Tiền Giang: Điều chế thuốc trừ sâu từ thân thiện môi trường
Kỹ sư Dương Phát Thịnh (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công) đã nghiên cứu, điều chế thành công "Thuốc trừ sâu sinh học từ thân và rễ dây cóc kèn", sáng kiến này đã được trao giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII.
Theo đó, sản phẩm hướng đến mục tiêu mang đến một loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc, thân thiện với môi trường, giúp tạo ra nguồn nông sản sạch, đảm bảo an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Để tạo ra sản phẩm, anh Thịnh đã sử dụng rễ và thân dây cóc kèn sau khi rửa sạch, đập dập hoặc giã nát, sau đó cắt hoặc băm nhỏ cho vào lọ thủy tinh. Tiếp theo, cho 2 lít cồn 90 độ, 1 kg rễ và dây cóc kèn vào lọ thủy tinh, đậy kín, để ở nơi thoáng mát trong khoảng 3 tuần sẽ có được hỗn hợp thuốc trừ sâu sinh học từ rễ và thân dây cóc kèn với màu nâu rất đậm.
Trong đó, chủ yếu là các loại nguyên liệu dễ kiếm tại khu vực địa phương. Điển hình là dây cóc kèn - nguyên liệu dễ tìm, thích nghi với vùng đất ngập mặn ven biển Gò Công.
Thuốc trừ sâu sinh học làm từ dây cóc kèn có thể diệt được sâu tơ, sâu ăn tạp trên rau màu, rệp muội (làm héo đọt); Đặc biệt, rất hiệu quả với sâu tơ (trứng sâu bị diệt sau 1 tuần phun thuốc), vốn có khả năng kháng lại một số thuốc bảo vệ thực vật nếu dùng thường xuyên, liên tục.
Theo như dự tính của anh Thịnh, khi canh tác 1 ha cải ngọt, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch (khoảng 20 ngày), nông dân tiến hành phun xịt thuốc trừ sâu ít nhất 2 lần. Nếu sử dụng thuốc E12-ND (emamectin benzoate), loại chai 50 ml (giá 120.000 đồng/chai), phun 2 đợt 30 chai, tổng chi phí khoảng 3,6 triệu đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, nông dân chỉ tốn khoảng 600.000 đồng (40 lít x 15.000 đồng/lít), tiết kiệm được chi phí so với những loại thuốc khác trên thị trường.
Kỹ sư Dương Phát Thịnh còn cho biết, sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học do anh sáng chế đang được áp dụng thí điểm tại Hợp tác xã Long Hòa (thị xã Gò Công), sau đó sẽ mở rộng ra Hợp tác xã rau an toàn Gò Công. Về lâu dài, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công sẽ tổ chức chuyển giao, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất, pha chế và kỹ thuật phun xịt để giúp mang lại hiệu quả cao nhất.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học sẽ giúp thay thế thói quen dùng các loại thuốc trừ sâu hóa học gây hại tới con người, hạn chế tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường sống.
Sử dụng an toàn với sức khỏe con người và môi trường, không gây hại cho các hệ sinh thái vi sinh vật hữu hiệu của đất, cây trồng, kiểm soát được mức độ gây hãi bởi tác dụng tiêu diệt sâu bệnh dựa trên cơ chế gây độc sinh học.
Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian cách ly nông sản, thực phẩm sử dụng, dư lượng độc trên nông sản rất ít (hầu như không có), tăng sức đề kháng cho cây trồng.
Đồng thời, phổ tác dụng rộng, hiệu lực thuốc sinh học kéo dài. Các chế phẩm trừ sâu vi sinh có khả năng lây lan và tồn tại trên cơ thể sâu hại một thời gian dài. Điều này có lợi do làm tăng lượng thiên địch ký sinh trên đồng ruộng góp phần hạn chế sâu hại.
Nếu có thể phát huy được những sản phẩm thân thiện với môi trường này, trong tương lai có thể vừa giúp đẩy nhanh sự phát triển nông nghiệp, vừa đi đôi với việc bảo vệ môi trường.
Huỳnh Mai (t/h)