Thứ tư, 24/04/2024 10:27 (GMT+7)
Thứ tư, 03/11/2021 06:30 (GMT+7)

Tiếp cận kinh tế môi trường từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế môi trường từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam đã trải qua một thời gian khá dài cùng với sự chuyển đổi thể chế kinh tế ở Việt Nam từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bài viết đưa ra nhìn nhận về quá trình hình thành và phát triển Kinh tế Môi trường (KTMT) ở Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn, trải qua gần 30 năm kể từ khi chính thức đưa khoa học KTMT vào Việt Nam nhờ các tổ chức quốc tế, sự khởi đầu là Thụy Điển, sau đó là Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) và các tổ chức quốc tế khác cùng với sự nỗ lực của các nhà khoa học, chính sách và quản lý của Việt Nam. Đóng góp của KTMT vào đổi mới thể chế kinh tế ở Việt Nam cùng với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từ chủ trương của Đảng đến luật hóa các nội dung liên quan đến KTMT. Từ những kết quả đạt được, KTMT cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa phù hợp với tiến trình phát triển KTXH ở Việt Nam và xu hướng chung của thế giới.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế học môi trường bắt đầu được nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX với sự trợ giúp của quốc tế, nhất là Thụy Điển và sau đó được triển khai sâu rộng để tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên các trường Đại học và các viện nghiên cứu thông qua chương trình “Kinh tế và môi trường Đông Nam Á – EEPSEA” với sự tài trợ của cơ quan phát triển quốc tế Canada – CIDA và cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển – SIDA. Cùng với quá trình chuyển đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện, cụ thể hóa bằng luật pháp của Nhà nước và triển khai thực hiện của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. KTMT đã đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi của đất nước. Từ khi tiếp cận KTMT đến nay, cần phải nhìn nhận lại, phân tích và đánh giá để có những định hướng phát triển tiếp KTMT tiếp theo phù hợp với xu thế mới thế giới và thực hiện chủ trương, đường lối phát triển KTXH ở Việt Nam. 

2. Nghiên cứu lý luận về kinh tế môi trường

Khởi xướng nghiên cứu và thực thi chính sách KTMT được thực hiện ở các nước phát triển có thể chế kinh tế thị trường hiện đại như Anh, Thụy Điển, Mỹ, Canada, Nhật Bản… Về nguyên lý, KTMT được hình thành và phát triển dựa trên cơ sở khoa học Kinh tế học để giải quyết những vấn đề môi trường. Sự mở rộng của kinh tế học như kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế công cộng, kinh tế quốc tế, kinh tế đô thị, kinh tế vùng, kinh tế tri thức… và hiện nay xuất hiện kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện KTMT không chỉ có kiến thức cơ bản về kinh tế học mà còn tổng hợp của nhiều kiến thức khác, đặc biệt là kiến thức môi trường. Như vậy sự gắn kết giữa kiến thức khoa học về kinh tế và kiến thức khoa học về môi trường sẽ là nội hàm của KTMT.

Với sự phát triển không ngừng của khoa học KTMT, để giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra với những yêu cầu cao hơn và chuyên sâu hơn có các nhánh như “kinh tế chất thải”, “kinh tế sinh thái”, “kinh tế xanh” và nay là “kinh tế tuần hoàn”. Về khoa học có thể được xem xét sự phân nhánh của KTMT cũng giống như các lĩnh vực khoa học khác do yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ở Việt Nam, KTMT được tiếp nhận và kế thừa những nghiên cứu và chuyển giao ở nước ngoài từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Khởi xướng là sự giúp đỡ của Thụy Điển thông qua trường đại học kinh tế và luật Goterborg và học viện Hoàng gia Thụy Điển. Tuy nhiên KTMT thực sự được nghiên cứu và triển khai rộng rãi từ khi có chương trình Kinh tế và môi trường Đông Nam Á - EEPSEA. Thông qua chương trình này đã đào tạo được một đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên trong cả nước ở hầu hết các trường đại học không chỉ các khóa đào tạo ngắn hạn cơ bản, nâng cao mà còn hỗ trợ tài liệu, các xuất bản phẩm về KTMT [5,6,7], các Hội thảo trong nước, khu vực và Quốc tế. EEPSEA còn tài trợ nghiên cứu cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu sau đào tạo [5,6,7], bồi dưỡng KTMT với sự trợ giúp tham vấn của các chuyên gia chuyên ngành trình độ cao của thế giới, ứng dụng vào thực tiễn của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực về KTMT cho các giảng viên và nghiên cứu viên đã được đào tạo.

Đến nay, KTMT đã trở thành môn học chính thức của nhiều trường kinh tế và những ngành đào tạo khoa học môi trường. Một số trường đã mở chuyên ngành đào tạo như Đại học Kinh tế quốc dân. Hình thành bộ môn kinh tế tài nguyên và môi trường ở một số trường, như: ĐHKTQD, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Nông Lâm Thủ Đức, Đại học Tài nguyên và môi trường và một số trường Đại học khác. Phần lớn trong các trường Đại học về kinh tế và tài nguyên, môi trường có môn học KTMT và nghiên cứu về KTMT, như: trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Kinh tế Huế; Các trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh… Điều đáng lưu ý là sau khi EEPSEA kết thúc đã thành lập Viện Kinh tế và môi trường Đông Nam Á thuộc Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đó là thành lập Viện Kinh tế Môi trường thuộc Đại học Kinh tế Huế. Tại các Viện Nghiên cứu, KTMT là một trong những nội dung chính được đưa vào nghiên cứu, thậm chí hình thành các ban nghiên cứu, bộ môn nghiên cứu như Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT; Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp, Bộ NN&PTNT; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, về mặt lý luận có thể khẳng định: KTMT ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vai trò của mình trong hệ thống các ngành khoa học, là sự kết nối giữa kinh tế và môi trường để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho đất nước, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

3. Thực tiễn ứng dụng kinh tế môi trường

KTMT được nghiên cứu và triển khai thực hiện ở Việt Nam cùng với quá trình chuyển đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, do vậy ứng dụng trong thực tế chủ yếu song hành cùng với xây dựng và hoàn thiện chính sách kinh tế từ chủ trương của Đảng đến xây dựng pháp luật và các văn bản dưới luật. 

- Về chủ trương của Đảng

Năm 1998 lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị 36/CT-TW về “tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [2], lần đầu tiên trong nội dung liên quan đến KTMT chỉ thị đã đưa ra giải pháp “Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh thi hành Luật Bảo vệ môi trường” [2]. Đến năm 2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/W về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [3], trong nội dung các giải pháp chính thực hiện bảo vệ môi trường liên quan đến KTMT có giải pháp thứ tư về “áp dụng các biện pháp kinh tế về bảo vệ môi trường”, nội dung chỉ đạo của giải pháp này là “Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường. Áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Khuyến khích áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường” [3]. Như vậy Nghị quyết 41 đã đưa ra giải pháp cụ thể dựa trên nguyên tắc thị trường đối với thực hiện bảo vệ môi trường đó là “người gây ô nhiễm phải trả tiền - PPP” [3], cần phải từng bước áp dụng công cụ kinh tế cho quản lý môi trường như thuế, phí, ký quỹ… và xây dựng cơ chế thị trường cho trao đổi mua bán quyền phát thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” [1] liên quan đến KTMT trong nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết đã chỉ ra “Phát triển ngành KTMT trên cơ sở ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải” [1]. Như vậy nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định KTMT là một ngành thể hiện vị trí trong phân ngành kinh tế. Mặt khác đối với giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách trong quản lý tài nguyên và môi trường, để tăng cường hơn nữa đối với TNMT trong nhóm những giải pháp chính, giải pháp thứ tư cũng đã chỉ ra “Quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” [1]. Nghị quyết 24 đã nâng cao vị thế của KTMT, phù hợp với xu hướng chung của thế giới gắn kết giữa kinh tế và môi trường thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, nhất là đầu tư trở lại cho phục hồi môi trường. Sau 5 năm thực hiện nghị quyết 24, nhằm đánh giá kết quả thực hiện, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” [4]. Trong Kết luận 56 về nhiệm vụ giải pháp cho những năm tiếp theo cũng đã chỉ rõ: “Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; Thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường” [4]. Như vậy, KTMT tiếp tục thực hiện yêu cầu quan trọng theo Kết luận 56 của Bộ Chính trị cho những giai đoạn tiếp theo. 

Từ chỉ thị số 36/CT-TW năm 1998 đến Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 và Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013, KTMT đã có một vị trí quan trọng trong các nhiệm vụ và giải pháp của chỉ thị và Nghị quyết, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW là căn cứ để triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thực hiện chỉ đạo cho các Bộ, ngành và địa phương về các nội dung liên quan đến KTMT. 

- Về pháp luật của Nhà nước

Từ chủ trương của Đảng thể hiện trong các chỉ thị và Nghị quyết, những nội dung liên quan đến KTMT đã được cụ thể hóa trong các luật liên quan đến tài nguyên và môi trường như luật bảo vệ môi trường, luật đa dạng sinh học, luật thuế môi trường, luật bảo vệ rừng trước đây nay là luật lâm nghiệp… Những văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành như Nghị định về thu phí nước thải, Nghị định ký quỹ phục hồi môi trường rừng, Nghị định ký quỹ môi trường trong khai thác khoáng sản. Những nghị định này đã được triển khai thực hiện và ngày càng thể hiện tính hiệu quả của công cụ kinh tế cho quản lý môi trường góp phần điều chỉnh hành vi của người gây ô nhiễm và quan trọng hơn tăng cường nguồn thu tài chính cho bảo vệ môi trường. 

Đối với các địa phương, UBND tỉnh ban hành quy định thu phí rác thải đã cho thấy vai trò của công cụ phí nhằm bổ sung kinh phí cho quản lý rác thải ở địa phương. Hiện nay, phí rác thải, nước thải đã và đang chuyển dần sang cơ chế giá thỏa thuận thể hiện rõ hơn vai trò của KTMT dựa trên nguyên tắc thị trường trong quản lý môi trường đối với rác thải và nước thải.

Đến nay các nội dung liên quan đến KTMT đã trở thành yêu cầu tất yếu trong triển khai thực hiện nhằm phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Mới đây Luật Bảo vệ môi trường, Luật số 72/2020/QH14 năm 2020 đã được Quốc Hội khóa IV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020 [8] đã sửa đổi các nội dung liên quan đến KTMT; Đưa vào nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt có một mục riêng về “công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường”, sửa đổi bổ sung cách thức xác lập thuế/phí môi trường hướng đến điều chỉnh mạnh hơn đối với hành vi BVMT, bổ sung một số công cụ mới như chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển, đất ngập nước và núi đá; Quy định về trái phiếu xanh, tín dụng xanh... Để cụ thể hóa các điều khoản của luật có hiệu lực từ tháng 1/2022, hiện nay đang quá trình xây dựng Nghị định để Chính phủ ban hành. 

Thông qua các văn bản pháp luật, nội dung KTMT cơ bản đã được áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam; Trong đó có những nội dung Việt Nam là gương sáng để báo cáo kinh nghiệm cho các nước trong khu vực Đông Nam Á học hỏi kinh nghiệm, như: Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, việc ứng dụng trong thực tiễn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Công cụ thuế/phí chưa đủ mạnh để điều chỉnh hành vi người gây ô nhiễm môi trường. Hệ sinh thái tự nhiên chưa được lượng giá và hạch toán đầy đủ thiếu những tính toán đủ sức thuyết phục nhà hoạch định chính sách và quản lý, các dự án đầu tư chưa sử dụng tính toán kinh tế, nhất là phân tích chi phí-lợi ích (CBA) để sàng lọc lựa chọn ưu tiên đầu tư nhằm ngăn chặn từ khi cho phép đầu tư đối với nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường. Có những vấn đề đã quy định phải thực hiện, nhưng chưa thực hiện được như tính GDP xanh quốc gia.

4. Một số kiến nghị nhằm tăng cường kinh tế môi trường ở Việt Nam

KTMT đã trải qua những giai đoạn phát triển cùng với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong chuyển đổi thể chế kinh tế từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhằm tăng cường hơn nữa những đóng góp của KTMT vào phát triển kinh tế, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường hướng đến phát triển bền vững, những vấn đề sau đây cần được tiếp tục nâng cao.

-Thứ nhất,về lý luận

Trên cơ sở những lý luận về KTMT đã được hình thành và phát triển ở Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trải qua gần 30 năm đã có nhiều thay đổi, cần tiếp tục nâng cao và hoàn thiện về cơ sở lý luận kinh tế học môi trường để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là công nghệ thông tin trong chuyển đổi số. Sự mở rộng lý thuyết được nhìn nhận từ kinh tế học môi trường như kinh tế xanh, kinh tế cacbon thấp, kinh tế biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn. Yêu cầu thực tiễn cũng đang đặt ra những nghiên cứu KTMT ở tầm cao, đầy đủ và chính xác phục vụ hoạch định chính sách và quản lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

-Thứ hai,về thực tiễn 

Từ thực tiễn ứng dụng KTMT thời gian vừa qua cho thấy vai trò của KTMT trong xây dựng chính sách là hết sức quan trọng, từ những chủ trương của Đảng và được thể chế hóa thành luật, các nghị định phục vụ công tác quản lý về tài nguyên và môi trường, nhất là việc sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Để tiếp tục ứng dụng KTMT tốt hơn trong thực tiễn, cần có sự đánh giá hiệu quả của những chính sách đã ban hành từ chủ trương của Đảng đến các luật liên quan và các văn bản triển khai dưới luật: Nghị định, thông tư, quyết định liên quan đến KTMT làm cơ sở cho sửa đổi và hoàn thiện các nội dung chính sách đã triển khai đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với bối cảnh mới. Bổ sung những chính sách mới do yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhất là các công cụ kinh tế cho quản lý môi trường như mua bán quyền phát thải, thuế Cacbon và những công cụ kinh tế cần điều chỉnh hành vi môi trường do thực tiễn đặt ra. Trong ứng dụng triển khai cần có sự kết nối với các lĩnh vực khác như kỹ thuật môi trường và các khoa học khác, để xác định chính xác những tiêu chí yêu cầu trong tính toán, hạch toán về môi trường. Sự hiểu biết và vận dụng được công cụ kinh tế trong thực thi chính sách và quản lý môi trường là yếu tố cơ bản, do vậy cần thường xuyên nâng cao nhận thức và hiểu biết thông qua tập huấn, đào tạo, truyền thông và truyền bá kiến thức KTMT cho các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp và người dân tạo ra sự đồng thuận chung của xã hội. Cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tính kết nối giữa lý luận và thực tiễn về kinh tế và môi trường ở Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa hạch toán môi trường, nhất là giá trị của dịch vụ hệ sinh thái: Rừng, biển, đất ngập nước và núi đá [4,8]. Tiếp tục triển khai tính toán GDP xanh cho Việt Nam dựa trên cơ sở thống kê, hạch toán về môi trường. Xây dựng các tài khoản vệ tinh về tài nguyên và môi trường, đề xuất đưa vào hệ thống thống kê tài khoản quốc gia.

5. Kết luận

KTMT từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam đã trải qua một thời gian khá dài cùng với sự chuyển đổi thể chế kinh tế ở Việt Nam từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và quản lý của Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần bảo vệ môi trường ở Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Từ những chủ trương của Đảng thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết đến thể chế hóa bằng pháp luật của Nhà nước. Triển khai thực hiện của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân cho thấy tính hiệu quả của KTMT, nhất là sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Để nâng cao hơn nữa KTMT đáp ứng yêu cầu mới, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận và triển khai ứng dụng trong thực tiễn nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, hoàn thiện bổ sung những nội dung mới để phát huy vai trò của KTMT.

Tài liệu tham khảo

[1] Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

[2] Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị 36/CT/TW ngày 25/6/1998 “về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

[3] Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 "về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

[4] Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

[5] Bùi Dũng Thẻ và Herminia Francisco. Chương trình kinh tế và môi trường Đông Nam Á (EEPSEA). “Kinh tế học về quản lý môi trường ở Việt Nam”. NXB TP.Hồ Chí Minh-2014.

[6] Bui Dung The, Herminia Francisco. Economy and Environment Program for Southeast Asia (EEPSEA). Sida. IDRC*CRDI. 2010

[7] Herminia Francisco, David Glover. Economy and Environment Program for Southeast Asia (EEPSEA). “Economy & Environment Case studies in Vietnam”. ISBN: 981-04-1983-X. 1999 International Development Research Ceterre (IDRC). Siganpore. Printed by Roma Graphics, Inc. Philipines.

[8] Quốc Hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 ngày 17/11/2020. Luật số 72/2020/QH14 “luật bảo vệ môi trường”.

Nguyễn Thế Chinh (1), Lại Văn Mạnh (2), Nguyễn Thế Thông (2)

(1)Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

(2)Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Tiếp cận kinh tế môi trường từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.