khoảng 146 USD, 141,7 USD và 135 USD tương ứng trong ba tháng, sáu tháng và 12 tháng tới.

Đồng bảng Anh tăng giá trên 10% kể từ khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,0327 USD/bảng vào tháng Chín do biến động chính trị và được dự báo tăng thêm 2%, lên 1,17 USD/bảng trong vòng một năm tới./

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.