Thứ bảy, 20/04/2024 12:35 (GMT+7)
    Thứ hai, 18/07/2022 18:01 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/7

    Theo dõi KTMT trên

    Vàng SJC giảm 4 triệu đồng/lượng, xuống 64 triệu, người mua lỗ nặng; USD 'chợ đen' tiến sát mốc 24.700 đồng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 18/7.

    Vàng SJC giảm 4 triệu đồng/lượng, xuống 64 triệu, người mua lỗ nặng

    Chiều nay 18/7 giá vàng SJC tiếp tục giảm sâu khiến người mua vàng lỗ nặng. Cụ thể, 14h chiều nay (18/7), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 64 triệu đồng/lượng (mua vào), và 65,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 2,2 triệu đồng (mua vào) và 2,65 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng.

    Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 64 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 2,1 triệu đồng (mua vào) và 1,8 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng.

    Như vậy, tính từ đầu giờ sáng nay đến giờ mỗi lượng vàng đã giảm 3,3 đến gần 4 triệu đồng.

    Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu khách hàng mua vàng cuối tuần qua, đến nay đã lỗ tổng 7,3 triệu đồng/lượng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,95 triệu đồng/lượng (bán ra).

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/7 - Ảnh 1
    Vàng SJC giảm 4 triệu đồng/lượng, xuống 64 triệu, người mua lỗ nặng.

    Đáng nói, giá vàng trong nước hôm nay đi ngược với xu hướng vàng thế giới. Trong khi giá vàng thế giới hiện tại có xu hướng tăng nhẹ từ 1.708 USD/ounce đầu giờ sáng lên 1.719 USD/ounce lúc 14h chiều nay. Dù có dấu hiệu hồi phục nhưng giá vàng thế giới được dự báo còn tiếp tục giảm do USD tăng cao và tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất sắp tới.

    Các chuyên gia nhận định, giá vàng thế giới có thể về dưới mốc 1.700 USD/ounce. Thời gian tới, giá vàng sẽ về mức 1.650 USD/ounce, thậm chí có thể xuống ngưỡng 1.200 USD/ounce.

    Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vẫn thấp hơn giá vàng SJC khoảng 18 triệu đồng/lượng.

    USD 'chợ đen' tiến sát mốc 24.700 đồng

    Phiên đầu tuần hôm nay (18/7) tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh của tỷ giá quy đổi USD/VNĐ trên hầu hết kênh giao dịch, từ ngân hàng thương mại cho tới thị trường tự do.

    Trong đó, Ngân hàng Nhà nước hôm nay niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với USD ở mức 23.245 đồng/USD, tăng 20 đồng so với cuối tuần trước. Đây đã là lần điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thứ 5 liên tiếp của cơ quan quản lý tiền tệ, đưa chỉ tiêu này tăng 135 đồng chỉ trong nửa đầu tháng 7.

    Với biên độ dao động +/-3% trong ngày, giá quy đổi sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với đồng bạc xanh trong ngày hôm nay là 22.548 đồng và 23.942 đồng/USD.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/7 - Ảnh 2
    USD 'chợ đen' tiến sát mốc 24.700 đồng.

    Trên kênh chính thức, các ngân hàng lớn chủ yếu niêm yết giá bán đồng bạc xanh xấp xỉ mức 23.600 đồng/USD.

    Trong đó, Vietcombank hôm nay niêm yết giá giao dịch ngoại tệ này ở mức 23.310 - 23.590 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng so với cuối tuần trước. Nếu so với một tuần trước đó, giá mua - bán USD tại đây đã tăng xấp xỉ 100 đồng.

    VietinBank hôm nay cũng chấp nhận mua vào đồng tiền này ở mức 23.303 đồng/USD và bán ra với giá 23.583 đồng/USD, tăng 70 đồng giá mua nhưng giảm 90 đồng ở giá bán. Cuối tuần trước, VietinBank chính là ngân hàng duy nhất niêm yết giá bán USD trên ngưỡng 23.600 đồng.

    Cả BIDV và Agribank phiên đầu tuần hôm nay đều nâng giá bán USD lên xấp xỉ vùng 23.600 đồng. Trong đó, BIDV chấp nhận bán ra ở mức 23.580 đồng/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần trước, trong khi Agribank tăng 20 đồng, hiện cố định ở mức 23.590 đồng/USD. Ở chiều mua vào, BIDV và Agribank đều đưa ra mức giá 23.300 đồng đổi 1 USD.

    Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, tỷ giá quy đổi USD/VNĐ chủ yếu giữ xu hướng đi ngang so với cuối tuần trước, thậm chí, giá bán USD tại một số nhà băng còn giảm trong phiên hôm nay.

    Cụ thể, HDBank hôm nay giữ nguyên giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.340 - 23.560 đồng/USD (mua vào - bán ra), không thay đổi so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, so với một tuần trước đó, giá bán USD tại đây đã tăng 90 đồng.

    Trong khi đó, Techcombank hiện đồng ý mua vào ở mức 23.301 đồng/USD và bán ra ở 23.580 đồng/USD, giảm 25 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, Eximbank, ACB, VPBank, Sacombank… hôm này đều giảm giá bán USD đi 10-25 đồng so với cuối tuần trước, hiện phổ biến dao động trong khoảng 23.540-23.560 đồng/USD tùy ngân hàng.

    Dù vậy, so với một tuần trước đó, giá bán USD tại các nhà băng này đều tăng 60-90 đồng.

    Trên thị trường tự do, tiếp đà tăng mạnh từ cuối tuần trước, giá bán USD một lần nữa nhảy vọt phiên hôm nay khi tăng 140 đồng, hiện phổ biến ở mức 24.670-24.680 đồng/USD tùy đại lý. Ở chiều mua vào, các đại lý đưa ra mức giá quy đổi 24.520 đồng/USD, chỉ tăng 20 đồng so với cuối tuần trước.

    Như vậy, tính riêng tháng 7, tỷ giá quy đổi USD ra VNĐ trên thị trường tự do đã tăng xấp xỉ 730 đồng, tương đương mức tăng ròng hơn 3%.

    Tuy nhiên, bất chấp giá quy đổi USD liên tục tăng mạnh trên kênh này, giao dịch của người dân vẫn diễn ra tương đối ảm đạm.

    Các đại lý quy đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều cho biết không ghi nhận lượng giao dịch USD tăng trong những ngày qua. Thay vào đó, lượng người tìm tới mua euro lại tăng mạnh khi tỷ giá quy đổi ngoại tệ này đã giảm hơn 10% từ đầu năm.

    Hiện tỷ giá quy đổi euro trên kênh tự do vẫn cao hơn khoảng 500 đồng/EUR so với kênh ngân hàng thương mại. Phổ biến mua vào ở mức 24.520-24.720 đồng/EUR và bán ra ở 24.620-24.820 đồng/EUR tùy đại lý.

    WB đề xuất chính sách ưu tiên để Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu

    Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như giảm cường độ carbon trong tăng trưởng.

    Theo đó, 100 triệu người dân Việt Nam thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của khí hậu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro dọc theo bờ biển dài 3.260km và các vùng trũng thấp rộng lớn của đất nước.

    Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh thành có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa.

    Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/7 - Ảnh 3
    WB đề xuất chính sách ưu tiên để Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Đóng góp của Việt Nam vào tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu tương đối nhỏ, chỉ ở mức 0,8%. Tính theo bình quân đầu người, lượng phát thải của Việt Nam chưa bằng một nửa lượng phát thải bình quân đầu người của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

    Việt Nam đã cam kết chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Những cam kết này cao hơn Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) năm 2020, trong đó Việt Nam cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải không điều kiện là 9% vào năm 2030 so với năm cơ sở 2014 và mục tiêu giảm phát thải có điều kiện là 27%.

    Để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời thực hiện các cam kết về khí hậu, báo cáo đã đề xuất nhiều giải pháp trên hai góc độ quan trọng, đó là nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của khí hậu và theo đuổi chiến lược tăng trưởng hướng nền kinh tế giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon.

    Dựa trên kết quả chạy mô hình và phân tích của báo cáo, WB đề xuất 5 gói chính sách ưu tiên.

    Thứ nhất, chương trình cấp vùng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương, là nơi đóng góp 50% sản lượng lúa gạo và một phần ba GDP nông nghiệp của đất nước. Khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như xói lở bờ biển và bờ sông, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Chương trình sẽ hạn chế khai thác cát và khai thác nước ngầm, đầu tư thêm cơ sở vật chất và tăng cường điều phối vùng, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho những người nông dân đang tìm giải pháp thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

    Thứ hai, kế hoạch tổng hợp bảo vệ các đô thị ven biển và kết nối giao thông khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt. Kế hoạch này bao gồm hoạt động nâng cấp hệ thống đường bộ và năng lượng, cũng như tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thời tiết và cảnh báo sớm.

    Thứ ba, chương trình giảm ô nhiễm không khí bao vây khu vực Hà Nội, nơi chất lượng không khí kém đã vượt ít nhất 5 lần giới hạn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới trong hơn một nửa thời gian từ năm 2018 đến năm 2021 và dự báo nồng độ bụi mịn sẽ còn tiếp tục tăng lên.

    Thứ tư, tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo bằng cách cải thiện khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư tăng công suất của lưới điện và thực hiện các kế hoạch tiết kiệm năng lượng.

    Thứ năm, mở rộng an sinh xã hội để bù đắp những tác động kinh tế mà các giải pháp khí hậu có thể tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất. Tài trợ cho các chương trình xã hội bằng nguồn thu từ thuế carbon sẽ giúp hỗ trợ người nghèo khỏi tác động của việc tăng chi phí đi lại và năng lượng.

    CEO Manulife Châu Á cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam

    Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên ông Damien đến thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong danh mục đầu tư toàn cầu của Manulife.

    Trong chuyến thăm, ông Damien cũng gặp gỡ Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cùng với các lãnh đạo của các ngân hàng đối tác. Trong những cuộc trò chuyện này, ông Damien nhấn mạnh cam kết dài hạn của Manulife trong việc đầu tư vào mục tiêu cải thiện sức khỏe và hạnh phúc, thúc đẩy các cơ hội phát triển toàn diện và một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

    Là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn nước ngoài đầu tiên trên thị trường với công ty mẹ là Tập đoàn tài chính hàng đầu có trụ sở tại Canada, Manulife Việt Nam đã và đang là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Manulife Việt Nam đang phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới