Thứ sáu, 29/03/2024 15:30 (GMT+7)
Thứ ba, 14/01/2020 11:27 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí: Bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe người bình thường

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay, 14/1, hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, thành phố Hà Nội và ứng dụng PAM Air đều đưa ra cảnh báo chất lượng không khí ở ngưỡng "rất xấu".

Ô nhiễm không khí: Bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe người bình thường - Ảnh 1
Chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội sáng nay, 14/1, được cảnh báo rất xấu. (Ảnh chụp màn hình)

Sáng nay, 14/1, Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội đã đưa ra một loạt cảnh báo “màu tím”, ngưỡng ô nhiễm không rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe, với chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) cao nhất lên tới 218. Ở ngưỡng này, mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường và ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air cũng đưa ra một loạt cảnh báo “tím” và “đỏ” tại nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội với chỉ số AQI không tốt cho sức khỏe.

Cảnh báo không khí ở mức “rất xấu”

Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 7 giờ sáng nay cho thấy chỉ số AQI lên đến 218, ở ngưỡng “tím” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “rất xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Ở nhiều điểm đo khác, chỉ số AQI cũng ở ngưỡng rất xấu như: Minh Khai (Bắc Từ Liêm) với chỉ số AQI 217; Hàng Đậu 215; Phạm Văn Đồng 212; Chi cục bảo vệ môi trường 209; Thành Công 208; khu vực gần Công viên Thống Nhất 203.

Tới thời điểm 9 giờ, nhiều điểm đo vẫn duy trì ở ngưỡng “rất xấu” như: Phạm Văn Đồng với chỉ số AQI tăng lên 217; Hàng Đậu 216; Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 215; Thành Công 215; Chi cục bảo vệ môi trường 206.

Một số khu vực khác ở ngưỡng cảnh báo màu đỏ, chỉ số AQI ở mức “xấu” từ 151-200 như: Hoàn Kiếm với chỉ số AQI lên đến 200; Mỹ Đình 194; Tây Mỗ 183; Kim Liên 180; Tân Mai 174…

Hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 7 giờ sáng nay cũng cho thấy chỉ số AQI lên đến 179, ở ngưỡng “đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Tới thời điểm 9 giờ, chỉ số AQI tại trạm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ của Tổng cục Môi trường đã giảm xuống còn 174, chất lượng không khí có cải thiện, nhưng vẫn ở ngưỡng “màu đỏ”. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 đo được là 174 1µg/m³.

Ghi nhận trên ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air trong sáng nay cũng liên tục đưa ra cảnh báo “màu đỏ” và “màu tím” tại đa số các khu vực trong nội thành Hà Nội. Trong đó, chỉ số AQI cao nhất vào thời điểm 7 giờ lên đến 236 ở điểm đo Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 189 1µg/m³.

Đến thời điểm 9 giờ 30 phút, chỉ số AQI tại hầu hết các khu vực mà ứng dụng PAM Air ghi nhận trên bản đồ vẫn hiện thị hai màu phổ biến là “tím” và “đỏ”. Thời điểm này, khu vực không khí “xấu nhất” vẫn là Trung Hòa với chỉ số AQI 227. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 có giảm nhưng vẫn ở mức cao là 172 1µg/m³.

Các khu vực có hiển thị ngưỡng cảnh báo “màu tím” phổ biến là Minh Khai (Hai Bà Trưng) với chỉ số AQI 221; A3 Ecolife Capitol (Nam Từ Liêm) 213; Bà Triệu 202; Chùa Láng 204; Cầu Giấy 202; Tây Hồ 201…

Ô nhiễm không khí còn xuất hiện ở nhiều tỉnh khu vực miền Bắc. Điển hình như Thuận Thành (Bắc Ninh) với chỉ số AQI lên tới 204; Tam Điệp (Ninh Bình) 217. Các điểm đo còn lại đều ở ngưỡng cảnh báo “màu đỏ” và “màu cam”.

Ô nhiễm không khí: Bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe người bình thường - Ảnh 2
Nhiều khu vực ở thành phố Hà Nội "chìm" trong màn sương đục mù mịt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trên bản đồ, chỉ có một khu vực hiển thị một “màu xanh” duy nhất (không khí ở ngưỡng tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe), đó là nhà bên rừng U LESA tại huyện Sóc Sơn, với chỉ số AQI 40; chỉ số bụi mịn PM 2.5 cũng ở mức rất thấp 20 1µg/m³.

“Người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe”

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường diễn ra từ đêm đến sáng và chiều tối. Thời gian ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao thường xảy ra vào nửa đêm và sáng sớm.

Tuy nhiên, từ buổi trưa đến chiều, ánh năng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất gây ô nhiễm không khí được phát tán nên chất lượng không khí sẽ được cải thiện.

Đến buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp phía trên do quá trình quá trình bức xạ hồng ngoại, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt.

Với diễn biến chất lượng không khí trên, Tổng cục Môi trưởng nhận định những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Với một loạt chỉ số AQI ở ngững “rất xấu” hiển thị trên bản đồ, Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn”.

Trước thực trạng chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng “xấu”, thậm chí có những ngày tới ngưỡng “màu nâu” - cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm ra các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị trước mắt Hà Nội cần phải có trách nhiệm tập trung nguồn, bằng mọi phương pháp huy động ngân sách, huy động lực lượng để duy trì các hệ thống quan tắc tự động nhằm xác định chính xác về môi trường không khí và cung cấp thông tin mỗi ngày 2 lần để người dân nắm bắt được.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cho biết với đặc điểm thời tiết giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.

Để theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân nên thường xuyên cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như: cem.gov.vn; aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ; PAMAir, Air visual.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí: Bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe người bình thường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.