Tìm hướng xử lý cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư
Nhiều năm qua, tại TP.HCM, hàng nghìn cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, chính quyền thành phố chưa có hướng xử lý hiệu quả để bảo đảm môi trường trong lành cho người dân.
Một cơ sở giặt nhuộm trên đường Phạm Văn Sáng, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn xả thải gây ô nhiễm môi trường. |
Chưa xử lý dứt điểm
Tại các quận, huyện ở khu vực vùng ven, do quá trình đô thị hóa, trong 5 năm trở lại đây, cơ sở sản xuất (CSSX) nằm xen kẽ trong khu dân cư mọc lên “như nấm”. Phần lớn là các CSSX nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu thuộc ngành may mặc, dệt nhuộm, da giày, tái chế phế liệu, sản xuất thuốc trừ sâu, hóa chất, phân bón...
Nhiều CSSX phát sinh khí thải, nước thải vượt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Chẳng hạn như tại ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có hàng chục cơ sở giặt nhuộm và tái chế nhựa thường xuyên xả khói đen kịt và nước thải đổ thẳng ra những con kênh thoát nước. Phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại cơ sở giặt nhuộm Thuận Phát (đường Phạm Văn Sáng, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng), ông Nguyễn Văn Hay, người dân trên địa bàn bức xúc cho biết, hai năm nay, người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền xã về cơ sở này nhưng không có chuyển biến gì. Theo quan sát, khoảng 10 lồng i-nox quay liên tục để giặt và nhuộm quần áo, sau đó toàn bộ nước thải được xả thẳng ra con rạch với một mầu xanh đậm đặc sủi bọt. Người đứng gần sẽ có cảm giác buồn nôn, choáng váng vì mùi chất tẩy quần áo bốc lên nồng nặc.
Tại khu vực kênh B, đường Võ Hữu Lợi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, nơi được xem là phố gia công, tái chế cũng có hàng chục cơ sở gây ô nhiễm. Ghi nhận trên đoạn đường này, trong khoảng 1 km có đến sáu cơ sở hoạt động nhộn nhịp, với các ngành nghề như gia công nhựa và cơ khí, súc rửa, tái chế thùng phuy...
Phản ánh một cơ sở tái chế thùng phuy đang inh ỏi tiếng máy hàn xì, bà Lê Thị Mừng, ngụ ấp 4 cho biết, cơ sở này hoạt động gần 5 năm nay và cũng chừng đó thời gian gia đình bà sống trong ô nhiễm do mùi sơn, mùi hóa chất cùng tiếng ồn của động cơ. Gia đình bà Mừng phải dùng vải, ni-lông nhét vào các khe hở của bức tường nhằm ngăn mùi hôi từ cơ sở bay sang, nhưng không có tác dụng nhiều.
Tại quận 12, các cơ sở dệt nhuộm gây ô nhiễm tại khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận gần như đã được giải tỏa, thì các cơ sở mới lại mọc lên ở những phường Tân Thới Nhất, Thạnh Xuân, An Phú Đông. Đơn cử, Công ty sản xuất tái chế nhựa Hiệp Phát Đạt (số 117, đường An Phú Đông, khu phố 1) đã bị UBND thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng vào tháng 11-2019, đồng thời buộc khắc phục việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát nhiệt... Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2017 đến nay, tại huyện Bình Chánh có 3.378 CSSX nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư (289 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường); quận 12 có khoảng 600 CSSX trong khu dân cư; huyện Hóc Môn có 240 cơ sở, đơn vị sản xuất có phát sinh khí thải, nước thải nằm trong khu dân cư... Ba năm trở lại đây, trước áp lực di dời khỏi khu vực nội thành, nhiều CSSX quy mô nhỏ đã “chạy” ra vùng ven, ngoại thành hoạt động, có chủ cơ sở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không bảo đảm về cơ sở hạ tầng, không có đủ hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết: Chính quyền địa phương dù quyết tâm trong công tác kiểm tra và vận dụng các quy định để xử lý các cơ sở vi phạm, nhưng vướng mắc lớn nhất là các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường...
Cùng quan điểm này, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12 Đặng Hải Bình cho rằng, đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khắc phục hậu quả, thách thức dư luận, nhiều quận, huyện đã chủ động đề xuất cơ quan chức năng hình thức xử lý là cắt điện, nhưng lại không nhận được sự đồng tình và phối hợp của các cơ quan liên quan, cho nên việc xử lý dứt điểm đối với những cơ sở ô nhiễm rất khó khăn. Nhiều chủ cơ sở đã lợi dụng “kẽ hở” nêu trên của pháp luật và đối phó bằng cách: thường xuyên thay đổi pháp nhân, sau khi nộp phạt vi phạm thì xin giấy đăng ký kinh doanh mới, thuê máy móc sản xuất để né bị tịch thu, bị cưỡng chế, thậm chí chấp nhận bị phạt vi phạm hành chính nhiều lần để tiếp tục tồn tại.
Cần giải pháp đồng bộ
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn Dương Văn Phúc cho biết, để xử lý các CSSX gây ô nhiễm môi trường một cách căn cơ, thành phố cần quy hoạch, đầu tư xây thêm các cụm công nghiệp, trong đó có mô hình phù hợp ưu tiên cho CSSX vừa và nhỏ theo đặc thù ngành nghề vào hoạt động. Đây chính là vấn đề bất cập hiện nay của thành phố, cho nên rất nhiều quận, huyện khi thuyết phục các CSSX ô nhiễm di dời vào khu công nghiệp (KCN) nhưng lúng túng không biết đến đâu để định hướng.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn từng tính toán sử dụng các cụm công nghiệp Khánh Đông, Nhị Xuân đóng trên địa bàn để khuyến khích các CSSX di dời, nhưng đây đều là cụm công nghiệp “sạch” khiến bài toán không thể thực hiện được. UBND quận 12 cũng cho biết, phải mất bốn năm, địa phương mới có thể đóng cửa và di dời được 16 trong số 22 CSSX dệt nhuộm gây ô nhiễm nặng ở phường Đông Hưng Thuận vào KCN Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh). Nguyên nhân là hầu hết các cơ sở không đủ năng lực tài chính cũng như không bảo đảm các điều kiện, yêu cầu về diện tích thuê đất (trung bình diện tích đất thuê tại KCN từ 5.000 m2 trở lên, trong khi các cơ sở nhỏ lẻ chỉ cần thuê vài trăm đến 1.000 m2).
UBND huyện Bình Chánh cũng đang nỗ lực rà soát và đề xuất Ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM (Hepza) hỗ trợ đưa 41 CSSX gây ô nhiễm vào một số KCN. Đại diện KCN Lê Minh Xuân 3 đưa ra giải pháp, do đơn vị chỉ còn đủ đất để bố trí cho khoảng 20 CSSX ô nhiễm của quận 12 di dời vào, cho nên trong giai đoạn 2, KCN sẽ thực hiện mô hình nhà xưởng xây sẵn với nhiều loại diện tích khác nhau phù hợp với nhu cầu và mô hình hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ như huyện Bình Chánh đã đề xuất.
Phó trưởng Ban Hepza Phạm Thanh Trực nhận định, các địa phương phải chủ động tìm hiểu nắm bắt mô hình hoạt động của các CSSX vừa và nhỏ, trường hợp nào có thể chuyển đổi nghề nghiệp thì khuyến khích thực hiện, trường hợp nào có nhu cầu và đủ điều kiện thì đề nghị di dời vào KCN. Trên cơ sở đó đề xuất thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như phối hợp các KCX - KCN có chính sách hỗ trợ thuê đất một cách hợp lý.
Để quản lý các cơ sở ô nhiễm cũng như giải quyết bài toán di dời một cách chặt chẽ và hiệu quả, TP.HCM cần có một giải pháp tổng thể từ công tác quy hoạch môi trường đến chính sách, cơ chế hỗ trợ di dời thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng sạch, xanh.
Quý Hiền