Tín dụng tăng trưởng chậm do dịch bệnh
Dưới tác động của dịch Covid-19, do nhu cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng trưởng đạt 1,96% so với cuối năm 2019. Đây là tỉ lệ rất thấp so với mức tăng 5,74% của 5 tháng đầu năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Giàu |
Tại cuộc họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 vào hồi giữa tháng 6 tại TP.Hồ Chí Minh của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, dưới tác động của dịch Covid-19, do nhu cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng lên mức 2,13% so với đầu năm nay. Đây vẫn là mức rất thấp so với 6 tháng đầu năm 2019.
Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm… Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.
Về điều hành tỉ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng chậm. Ảnh: Đầu tư chứng khoán. |
Đặc biệt, sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch Covid -19, đến ngày 8/6/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỉ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỉ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gia hạn nợ 3.856,2 tỉ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỉ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149,2 tỉ đồng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2020/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 7/5/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỉ đồng để Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng cũng đã sớm vào cuộc khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-Ngân hàng Nhà nước để tái cơ cấu và giãn nợ, giảm phí cho khách hàng. Dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cầu vốn của khách hàng khó tăng. Nhưng điều này cũng phù hợp với diễn biến của nền kinh tế hiện nay. Chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, chúng tôi vẫn điều hành linh hoạt hằng ngày. Theo dõi sát thị trường trong nước, quốc tế và các vấn đề căng thẳng thương mại. Hiện tại lượng thanh khoản đang dồi dào. Tuy nhiên, không có nghĩ là ngân hàng sẽ hạ chuẩn cho vay để tín dụng tăng, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng” - bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Ngọc Giàu