Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 11/8
Giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp, về mốc 23.000 đồng/lít; Giá Bitcoin tăng bất ngờ lên mức cao nhất 2 tháng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 11/8.
Giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp, về mốc 23.000 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, áp dụng từ 15 giờ ngày 11/8.
Theo đó, xăng E5RON92 giảm 900 đồng/lít, có giá bán 23.720 đồng/lít; xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, có giá 24.660 đồng. Như vậy, xăng trong nước đã có lần giảm giá thứ 5 liên tiếp.
Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm giá tại kỳ này. Theo đó, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, có giá bán 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, có giá bán 23.320 đồng/lít; dầu mazut giữ nguyên giá 16.548 đồng/kg.
Theo Nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 8-8, sẽ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi được Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Giá Bitcoin tăng bất ngờ lên mức cao nhất 2 tháng
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, trong 24 giờ qua, giá Bitcoin tăng 6,3% từ mốc 23.000 USD, nới rộng vốn hóa thị trường lên 468 tỷ USD. Dẫu vậy, Bitcoin vẫn cần tăng thêm 180% nếu muốn phá vỡ kỷ lục lịch sử thiết lập hồi tháng 11/2021.
Trên thực tế, để xác nhận xu hướng hồi phục, Bitcoin cần xuyên thủng kháng cự 25.000 USD. Dẫu vậy, giá trị giao dịch hiện tại của Bitcoin vẫn là ngưỡng tốt nhất kể từ ngày này 2 tháng trước.
Ngoài Bitcoin, Ethereum đang là đồng tiền số có hiệu suất tăng trưởng tốt nhất trong rổ 10 mã vốn hóa lớn. Ethereum đã tăng hơn 11% trong 24 giờ qua, mở rộng phạm vi tăng 7 ngày lên 16%.
Với giá trị 1.888 USD/đồng như hiện tại, Ethereum sắp lấy lại ngưỡng giao dịch trước thời điểm lao dốc mạnh vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, so với mốc ATH 4.878 USD/đồng, giá trị của Ethereum vẫn bốc hơi hơn 61%.
Solana cũng là mã tiền số khác có hiệu suất tăng trong ngày trên 10%. Dẫu vậy, so với ATH, Solana đã mất tới 82,9% giá trị. Đây cũng là đồng coin top liên tục dính vào lùm xùm bị tin tặc khai thác lỗ hổng bảo mật thời gian gần đây.
Dù có hiệu suất tăng trưởng thấp hơn, Binance coin đang là mã có khả năng lấy lại ATH cao nhất khi thu hẹp thiệt hại từ đỉnh còn 51%.
Ngoài Bitcoin, Ethereum, Binance Coin và stablecoin, các coin/token khác nằm trong nhóm dẫn đầu về vốn hóa như XRP, Cardano, Solana, Polkadot đều thiệt hại trên 80% giá trị so với đỉnh.
Trên kênh tài chính truyền thống, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ thấp hơn dự báo, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu dậy sóng. Trong đó, 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500, Nasdaq 100 tăng lần lượt 1,63%, 2,13%, 2,89%.
CPI thấp hơn dự báo cho thấy tín hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Đây được xem như yếu tố thu hút dòng tiền vào các loại tài sản rủi ro như chứng khoán hay Bitcoin. Mặt khác, các loại tài sản trú ẩn như vàng quay đầu điều chỉnh.
Dẫu vậy, giới chức FED chưa cho thấy dấu hiệu nhẹ tay trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm %. Lần gần nhất, FED quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm % vào cuối tháng 7, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.
“Đà phục hồi của vàng nhanh chóng mất nhiệt lượng sau những bình luận của các quan chức Mỹ. Nhiều nhà đầu tư cũng chuyển sự chú ý sang những tài sản rủi ro như chứng khoán và tiền mã hóa”, Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - bình luận với Zing.
Đề xuất 4 nhóm chính sách đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc sửa đổi toàn diện Luật này nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Cùng với đó, đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu). Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Theo ông Long, dự luật tập trung vào 4 nhóm chính sách trọng tâm, gồm: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023), thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023).
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành sửa đổi toàn diện, kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật hiện hành. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, 4 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đã được rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị lưu ý, cân nhắc thận trọng việc sử dụng một số khái niệm mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị, cần quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí để giám sát, kiểm tra hoạt động sử dụng, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo toàn và bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, tránh sơ hở có thể dẫn đến sai phạm, vi phạm, gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước.
Về nhóm chính sách liên quan đến cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, đề xuất chính sách cụ thể để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương đã được đề ra. Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tỷ lệ lạm phát của Italy giảm trong tháng 7/2022
Ngày 10/8, Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố số liệu chính thức cho biết tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này trong tháng 7/2022 đã giảm từ mức 8% ghi nhận hồi tháng Sáu xuống 7,9%.
Tuy nhiên, chỉ số giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đạt mức cao nhất kể từ năm 1984.
ISTAT cho biết giá năng lượng giảm từ 48,7% trong tháng Sáu xuống 42,9% trong tháng Bảy là một yếu tố giúp tỷ lệ lạm phát tháng trước giảm, mặc dù nếu tính theo tháng tỷ lệ lạm phát tháng 7/2022 vẫn tăng 0,4%.
Dù vậy, ISTAT cũng cho biết chỉ số giá các mặt hàng thường mua như thực phẩm và đồ gia dụng trong tháng Bảy đã tăng 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 9/1984. Giá nước, điện và nhiên liệu cũng tăng 24,7% so với tháng 7/2021.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Italy đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt do tác động từ cuộc chiến tại Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các yếu tố khác gây ra.
Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Mario Draghi gần đây đã thông qua gói viện trợ thứ hai cho những người đang phải vật lộn để kiếm sống và thông qua luật để giảm bớt các đợt tăng giá điện.
Hà Lan