Thứ sáu, 11/10/2024 03:59 (GMT+7)
Thứ năm, 19/11/2020 10:58 (GMT+7)

Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam và những con số biết nói

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia cho rằng, độ che phủ của rừng ở Việt Nam đạt gần 42%, trong khi thế giới bình quân chỉ 29%. Đây là con số là đáng mừng nhưng xét về chất lượng rừng là câu chuyện đáng bàn.

Hơn nửa là rừng sản xuất

Chưa bao giờ tỉ lệ che phủ rừng lại nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều như thời gian qua. Bởi lẽ miền Trung vừa trải qua những thảm họa thiên tai khốc liệt gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Giới chuyên gia lẫn dư luận cho rằng, đó là một phần của hệ quả từ việc tàn phá rừng tự nhiên.

Mới đây, nói về hệ số phủ rừng của Việt Nam, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra một con số cực kỳ ấn tượng là tỉ lệ che phủ rừng hiện đạt gần 42%, trong khi thế giới bình quân chỉ 29%. Cả nước có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha.

Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách để giữ rừng như tăng chế độ khoán cho người dân giữ rừng. Cùng đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm xã hội hóa được 3.000 tỉ đồng…" Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam và những con số biết nói - Ảnh 1
Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam hiện đạt gần 42%. (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia cho rằng, độ che phủ của rừng ở Việt Nam đạt gần 42% là con số là đáng mừng nhưng xét về chất lượng rừng là câu chuyện đáng bàn. Những năm 1945, đa số là rừng tự nhiên. Còn trong tổng số hơn 14 triệu ha rừng hiện nay, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất.

10 năm qua, trung bình mỗi năm toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha nhưng có 215 nghìn ha là rừng sản xuất. Tất nhiên, diện tích rừng trồng mới không thể bù đắp được giá trị của hàng chục nghìn ha rừng nguyên sinh đã bị mất đi hoặc thay thế vào đó là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế, do hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã bị phá vỡ.

Trước xu hướng nhiều địa phương tính diện tích cây công nghiệp dài ngày vào tính độ che phủ rừng, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về con số 42% tỉ lệ che phủ rừng hiện nay. Những cây công nghiệp dài ngày đúng là có độ che phủ, nhưng không mang tính bền vững, đặc biệt, không có tính đa dạng sinh học và không thể giúp chống mưa lũ, hay trở thành hồ chứa nước ngầm như rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng.

Mới đây, chia sẻ với Vnexpress, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, giám đốc, người sáng lập Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, các khu rừng rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố đều các tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam với 54/63 tỉnh thành có các khu rừng đặc dụng và 59/63 tỉnh có rừng phòng hộ. Tuy nhiên, tỉ lệ và chất lượng rừng tự nhiên rất thấp.

Ví dụ vườn quốc gia Bến En ở tỉnh Thanh Hóa trước năm 1992 vốn thuộc lâm trường Như Xuân, bị khai thác kiệt quệ hết các cây gỗ, tài nguyên động thực vật. Năm 1992, vườn quốc gia Bến En được thành lập, nhà nước bắt đầu có chương trình về trồng rừng, đầu tiên trồng cây keo và nhiều loại cây khác để làm giàu lại khu rừng. Sau 30 năm, hiện nay ở Bến En vẫn có khoảng 3.000 ha rừng rất nghèo nàn, chủ yếu chỉ là những cây tre trúc, bụi rậm.

Phát triển rừng đang chạy theo thành tích

Còn theo thông tin trên Tạp chí Diễn đàn DN, bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhìn nhận, Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á thành công về nỗ lực chuyển từ tình trạng có tỉ lệ mất rừng cao sang trồng và tái sinh rừng.

Song các số liệu về diễn biến rừng cùng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chuyển dịch rừng ở Việt Nam không còn là “bức tranh đẹp” như ban đầu khi xu hướng chuyển dịch đang dần trở thành các giao dịch kinh tế.

Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam và những con số biết nói - Ảnh 2
Chương trình phát triển rừng ở Việt Nam đang chạy theo thành tích “lấy số lượng bù chất lượng”.

Thực tế độ che phủ cây (không phải là rừng) không thể che đậy được tình trạng biến mất rừng tự nhiên và cũng không thể bù đắp được các chức năng phòng hộ sinh thái, hạn chế thiên tai mà rừng tự nhiên có thể đem lại.

Những trận bão liên tiếp và lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của mà còn phát lộ những mảng “rách” lớn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Kể từ năm 2005 đến nay, độ che phủ rừng ở Việt Nam nhìn bên ngoài vẫn tăng hàng năm và thường được báo cáo là kết quả thành công của chính sách cùng chương trình phát triển rừng. Nhưng thực tế chương trình phát triển rừng ở Việt Nam đang chạy theo thành tích “lấy số lượng bù chất lượng”.

Mục tiêu "tăng tỉ lệ che phủ rừng” trở thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và hậu quả là những cây ngoại lai phát triển nhanh, như: keo, bạch đàn... Thậm chí, cây đa mục đích như cao su được phát triển tràn lan để đáp ứng thành tích “nâng cao độ che phủ rừng” này.

Nhờ vậy mà diện tích rừng trồng cứ tăng liên tục, từ 2,3 triệu ha năm 2005 lên 4,1 triệu ha vào năm 2016 và 4,3 triệu ha vào năm 2019. Song diện tích rừng tăng thêm trong các báo cáo này không có tác dụng ngăn chặn thiên tai, lũ lụt, sạt lở vì chất lượng được đánh giá ở mức thấp.

Hệ quả phần trăm độ che phủ rừng mà quên chất lượng như hiện nay dẫn đến tình trạng rừng không đáp ứng được yêu cầu mà còn tạo ra cơ hội để chuyển đổi rừng vô tội vạ, xà xẻo rừng, biến rừng giàu thành rừng nghèo...

Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam và những con số biết nói - Ảnh 3
Tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp.

Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ về những hậu họa của việc để suy giảm diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhưng Bộ NN&PTNT thừa nhận, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy, việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội... chính là nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi lũ lụt xảy ra.

Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện. “Người dân thường khai phá vào đêm, chỉ vài mét vuông mỗi ngày. Sau một thời gian dài, diện tích lớn rừng bị đốt khai phá thành đất nông nghiệp. Khi bị phát hiện thì cây trồng đã được trồng, vài năm sau, người dân biến đất lâm nghiệp thành đất canh tác của nhà mình” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11%, và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế. Theo  nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo kế hoạch chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 42 - 43%. Trồng rừng sản xuất khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030, trong đó chủ yếu là trồng tái canh. Riêng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở miền núi và ven biển sẽ bảo tồn và bảo vệ khoảng 3,3 triệu ha. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000 - 6.000 ha/năm và phấn đấu phục hồi khoảng 150.000ha rừng.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam và những con số biết nói. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.