Thứ bảy, 20/04/2024 02:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/12/2021 10:00 (GMT+7)

Thung lũng Valles Marineris: Khối nước ngầm khổng lồ trên Sao Hỏa

Theo dõi KTMT trên

Thông tin về vị trí và cách thức nước tồn tại trên Sao Hỏa hiện nay là rất cần thiết, giúp hiểu rõ hơn về lịch sử của hành tinh này, cho phép chúng ta tìm kiếm môi trường có thể sống được.

Vị trí và cách thức nước tồn tại trên Sao Hỏa

Tại hệ thống thung lũng Valles Marineris, nước nằm dưới bề mặt lớp đất đóng băng, CNN dẫn thông báo hôm 16/12 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Valles Marineris chạy dọc trên bề mặt Sao Hỏa, với ước tính có chiều dài hơn 4.000 km, chiều rộng hơn 200 km và sâu tới 7 km.

Phần lớn nước trên Sao Hỏa nằm ở vùng cực dưới dạng đông đá. Tuy nhiên, khu vực Valles Marineris nằm ngay sát đường xích đạo của Sao Hỏa. Tại vị trí này, nhiệt độ thường không đủ thấp để khiến nước luôn ở trạng thái đóng băng.

Thung lũng Valles Marineris: Khối nước ngầm khổng lồ trên Sao Hỏa - Ảnh 1
Hình ảnh mô phỏng thung lũng Valles Marineris được NASA xây dựng từ các ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Mars Odyssey. (Ảnh: NASA)

"Với ExoMars Trace Gas Orbiter, chúng tôi có thể phân tích lớp địa chất sâu 1 m dưới mặt đất, biết được chuyện gì thực sự xảy ra dưới bề mặt Sao Hỏa và quan trọng nhất là xác định được những ốc đảo chứa nước trước đây không thể phát hiện", Igor Mitrofanov, chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cho biết.

Tàu vũ trụ Trace Gas Orbiter sử dụng một thiết bị dò tìm neutron, qua đó xác định được một khu vực tại Valles Marineris chứa lượng hydrogen cao bất thường.

"Giả sử lượng hydrogen chúng tôi phát hiện được liên kết thành phân tử nước, ước tính 40% vật chất gần mặt đất là nước", ông Mitrofanov cho biết.

Các nhà khoa học cho biết khu vực chứa nước tại Valles Marineris có diện tích tương đương Hà Lan. Hiện tượng xảy ra ở Valles Marineris tương tự với các khu vực đất đóng băng vĩnh cửu tại Trái Đất, nơi nước đông đá tồn tại dưới lớp đất khô.

"Thông tin về vị trí và cách thức nước tồn tại trên Sao Hỏa hiện nay là rất cần thiết, giúp hiểu rõ hơn về lịch sử của hành tinh này, cho phép chúng ta tìm kiếm môi trường có thể sống được, các dấu hiệu sự sống trong quá khứ và các vật liệu sinh học của Sao Hỏa thời kỳ đầu", Colin Wilson, chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nói.

Trước đó, NASA phát hiện bằng chứng sự sống trên Sao Hỏa

Xe thăm dò Perseverance của NASA đã thu được hai mẫu đá trên Sao Hỏa. Trên hai mẫu đá này có những dấu hiệu cho thấy chúng từng có thời gian dài tiếp xúc với nước, củng cố thêm khả năng tồn tại cuộc sống cổ đại trên "hành tinh đỏ", NASA thông báo hôm 10/9.

"Có vẻ như những mẫu đá đầu tiên cho thấy từng có một môi trường có khả năng duy trì sự sống. Nước từng tồn tại trong thời gian dài trên Sao Hỏa là điều rất có ý nghĩa", Kem Farley, nhà khoa học thuộc dự án thăm dò Sao Hỏa của NASA, cho biết.

Thung lũng Valles Marineris: Khối nước ngầm khổng lồ trên Sao Hỏa - Ảnh 2
Xe thăm dò của NASA khoan 1 lỗ nhỏ trên tảng đá lớn để lấy mẫu vật. (Ảnh: NASA)

Mẫu đá đầu tiên được Perseverance thu thập hôm 6/9 có tên "Montdenier". Mẫu đá thứ hai tên "Montagnac" thu được hôm 8/9. Những mẫu vật đầu tiên có thành phần là đá bazan, nhiều khả năng là sản phẩm của dòng chảy nham thạch.

Đá núi lửa thường chứa nhiều khoáng chất tinh thể, rất hữu dụng trong xác định niên đại của chúng. Điều này giúp các nhà khoa học xây dựng bức tranh phác họa về lịch sử địa lý, như thời điểm miệng núi lửa hình thành, thời gian hồ nước xuất hiện và biến mất, cũng như biến đổi của khí hậu trong khoảng thời gian đó.

"Một điều thú vị về những mẫu đá này là chúng có những dấu hiệu cho thấy tương tác lâu dài với nước ngầm", Katie Stack Morgan, một nhà địa chất học của NASA, nói.

Các nhà khoa học trước đó đã biết từng tồn tại một hồ nước ở khu vực miệng núi lửa nơi xe thăm dò Perseverance đang hoạt động. Tuy nhiên, NASA không thể loại trừ khả năng hồ nước chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 50 năm.
Với các mẫu đá thu được, NASA hiện chắc chắn hơn về khả năng nước đã tồn tại trong khoảng thời gian dài.

"Nếu những tảng đá này tiếp xúc với nước trong thời gian dài, có thể có những hốc nhỏ bên trong giúp duy trì các dạng sống của vi sinh vật cổ đại", bà Morgan nói.

Các khoáng chất muối bên trong lõi những tảng đá có thể giữ lại những bong bóng nước nhỏ, bảo tồn những dấu hiệu của sự sống cổ đại nếu chúng thực sự tồn tại.

NASA hy vọng có thể đưa những mẫu đá này về Trái Đất để nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, việc đưa mẫu vật về Trái Đất nhiều khả năng chỉ có thể thực hiện trong một nhiệm vụ chung với Cơ quan Không gian châu Âu vào thập niên 2030.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thung lũng Valles Marineris: Khối nước ngầm khổng lồ trên Sao Hỏa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới