Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 10/5
Lượng khách bay quốc tế khởi sắc trong tháng Tư; Bitcoin giảm xuống mức giá thấp nhất trong 10 tháng qua,... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/5/2022.
Lượng khách bay quốc tế khởi sắc trong tháng Tư
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4/2022, thị trường hàng không quốc tế đã có sự khởi sắc khi số lượng khách bay tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, các hãng hàng không đã khai thác 30.000 chuyến bay đi/đến, trong đó có 12.000 chuyến bay quá cảnh, tăng 25% so với tháng 4/2021.
Riêng các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 4/2022 đã vận chuyển 3,28 triệu khách, trong đó có 80.000 khách quốc tế và 3,2 triệu khách nội địa.
“So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách quốc tế sử dụng các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh, tới 214,7% trong khi hành khách nội địa giảm nhẹ 18,2%,” phía Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Cũng trong tháng 4/2022, lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 140.700 tấn, tăng 18,4% so với tháng 4/2021, trong đó lượng hàng hóa quốc tế đạt 117.700 tấn, tăng 45,3% so với tháng cùng kỳ năm 2021 và lượng hàng hóa nội địa đạt 23.000 tấn, giảm 39,1% so với tháng 4/2021.
Với thị trường bay quốc tế, đến nay, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ truyền thống trước dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Lào, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Pháp, Đức, Anh, Nga, Australia, Hoa Kỳ... Dự kiến, các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác.
Đối với thị trường nội địa, sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700-800 chuyến bay.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42-47 triệu lượt hành khách tăng từ 170-200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019.
“Dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 nhưng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế dự báo giảm 72-80% so với năm 2019,” lãnh đạo Cục Hàng không nhận định.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
4 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước giảm thu hơn 9.600 tỷ
Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 4-2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 136.000 tỷ đồng, đạt 113,6% so với dự toán và bằng 113,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng, tổng thu ngân sách đạt 544.215 tỷ đồng, đạt 46,3 % dự toán. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 24.096 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán.
Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã được triển khai năm 2021 tiếp tục có hiệu lực đã tác động, làm giảm số thu NSNN những tháng đầu năm 2022 khoảng 9.674 tỷ đồng.
Cụ thể, giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, giảm 30% mức tỉ lệ % để tính GTGT đối với doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu tháng 11 và tháng 12-2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do COVID-19; Miễn thuế quý III, IV đối với hộ, cá nhân kinh doanh,…
Với thị trường tiêu dùng ô tô, tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thuế, một số chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 cũng tác động làm giảm thu NSNN khoảng 5.000 tỷ đồng như: Giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%; Giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa,…
Tổng cục Thuế cho biết, để đạt hiệu quả nguồn thu và vượt mức dự toán thu, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa, điện tử hóa ở tất cả các khâu quản lý thuế….
Hoàn thiện cơ chế tài chính cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường có Quyết định số 891/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTG ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, chương trình ưu tiên thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 kèm theo Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nội dung phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Kế hoạch, để triển khai công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Công tác này sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí. Cụ thể, hoàn thiện cơ chế tài chính để tăng cường nguồn ngân sách cho các cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động đầu tư trang thiết bị quan trắc tự động liên tục và quan trắc định kỳ, quản lý cơ sở dữ liệu về khí thải và chất lượng môi trường không khí, các công cụ, mô hình dự báo chất lượng không khí. Nghiên cứu, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác cho quản lý chất lượng môi trường không khí...
Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề truyền thống ít gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi sản xuất đối với những làng nghề sản xuất gây ô nhiễm không khí.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện. Triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025.
Tăng cường xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Trong giai đoạn 2022-2025, nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí, các nguy cơ và tác hại của ô nhiễm không khí cho các cơ quan truyền thông theo đúng quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí sử dụng thông tin được cung cấp chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương để công bố công khai cho cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trong cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp hàng năm với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động cung cấp, công bố, cảnh báo thông tin chất lượng môi trường không khí.
Đồng thời, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Bitcoin giảm xuống mức giá thấp nhất trong 10 tháng qua
Chính sách siết chặt tiền tệ của Mỹ cùng với lạm phát gia tăng đã tác động tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư nước này. Theo đó, đồng tiền điện tử Bitcoin đã giảm xuống dưới mức 30.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá trị trên thị trường của đồng Bitcoin có thời điểm xuống thấp tới 29.764 USD. Như vậy, giá trị đồng Bitcoin đã giảm hơn một nửa kể từ sau khi tăng lên mức giá đỉnh điểm gần 69.000 USD hồi tháng 11/2021.
Trong tình hình này, giới chuyên gia cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn của đồng tiền điện tử này và khuyến cáo các nhà đầu tư cần thận trọng cân nhắc để tìm kiếm tài sản đầu tư an toàn.
Hà Lan