Thứ sáu, 22/11/2024 16:07 (GMT+7)
Thứ năm, 05/11/2020 10:54 (GMT+7)

Thủy điện - 'Nỗi ám ảnh' của người dân vùng lũ

Theo dõi KTMT trên

Dù thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện lại làm mất rừng, khiến lũ lụt, lũ quét xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn, nhất là khi thủy điện buộc phải xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

Đó cũng là nỗi lo không nhỏ của người dân vùng rốn lũ miền Trung…

Thủy điện - 'Nỗi ám ảnh' của người dân vùng lũ - Ảnh 1

Thủy điện nở ra, rừng già hẹp lại

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182MW.

Theo tính toán lý thuyết, tổng công suất thủy điện của Việt Nam vào khoảng 35 nghìn MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam. Tiềm năng kỹ thuật (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26 nghìn MW, tương ứng với gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm có thể sản xuất hơn 100 tỉ kWh, trong đó nói riêng thuỷ điện nhỏ có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15 - 20 tỉ kWh/năm. Nhìn chung, thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35 – 40 % sản lượng năng lượng quốc gia.

Nhiều năm qua tại Việt Nam, những thủy điện vừa và nhỏ (đa số dưới 50 MW) đang được xây dựng với một tốc độ chóng mặt trên tất cả các hệ thống sông, suối với tỉ lệ dày đặc cũng đã làm gia tăng các vấn đề môi trường – xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi cho sự phát triển bền vững của toàn bộ khu vực.Và chúng ta cũng đã nhìn thấy sự bất cập trong việc phát triển nóng này.

Theo một thống kê cho biết, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha đất. Việc xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc kiểm soát các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đến 31/12/2018, có 37 tỉnh có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên với 2.954 dự án, đề nghị chuyển mục đích 136.769 ha rừng. Bộ này cũng có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 22 tỉnh, với 86 dự án (chiếm 3% số dự án đề xuất), diện tích 1.489 ha (chiếm 1,9% tổng diện tích đề nghị của địa phương).

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường) cho biết, xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng cũng bị cho xây dựng các hạng mục công trình khác (nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện). Mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch, kèm theo đó là mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư.

Còn theo phân tích của TS Lê Thị Thanh Hà - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc phát triển ồ ạt thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Tính trung bình 1 MW thủy điện đã chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời. Mất rừng là mất tài nguyên, nhiệt độ tăng cao hơn, biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, nhưng trước mắt là thảm họa lũ lụt đổ ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn và sự phát triển chẳng khi nào bền vững được.

Thủy điện - 'Nỗi ám ảnh' của người dân vùng lũ - Ảnh 2

Phát triển thủy điện nhỏ từng là xu hướng phát triển chính của ngành năng lượng điện Việt Nam. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Siết chặt quy hoạch thủy điện

Trong những ngày qua, người dân miền Trung liên tục gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường, mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn. Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Điều này khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

TS Tô Văn Trường - Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam) cho biết: Khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.

Một đánh giá khác của các chuyên gia cho thấy, thủy điện nhỏ thường được khai thác để ưu tiên cấp điện cho những vùng chưa nối lưới, tức là cấp điện tại chỗ bằng hệ thống độc lập hoặc kết hợp nhiều nguồn khác nhau tại vùng đó, để cấp điện cho khu dân cư ở gần nhà máy chứ không phải phá rừng, làm đường nối lên lưới như Việt Nam đang làm.

Để siết chặt việc phát triển thủy điện nói chung và các dự án thủy điện vừa và nhỏ nói riêng, theo Bộ Công thương sau khi có Nghị quyết 62 của Quốc hội (về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện), trong 8 năm liên tục (từ năm 2012 đến năm 2019), cơ quan này đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, loại khỏi quy hoạch 479 dự án thủy điện nhỏ, 213 vị trí tiềm năng thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang… Riêng từ ngày 1/1/2019 đến nay, Bộ Công thương chưa cho phép bổ sung các dự án thủy điện mới vào quy hoạch.

Lợi dụng dự án thủy điện để kiếm lời

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An cho biết, thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.

“Người ta xây thủy điện với lý do điều tiết lũ, nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lợi từ cây rừng bị chặt phá là chính, rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình chung, khi họ phá rừng thì cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước”, ông Thành cho hay.

Huy Sơn

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện - 'Nỗi ám ảnh' của người dân vùng lũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới