Thứ sáu, 26/04/2024 10:33 (GMT+7)
Thứ tư, 26/05/2021 16:47 (GMT+7)

Thủy điện vẫn ‘mọc’ lên bất chấp sự phản đối của người dân

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm nay, làn sóng phản đối thủy điện nổi lên dồn dập, bởi các công trình thủy điện vừa và nhỏ luôn tiềm ẩn gây nguy cơ gây tai họa cho cộng đồng và môi trường…

Trong những năm qua, hệ thống thủy điện vừa và nhỏ đã mang lại nhiều lợi ích đối với an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nó cũng để lại vô số những hệ lụy nghiêm trọng.

Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ do tư nhân làm có chất lượng kém, không bảo đảm an toàn công trình, có nguy cơ vỡ đập khi lũ lớn. Hồ chứa thủy điện chính là hạng mục quan trọng, có tác động đến môi trường và tính an toàn địa chất, vì vậy cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định cho phép đầu tư ở các dự án thủy điện sau này.

Ngoài ra, để xây dựng được các công trình thủy điện nhỏ sẽ phải lấy đi một diện tích rừng khá lớn và để lại những hệ lụy xấu cho môi trường như sạt lở, xói mòn đất, đe dọa cuộc sống của người dân xung quanh. Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa lũ, người dân ở dưới công trình thuỷ điện nơm nớp lo sợ vỡ đập, xả lũ…

Thủy điện vẫn ‘mọc’ lên bất chấp sự phản đối của người dân - Ảnh 1
Thủy điện nhỏ mọc lên như nấm ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: VOV)

Theo chia sẻ của người dân sinh sống dọc con suối Tấc (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), trước đây, huyện Phù Yên vì đập thủy điện Hòa Bình đã phải di dân rất nhiều, hiện nay chỉ còn một ít ruộng ở cánh đồng Quang Huy. Khi công trình hoàn thành đi vào phát điện sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán, thiếu nước sản xuất cho cánh đồng. Đồng thời cũng gây ra tình trạng mất nước cho vùng hạ lưu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân nơi đây. Đáng chú ý, tại các buổi làm việc ở xã, ở huyện, khi đại diện chủ đầu tư mời tham vấn về các tác động trực tiếp của dự án, tất cả những người tham dự đều bày tỏ sự không đồng thuận với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện.

Là xã có tới 8 thủy điện nhỏ, nhưng người dân Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chưa bao giờ tự hào về thủy điện. Bởi khi thủy điện phía thượng nguồn xả lũ, nước tại hồ chứa vùng hạ du sẽ không tiêu thoát kịp, tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về thảm họa lũ quét. Ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã cho biết, trung bình các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, mỗi thủy điện lấy khoảng 5 ha đất. Như vậy, Bản Hồ sẽ mất khoảng 40 ha, toàn đất hai bên suối là những vị trí đẹp người dân dựng nhà, canh tác lâu đời.

Tại tỉnh Lai Châu, thực tế các công trình thủy điện vừa và nhỏ đang thi công trên địa bàn huyện, ít nhiều đều vi phạm lấn vào đất rừng, đổ xả thải sai quy định, hoặc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến dân sinh, ông Lường Văn Nghen, Trưởng phòng TN&MT huyện Mường Tè khẳng định.

Ông cũng cho biết thêm, đối với các đơn vị vi phạm ngoài quy hoạch về đất rừng chủ yếu là các đường công vụ và các đường tránh. Năm 2019, huyện có kiểm tra và xử lý 4 đơn vị liên quan đến vấn đề sử dụng đất sai với quy hoạch theo phạm vi được cấp có thẩm quyền giao, xử phạt vi phạm hành chính. 

Đáng chú ý, năm 2017 lũ quét, sạt lở đất ở Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái) trong ngày 2 và 3/8 làm 32 người chết và mất tích. Năm 2018, lũ quét, sạt lở đất bất thường ở Lai Châu làm 25 người chết, mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 314 tỉ đồng.

Thủy điện vẫn ‘mọc’ lên bất chấp sự phản đối của người dân - Ảnh 2
Bạt đồi, xẻ núi để làm thủy điện. (Ảnh: VOV)

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, để làm 160 dự án thủy điện, chúng ta mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án "ngốn" 125 ha. Một thống kê khác cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng, chưa kể những thiệt hại khác như phá rừng để lấy đất phục vụ tái định cư, tình trạng biến đổi dòng chảy, lúc thiếu lúc thừa nước, lũ lụt đe dọa, môi trường bị tàn phá, động thực vật hoang dã bị tận diệt… 

Về nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất, các chuyên gia đánh giá có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện… Những năm gần đây mỗi khi mưa bão thường kèm theo lở đất và lũ quét. Nguyên nhân quan trọng nhất của hiện tượng này, không gì khác là do rừng đã bị tàn phá, tận diệt.

Không phủ nhận các dự án thủy điện có liên quan đến việc ô nhiễm môi trường, mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, biến đổi địa chất. Song, trước diễn biến bất thường của thời tiết, cần đưa ra những dự báo sát hơn, có bản đồ cảnh báo sạt lở... để ứng phó tốt hơn với thực trạng biến đổi khí hậu trong tương lai. Việc xây dựng công trình thủy điện phải đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, lợi ích của người dân, rồi đến lợi ích nhà đầu tư.

Hàng loạt dự án thủy điện được khởi công

Tỉnh Sơn La có 65 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó 47 dự án đã phát điện. Tỉnh Sơn La cũng đã lập quy hoạch trình Bộ Công Thương phê duyệt 22 dự án.

Tại Lai Châu, theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 137 dự án thủy điện đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 3.974,8 MW. Trong đó, có 21 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh, 28 dự án đã thi công và có đến 7 dự án có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.

Còn tại Lào Cai, trong những tháng đầu năm 2020 đã có 4 dự án thủy điện hoàn thành phát điện gồm: Minh Lương Thượng, Bắc Cuông, Ngòi Phát mở rộng, Bắc Nà. Trước mắt, UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận thêm 27 dự án thủy điện vào khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, cùng với 33 dự án thủy điện do các doanh nghiệp đề xuất và đã được cơ quan chuyên môn đánh giá có tiềm năng đề nghị bổ sung quy hoạch. Cũng theo ngành Công thương cho biết, hiện có 99 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.300 MW.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện vẫn ‘mọc’ lên bất chấp sự phản đối của người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới