Thứ hai, 25/11/2024 11:08 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/01/2024 06:00 (GMT+7)

Tiêu dùng xanh nhìn xanh nhìn từ chính sách và quy định hiện hành tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Tiêu dùng xanh, bền vững là việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và không gây nguy cơ cho sức khỏe con người.

I. Khái niệm và vị trí, vai trò của tiêu dùng xanh

1. Về khái niệm

Theo định nghĩa tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” ngày 01/10/2021 (“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh) thì:

Tiêu dùng xanh, bền vữnglà việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và không gây nguy cơ cho sức khỏe con người để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau[1].

Như vậy, có thể hiểu một cách ngắn gọn, Tiêu dùng xanh là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người, tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.

2. Về vị trí, vai trò

Như chúng ta đã biết, Tiêu dùng xanh là một trong những thành tố tạo nên tiêu dùng bền vững và góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh đã được phê duyệt tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Với mục tiêu tổng quát, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu[2]. Theo đó, Tiêu dùng xanh là một trong bốn mục tiêu lớn, cụ thể được đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh bao gồm các mục tiêu:            

Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP;

Thứ hai, xanh hóa các ngành kinh tế;

Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững;

Thứ tư, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Giữa các mục tiêu được nêu trên không tồn tại một cách rời rạc mà có sự tác động, tương hỗ lẫn nhau. Theo đó, việc thực hiện các hành động cụ thể, tiến đến hoàn thành mỗi mục tiêu cụ thể sẽ đồng thời góp phần thực hiện được các mục tiêu còn lại. Do đó, các biện pháp, giải pháp thực hiện phải được tiến hành một cách đồng thời, đồng bộ để có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Trong đó, chúng tôi cho rằng, mục tiêu Tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững là mục tiêu trọng tâm, một khi mục tiêu này hoàn thành, người tiêu dùng có thói quen Tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thân thiện môi trường, thì các đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nếu muốn tồn tại và phát triển. Qua đó, sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hoá các ngành kinh tế… hướng đến việc thực hiện được cam kết Net Zero Carbon vào năm 2050.

Tiêu dùng xanh nhìn xanh nhìn từ chính sách và quy định hiện hành tại Việt Nam - Ảnh 1
Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phía Nam.

II. Nhiệm vụ, chính sách, chiến lược và quy định pháp luật hiện hàng về tiêu dùng xanh

1. Về nhiệm vụ, chính sách của Nhà nước

Đối với vấn đề Tiêu dùng xanh, một bộ phận của tiêu dùng bền vững, trong việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được đề cập tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành TW (Nghị quyết 24). Theo đó, nội dung Nghị quyết 24 đã nêu quan điểm: Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế[3]. Theo đó, Nghị quyết 24 đã nêu ra nhiệm vụ[4] (i) quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia và (ii) Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Cụ thể, là các chính sách:

- Đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng quốc gia. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

- Đẩy mạnh hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên từ bên ngoài, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Phát triển sản xuất các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới để thay thế các loại tài nguyên truyền thống.

Tiếp đến, vào ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung Ương 7 Khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Kết luận 56). Theo nội dung Kết luận 56, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với từng nhiệm vụ cụ thể, bao gồm[5]:

- Rà soát, bổ sung và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; hoàn thiện cơ chế để thực hiện minh bạch hóa trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước.

- Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất ô nhiễm, khí nhà kính, hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư, vùng ven biển.

- Tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những nhiệm vụ, chính sách của Bộ Chính trị, cụ thể là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh (bao gồm Tiêu dùng xanh, bền vững), hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hoá tại Quyết định 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững được cụ thể hoá như sau[6]:

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động và tại đô thị loại I đạt 10% số lượng xe buýt mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2050: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và 100% nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 15%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại I lần lượt đạt 100% và ít nhất 40% số lượng xe buýt đầu tư mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 50%; ít nhất 45 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.

2. Về định hướng chiến lược

Chính phủ đã có những định hướng để thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh và tiếp tục áp dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh[7]. Trong đó, Mua sắm công xanh[8] được định nghĩa là hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước đối với các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được công nhận theo quy định của pháp luật.

Như vậy, về mặt chủ trương, chính sách và chiến lược đối với vấn đề Tiêu dùng xanh đã được Bộ Chính trị, Nhà nước, Chính phủ thể chế hoá, cụ thể hoá trong các nội dung quy định tại các văn bản như Nghị quyết, Kết luận và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Sự nhìn nhận, đánh giá có tính hệ thống từ Đảng, Nhà nước về việc Tiêu dùng xanh, cho chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề này. Đồng thời cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định, giúp thực thi và đạt được các mục tiêu về chiến lược, mục tiêu tổng quát và từng mục tiêu cụ thể đã được đề ra.

3. Về quy định của pháp luật hiện hành

Hiện nay, thuật ngữ pháp lý Tiêu dùng xanh chỉ được định nghĩa lần đầu tiên tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1658 (Tiêu dùng xanh, bền vững). Quyết định 1658 là văn bản thay thế cho Quyết định 1393/QĐ-TTg ban hành ngày 25/9/2012 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định 1393). Tại Quyết định 1393, cũng không có định nghĩa về Tiêu dùng xanh mà chỉ có định nghĩa về Tiêu dùng bền vững[9].

Điều này cho thấy, Tiêu dùng xanh là vấn đề rất mới, do đó cũng không ngạc nhiên khi ngoài Quyết định 1658, có đề cập trực tiếp một số nội xung quanh Tiêu dùng xanh theo dạng đi kèm với các quy định về Tiêu dùng bền vững thì các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ Luật, Nghị định, Thông tư đều chưa có quy định riêng, quy định chuyên biệt về nội dung này. Các quy định hiện hành có liên quan đến Tiêu dùng xanh hiện đang tồn tại rải rác tại một số văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, Kế hoạch… có liên quan đến quy định về bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng năng lượng; quản lý rác thải… như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả năm 2010; Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thông tư 25/2020/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng; Quyết định số 1746/QĐ-TTg Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…

III. Những khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp

1. Về những khó khăn, thách thức

So với việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá thông thường, thì Tiêu dùng xanh là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích đối với nhà cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và người tiêu dùng, đặc biệt là mang lại nhiều lợi ích về lâu dài, có tính bền vững đối với môi trường tự nhiên. Mặc dù, chủ trương, chính sách và chiến lược về Tiêu dùng xanh đã khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên việc hiện thực hoá những chủ trương, chính sách đúng đắn này thành những quy định pháp luật và có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống, để tiến đến mục tiêu hạn chế, loại bỏ việc tiêu dùng các hàng hoá không thân thiện với môi trường còn đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, chúng tôi cho rằng hai thách thức lớn nhất đối với Tiêu dùng xanh là vấn đề (i) Giá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và (ii) Thói quen tiêu dùng.

(i) Về yếu tố giá: Hiện nay, theo thống kê các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường thường có giá cao hơn các loại hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng thông thường cùng loại từ 20 – 40%[10]. Với giá thành sản phẩm cao hơn như vậy, trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam còn thấp, thì việc cân nhắc để chọn lựa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường là một sự lựa chọn khó đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể một cách máy móc buộc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hoá xanh phải giảm giá bán để cạnh tranh với hàng hoá thông thường. Bởi lẽ, chi phí để sản xuất ra hàng hoá, dịch vụ xanh tốn kém hơn do đòi hỏi các tiêu chí cao về mặt quy trình sản xuất, cung ứng, hệ thống dây chuyền, thiết bị máy móc được sử dụng cũng có giá thành cao và gần như phải được đầu tư mới hoàn toàn, yếu tố về trình độ nhân sự tham gia vào quy trình này cũng đòi hỏi phải được đào tạo khoa học, bài bản… tất cả các yếu tố này góp phần làm tăng chi phí đầu vào của khâu sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ và cấu thành vào giá thành sản phẩm, dẫn đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ này cao hơn so với hàng hoá, dịch vụ thông thường.

(ii) Về thói quen tiêu dùng: Như đã phân tích, Tiêu dùng xanh là khái niệm khá mới và tương đối xa lạ với số đông những người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam. Do đó, từ nhận thức đến ý thức về việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang còn hạn chế. Đây là trở ngại rất lớn khi triển khai các giải pháp, áp dụng các quy định vào thực tiễn, bởi vì trong những thứ khó thay đổi thì thói quen là thứ khó thay đổi nhất và thói quen tiêu dùng trong trường hợp này cũng không phải ngoại lệ. Người tiêu dùng Việt Nam đã quen với những sản phẩm, hàng hoá mang tính nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm và có thể sử dụng được lâu dài, sử dụng nhiều lần như túi nilon để chứa đựng thức ăn, chai nhựa (plastic) để đựng đồ uống thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ…

2. Đề xuất giải pháp

Trên cơ sở những khó khăn, thách thức đối với việc đạt được mục tiêu đã đề ra về Tiêu dùng xanh. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm (i) tăng tính cạnh tranh về giá cả sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ xanh và (ii) thúc đẩy thói quen tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ xanh. Cụ thể bao gồm các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh. Phát huy vai trò định hướng thị trường, dẫn dắt sản xuất và tiêu dùng xanh của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.

Thứ hai, cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường. Đồng thời, ưu đãi về thuế bao gồm thuế đối với nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào để sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ xanh, thậm chí cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Qua đó, rút ngắn chênh lệch về giá thành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thông thường và hàng hoá, dịch vụ xanh. Đảm bảo người tiêu dùng có khả năng tiếp cận như nhau về mặt giá đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ này.

Thứ ba, cần truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa vốn thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống.

Trên đây là nội dung tham luận về chủ đề Tiêu dùng xanh nhìn từ chính sách và quy định hiện hành tại Việt Nam.

Trân trọng!           

[1] STT 24 phần Giải thích từ ngữ tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021

[2] Tiểu mục 1 Mục II Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021

[3] Mục II Nghị quyết 24

[4] Mục III Nghị quyết 24

[5] Mục III Kết luận 56

[6] Điểm c Tiểu mục 2, Mục I Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

[7] Điểm h Tiểu mục 2, Mục III Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

[8] STT 14 Giải thích từ ngữ tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021

[9] Tiêu dùng bền vững: Là “việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” (UN, 1995).

[10] https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tieu-dung-xanh-tai-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-phai-phap-106815.htm

Luật sư Trương Anh Tú

Bạn đang đọc bài viết Tiêu dùng xanh nhìn xanh nhìn từ chính sách và quy định hiện hành tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới