Tích nước trái phép nhiều lần, thủy điện Plei Kần chỉ bị phạt 25 triệu đồng
Ngày 24/11, Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Kon Tum cho biết, sở này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực tài nguyên nước đối với Công ty Cổ phần Tấn Phát 25 triệu đồng.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, Công ty Tấn Phát khi thực hiện dự án công trình thuỷ điện Plei Kần đã tích nước trái phép (chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép tích nước theo quy định); không đúng quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do Bộ TN&MT cấp ngày 18/9/2019.
Trước đó, báo chí liên tục phản ánh về việc Công ty Tấn Phát phớt lờ mọi quy định, bất chấp an toàn tính mạng, tài sản của nông dân… liên tục nhiều lần tự ý tích nước trái phép để vận hành máy thủy điện Plei Kần. Thậm chí, trong các ngày mưa bão số 5,6,9 dồn dập, thủy điện này vẫn ngang nhiên tích nước.
Đáng nói, buổi sáng đoàn liên ngành lập biên bản, buổi chiều nước lại ngập gần nóc nhà dân. Ngày 19/11, văn bản kiểm tra toàn diện thủy điện Plei Kần của chính quyền chưa ráo mực thì công ty lại cho tích nước vận hành máy để chuyên gia Trung Quốc kiểm tra kỹ thuật.
Hậu quả của hành vi thủy điện tích nước vô lối, bất chấp này khiến gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại, nặng nề nhất là con đường vào khu đất sản xuất 350 ha tại xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) bị cô lập hoàn toàn.
Chia sẻ với báo Lao động, ông Phạm Trung Thê - người dân trú xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô cho biết: "Cao su đến vụ mùa thu hoạch, gia đình tôi lấy mủ rồi chất đống, để thối dưới gốc cây. Cà phê chín đỏ rực đến thối trên cành mà không hái được vì đường vận chuyển nông sản không có. Thủy điện tích nước làm ngập con đường độc đáo dẫn vào rẫy cà phê, người nông dân chỉ biết khóc ròng nhìn nông sản héo úa, trôi theo con nước".
Được biết, kể từ khi thủy điện Plei Kần được xây dựng và đi vào vận hành thử nghiệm, người dân gánh chịu khổ cực đủ đường. Trong mưa bão, thủy điện tích nước gây ngập, hết bão vẫn tích lượng nước lớn khiến người nông dân trắng tay.
Liên quan đến sự việc, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư dừng ngay việc tích nước trái phép tại thủy điện Plei Kần; khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do việc tự ý tích nước gây ra.
Trường hợp không chấp hành, đề nghị xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với thủy điện Plei Kần cho đến khi chủ đầu tư hoàn thành việc bồi thường thiệt hại cho dân. Cụ thể, chủ đầu tư phải khắc phục đường đi và vào khu sản xuất, để thuận tiện việc đi lại, vận chuyển nông sản, đảm bảo an toàn cho người dân.
Dự án Thủy điện Plei Kần được UBND tỉnh Kon Tum quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Tấn Phát vào ngày 17/10/2016, dự án được thực hiện trên sông Pô Kô thuộc thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Diện tích đất sử dụng dự án là 128,6 ha (trong đó diện tích chiếm đất vĩnh viễn 122,9 ha, diện tích chiếm đất tạm thời là 5,7 ha)
Dự án có công suất là 17 MW, điện lượng trung bình hằng năm là 59,051.10 triệu Kwh; Tổng vốn đầu tư của dự án là 575,8 tỉ đồng (trong đó vốn góp của công ty chiếm 30% và vốn huy động từ ngân hàng Agribank tỉnh Kon Tum chiếm 70%), thời hạn của dự án là 50 năm.
Liên quan đến vấn đề thủy điện tích nước trái phép, mới đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp cho Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện Miền Trung Việt Nam tại nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Trước đó, trong đợt cơn bão số 13, nhà máy thủy điện Thượng Nhật, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tích nước trái phép khiến dư luận bức xúc.
Qua kiểm tra, đoàn công tác Bộ Công Thương cho biết, chủ đầu tư đã vi phạm 2 quy định thuộc Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 16 có quy định “Không thực hiện quan trắc, hoặc không xử lý, lưu trữ số liệu quan trắc”. Chủ đầu tư đã bố trí các thiết bị quan trắc hồ và đập ở công trình thủy điện Thượng Nhật nhưng không tiến hành quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc như quy định.
Vi phạm điểm a, khoản 3, điều 16 “Không có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hoặc vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Đoàn kiểm tra khẳng định trong đợt bão số 13 vừa qua, chủ đầu tư chưa tuân thủ quy trình vận hành phòng chống bão lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh yêu cầu mở hoàn toàn 5 cửa van nhưng chủ đầu tư 2 lần không mở hoặc mở ở trạng thái không hoàn toàn...
Đoàn đã lập biên bản 2 vi phạm trên để đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Với mỗi hành vi vi phạm trên, chiếu theo quy định của Nghị định 134 thì bị phạt với số tiền từ 30-35 triệu đồng; đối với tổ chức, doanh nghiệp thì bị phạt gấp đôi.
Nhật Hạ