Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 13/5
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có ít nhất 25 DNNN vốn hóa hơn 1 tỷ USD; Giá USD tăng lên mức cao nhất trong gần 20 năm... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 13/5/2022.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có ít nhất 25 DNNN vốn hóa hơn 1 tỷ USD
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết nêu rõ, khu vực doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước.
Trong các năm qua, doanh nghiệp Nhà nước đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư, nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nội dung.
Cụ thể, đến hết năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp Nhà nước.
Có ít nhất 25 doanh nghiệp Nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đôla Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đôla Mỹ; 100% doanh nghiệp Nhà nước có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.
Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước vào ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 5%-10% so với giai đoạn 2016-2020.
Giá USD tăng lên mức cao nhất trong gần 20 năm
Những lo ngại dai dẳng về các quyết sách của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trường kinh tế đã khiến đồng bạc Xanh của Mỹ trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Giá đồng USD trong ngày 12/5 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 20 năm qua.
Cụ thể, chỉ số đồng USD trong rổ ngoại tệ dự trữ đã tăng 0,798%, lên 104,840, mức cao nhất kể từ khi đạt 104,92 vào ngày 12/12/2002. Trong khi đó, đồng euro lại giảm 1,38%, chốt phiên với tỷ giá 1 euro đổi 1,0366 USD sau khi từng có lúc giảm xuống mức 1,0352 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 3/1/2017.
Tuần trước, FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm % - mức điều chỉnh tăng lớn nhất trong 22 năm và hiện giới đầu tư đang tiếp tục theo dõi sát sao động thái của FED. Theo giới phân tích, các nhà đầu tư cho rằng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 6 tới.
Trong năm qua, các tài sản có nguy cơ như chứng khoán chịu nhiều áp lực. S&P 500 - một trong 3 chỉ số chứng khoáng chủ lực của Mỹ thông báo mức giảm tới 20% so với mức điểm cao kỷ lục của chỉ số này.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số chính trên Phố Wall biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 12/5. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 31.730,30 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm 0,1% xuống 3.930,08 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq lại tăng nhẹ 0,1% lên 11.370,96 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trấn an giới đầu tư bằng khẳng định FED có khả năng làm giảm lạm phát không đẩy kinh tế rơi vào suy thoái nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ như thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, chi tiêu hộ gia đình cân đối, nợ thấp và một khu vực ngân hàng lành mạnh.
Trong diễn biến liên quan, Thượng viện Mỹ ngày 13/5 xác nhận ông Jerome Powell sẽ tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch FED trong nhiệm kỳ thứ hai. Diễn biến này đã được dự đoán từ trước và mở đường cho FED tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Vốn hóa của Twitter bay hơi 9 tỷ USD
Theo CNBC, giá cổ phiếu Twitter đã giảm gần 13% kể từ khi chạm đỉnh vào cuối tháng 4. Chốt phiên giao dịch ngày 12/5, mã này đóng cửa ở mức 45,08 USD/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 54,2 USD/cổ phiếu mà CEO Tesla Elon Musk đồng ý trả vào ngày 27/ 4.
Điều này đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty bốc hơi 9 tỷ USD.
Hội đồng quản trị của Twitter đã chấp thuận giao dịch mua lại, nhưng 2 bên vẫn cần nhiều tháng để hoàn thành giao dịch và không có gì đảm bảo rằng thương vụ sẽ thành công.
Twitter và tỷ phú Musk sẽ phải trả phí chấm dứt hợp đồng là 1 tỷ USD nếu từ bỏ thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD.
Ông Dan Ives - nhà phân tích tại Wedbush Securities - cho rằng khả năng 90%, hoặc cao hơn, Musk và Twitter sẽ hoàn tất thương vụ. Nhưng ông chỉ ra 3 nguyên nhân tạo áp lực lên cổ phiếu.
Thứ nhất, cổ phiếu Twitter sẽ chỉ được định giá trong khoảng 20 USD nếu nền tảng này vẫn là một công ty đại chúng. Thứ hai, ông Ives cho rằng các vấn đề pháp lý đang cản trở thỏa thuận.
Cuối cùng, Musk cầm cố cổ phiếu Tesla để đủ tiền mua lại Twitter, điều này có thể mang lại nhiều rủi ro.
Elon Musk đang cố gắng giải quyết những lo ngại về tài chính. Theo Bloomberg, vị tỷ phú đã đàm phán nhằm tăng vốn chủ sở hữu và tài trợ ưu tiên để không phải vay ký quỹ 6,25 tỷ USD bằng cổ phiếu Tesla.
Trong khi đó, Twitter có thể đang tìm cách củng cổ bảng cân đối kế toán, đề phòng trường hợp Musk từ bỏ thỏa thuận do sự sụp đổ của thị trường công nghệ vì áp lực lạm phát.
Công ty xác nhận rằng phần lớn hoạt động tuyển dụng đã bị tạm dừng. 2 giám đốc điều hành hàng đầu - ông Kayvon Beykpour và ông Bruce Falck - sẽ rời công ty.
HSBC: Lạm phát của Việt Nam dự báo dưới mức 4%
Trong năm 2022, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7%, nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Theo HSBC, trong tháng 4, lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn ở mức 2,6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường.
Kể từ 1/4/2022, mức thuế bảo vệ môi trường, chiếm phần lớn nhất trong các loại thuế và phí với nhiên liệu, đã cắt giảm còn 2.000 đồng/lít đối với xăng và từ 700-1.000 đồng/lít đối với các mặt hàng nhiên liệu khác. Trong khi đó, chi phí thực phẩm cũng giảm 0,1% so với tháng trước, cho thấy giá nông sản nội địa ổn định so với các nước khác trong khu vực vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm cao hơn.
Thực tế, các mặt hàng cốt lõi là nguyên nhân chính. Giá đã tăng trên diện rộng ở một số hạng mục chính như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ. Cụ thể, chi phí “nhà ở và vật liệu xây dựng” tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy chi phí tiện ích và thuê cao hơn khi công nhân ở tỉnh tiếp tục trở lại các thành phố.
“Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước”, HSBC nhận định.
Báo cáo của HSBC cũng cho thấy, Việt Nam rõ ràng đang hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa trở lại. Kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/3, Việt Nam đã sớm hưởng lợi nhờ du lịch mở cửa trở lại. Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng 4, cao gấp ba lần so với tháng 3.
Hà Lan