Thứ hai, 25/11/2024 07:52 (GMT+7)
    Thứ tư, 01/06/2022 16:55 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6

    Theo dõi KTMT trên

    Giá xăng tăng gần 1.000 đồng mỗi lít; Chứng khoán tiến sát 1.300 điểm... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 1/6/2022.

    Sẽ kiểm tra định kỳ dán nhãn năng lượng với mô tô, xe máy

    Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy về việc kiểm tra định kỳ dán nhãn năng lượng đối với phương tiện.

    Cụ thể, từ ngày 1/6 - 31/7, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra định kỳ hằng năm việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại nơi bán hàng hoặc đại lý bán hàng.

    Thông tin đăng ký kiểm tra phải gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam trước ngày 31/5/2022. Trên cơ sở thông tin này, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thông báo cụ thể về kế hoạch kiểm tra.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6 - Ảnh 1
    Từ ngày 1/6 - 31/7, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra định kỳ hằng năm việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy.

    Sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hiệu quả là một trong những biện pháp giảm phát thải khí gây ô nhiễm, khí nhà kính và hiện đang là mục tiêu ưu tiên tại nhiều quốc gia. Trên thế giới, nhiều nước đã và đang tích cực triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với xe cơ giới thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe...

    Quy định về dán nhãn năng lượng xe máy bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Theo đó, mọi xe mô tô và xe gắn máy mới bán tại Việt Nam đều phải dán nhãn năng lượng, thể hiện mức tiêu hao nhiên liệu theo đơn vị lít/100 km và được in tem dán ở vị trí nổi bật, dễ nhìn thấy nhất trên xe.

    Trong điều kiện giá xăng tăng cao thời gian gần đây, mức độ tiêu hao nhiên liệu đã trở thành một yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn mua xe của người tiêu dùng.

    Do đó, người tiêu dùng mua xe máy có thể nhìn nhãn dán và biết mẫu xe chọn mua có mức độ tiêu thụ nhiên liệu như thế nào, từ đó có thêm thông tin để cân nhắc khi lựa chọn mua xe.

    Theo Thông tư 59/2018 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe (gửi bản công khai mức tiêu thụ nhiên liệu tới Cục Đăng kiểm Việt Nam để công khai trên trang thông tin điện tử).

    Đồng thời, cũng phải đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của mình (nếu có). Và thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe máy đó ra thị trường.

    Quy định về dán nhãn năng lượng xe máy, công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của từng dòng xe góp phần kích thích các hãng xe nâng cấp công nghệ, sản xuất nhằm đưa ra thị trường những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.

    Giá xăng lập đỉnh mới, tăng gần 1.000 đồng mỗi lít

    Ngày 1/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.

    Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít; dầu diesel tăng 840 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 310 đồng/kg.

    Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít; dầu diesel là 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6 - Ảnh 2
    Giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít.

    Trước đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, khi giá xăng RON95 là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,3 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86/170 quốc gia, nhưng thấp hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít); Lào (1,74 USD/lít); Hàn Quốc (1,53 USD/lít).

    Như vậy, đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng đã lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 31.500 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 23/5 vừa qua.

    Chứng khoán tiến sát 1.300 điểm

    Dù đóng cửa chỉ số tăng gần 7 điểm, nhưng về biên độ dao động lên tới 14 điểm. Phiên chiều, VN-Index lội ngược dòng khi cổ phiếu nhiều nhóm ngành thu hẹp đà giảm, trong đó đáng chú ý là nhóm chứng khoán. Mức giảm phổ biến thu hẹp về trên dưới 1-2%. Trong đó, mã đầu ngành như SSI chỉ còn giảm 0,3%, VND, VCI, HCM lấy lại sắc xanh.

    Nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản giảm bớt sự tiêu cực. VCB dẫn dắt thị trường, đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số chính, theo sau là GAS, MSN, VHM, PGV, VIC, FPT, REE, VHC, DGC.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6 - Ảnh 3
    Chứng khoán tiến sát 1.300 điểm.

    Nhóm dầu khí và các cổ phiếu phân bón, hóa chất tiếp tục có phiên tích cực. GAS ở vị trí dẫn dắt thị trường, nhóm dầu khí còn có BSR, PVS, PVD, POW, OIL PVC, PLX ngập trong sắc xanh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, PXS, cổ phiếu bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc lại giảm hơn 3%. PXS vừa có giải trình về lý do dẫn đến quyết định hủy niêm yết bắt buộc của HoSE. Lý do là báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.

    Lạm phát khu vực đồng Euro tăng cao kỷ lục

    Báo cáo trên được đưa ra sau khi một số nền kinh tế lớn của châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha liên tục đưa ra cảnh báo về xu hướng gia tăng trầm trọng giá tiêu dùng trong những ngày gần đây. Tại Đức, chỉ số lạm phát trong tháng 5 tiếp tục tăng mạnh, đạt kỷ lục mới là 8,7%, vượt qua dự đoán của các nhà phân tích là 8% và vượt xa mức lạm phát 7,8% trong tháng 4. Lạm phát của Pháp cũng vượt kỳ vọng trong tháng 5 lên mức kỷ lục 5,8%, tăng từ 5,4% trong tháng. Trong khi đó, giá tiêu dùng của Tây Ban Nha cũng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6 - Ảnh 4
    Lạm phát khu vực đồng Euro tăng cao kỷ lục.

    Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, hai nguyên nhân chính khiến giá tiêu dùng và tình trạng lạm phát liên tục tăng kỷ lục trên toàn khu vực đồng Euro trong 7 tháng qua chủ yếu là do giá cả năng lượng (tăng 39,2%) và giá thực phẩm, rượu và thuốc lá (tăng 7,5%) tiếp tục đà tăng mạnh so với các tháng trước. Tuy nhiên, ngay cả khi giá năng lượng và thực phẩm không tăng, lạm phát vẫn sẽ tăng từ 3,5% lên 3,8%.

    Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giá tiêu dùng tăng cao đã và đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chính là do tác động bởi cuộc xung đột ở Ukraine, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm và khí đốttại châu Âu. Đầu tuần qua, sau khi các nhà lãnh đạo EU nhất trí thông qua nghị quyết giảm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay, giá tiêu dùng tại thị trường châu Âu ngay lập tức tăng đáng kể. Theo ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, động thái này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga.

    Thu ngân sách của TP.HCM 5 tháng đầu năm 2022 tăng 19,5%

    Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê TP.HCM, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trong 5 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 209.824 tỷ đồng, đạt 54,3% dự toán năm và tăng 19,5% so với cùng kỳ.

    Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 141.919 tỷ đồng, đạt 54,7% dự toán, chiếm 67,6% tổng thu cân đối và tăng 19,8% so với cùng kỳ.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6 - Ảnh 5
    Thu ngân sách của TP.HCM 5 tháng đầu năm 2022 tăng 19,5%.

    Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 13.176 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, chiếm 6,3% tổng thu và tăng 28,6%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 40.469 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán, chiếm 19,3% tổng thu và tăng 10,0%.

    Riêng các khoản thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 33.034 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán, chiếm 15,7% tổng thu và tăng 7,9%. Đặc biệt, thu ngân sách từ dầu thô đã vượt dự toán cả năm, ước thực hiện 10.695 tỷ đồng, tăng 82,5%.

    Bên cạnh đó, nền kinh tế có những tín hiệu tích cực khi thu thuế từ bất động sản tăng gấp hơn 2 lần; thu thuế từ sản phẩm tăng 11,7% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, chi ngân sách Nhà nước (trừ tạm ứng) ước thực hiện giảm 11,9% so với cùng kỳ.

    Theo tổng kết đánh giá và dựa trên số liệu từ các kịch bản dự đoán, 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM có thể tăng trưởng 2,5 - 3%.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 1/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới