Thứ bảy, 23/11/2024 05:17 (GMT+7)
Thứ tư, 16/06/2021 06:00 (GMT+7)

Tiếp tục hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Ngày 15/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Tiếp tục hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia - Ảnh 1
Toàn cảnh nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (giai đoạn 1A). (Ảnh minh họa: Trần Tĩnh/TTXVN)

Phát biểu chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mô tả bức tranh tổng thể về tài nguyên nước Việt Nam. Theo đó, việc xây dựng Đề án cần chỉ ra được những nguyên nhân khách quan, chủ quan; đồng thời, đánh giá được các tồn tại, thách thức và dự báo được những vấn đề về tài nguyên nước trong tương lai; từ đó, đặt ra các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, chính sách lớn, các giải pháp để giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng nội dung Đề án dựa trên nền tảng cơ sở là báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, báo cáo đánh giá quản trị nước của Ngân hàng Thế giới (WB) và những nội dung tài nguyên nước được Cục tổng hợp, rà soát trong thời gian qua.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo...

Ngoài ra, cần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát trên 90% các nguồn thải vào nguồn nước có vai trò quan trọng trong cấp nước được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.

Đồng thời, cần cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt khoảng 95 - 100%, nông thôn đạt khoảng 93 - 95%; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu…

Đại diện các đơn vị cho rằng để tiếp tục hoàn thiện Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia thì cần bổ sung các nhóm giải pháp thực hiện mang tính tạo ra sự đột phá trong công tác quản lý tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khoảng 5 năm tới như: đẩy mạnh việc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trực tuyến, xây dựng chỉ số chung về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, số hóa dữ liệu quản lý chất lượng nước, số lượng nước làm cơ sở cho công tác điều tiết, phân bổ nguồn nước…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung vào Đề án cho phù hợp.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là nhằm xác định những nguy cơ về an ninh nguồn nước và các vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước quốc gia. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam cần tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tối đa và sớm nhất các mục tiêu đặt ra, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường.

Diệu Thúy

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới